Đường dẫn truy cập

Philippines muốn chung quyết thỏa thuận quân sự với Mỹ


Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario tiếp đón Dân biểu Hoa Kỳ Chris Smith tại Bộ Ngoại giao Philippines, 25/11/13
Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario tiếp đón Dân biểu Hoa Kỳ Chris Smith tại Bộ Ngoại giao Philippines, 25/11/13
Giới chức Philippines nói thách thức trong việc huy động nỗ lực cứu trợ Bão Haiyan cho thấy tính cấp bách của việc phải ký kết một thỏa thuận dài hạn cho phép gia tăng sự hiện diện của binh lính Mỹ ở nước này.

Bão Haiyan ập vào Philippines trong khi nước này và Mỹ đang thương thảo một kế hoạch điều động quân Mỹ thường xuyên tới đây.

Các nhà thương thuyết đã hội họp từ nhiều tháng nay, nhưng đại diện của Philippines nói họ vẫn cần thời gian nghiên cứu một số vấn đề.

Hôm thứ Hai, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã kêu gọi chung quyết thỏa thuận này tại một cuộc họp với một phái đoàn Quốc hội Mỹ ở Manila. Ông nói:

"Tôi nghĩ thảm họa này cho thấy sự cần thiết phải có hiệp định khung mà chúng tôi đang bàn thảo với Mỹ, bởi vì nó làm nổi bật một trong những mục đích chính là đưa hoạt động cứu trợ nhân đạo và ứng phó cứu trợ thiên tai trở thành một khía cạnh quan trọng của thỏa thuận."

Bão Haiyan làm tê liệt cơ sở hạ tầng các tỉnh miền trung của Philippines khi gió mạnh làm mất điện và giật sập những tháp liên lạc. Nó xóa sổ hầu hết những ngôi nhà trong làng và thành phố và để lại một mớ hỗn độn cây cối và mảnh vỡ gây tắc đường trong nhiều ngày.

Sự tàn phá cản trở các nỗ lực cứu trợ và khiến quân đội Philippines bó tay không thể ứng phó. Mỹ đã gửi khoảng 50 tàu và máy bay tới khu vực này cho hoạt động hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa. Lực lượng quân sự của Mỹ cũng giúp tìm cách vận chuyển cho công tác ứng phó của riêng Philippines .

Dân biểu Trent Franks của bang Arizona nói với phóng viên tại Manila rằng Mỹ cam kết củng cố quan hệ đối tác phòng thủ chung. Ông nhận định:

"Tôi nghĩ việc chúng ta sát cánh cùng nhau và tận dụng mọi cơ hội ta có được, bao gồm sự việc này, là vô cùng quan trọng, để cố gắng đưa những nỗ lực quân sự của chúng ta xích lại gần nhau."

Ông Carl Baker là giám đốc chương trình tại Diễn đàn Thái Bình Dương của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, Mỹ.

Ông nói hoạt động cứu trợ bão Haiyan sẽ ảnh hưởng đến các cuộc thương thuyết giữa hai nước, nhưng đó không phải là yếu tố quyết định cho thỏa thuận. Ông phát biểu:

"Tôi nghĩ sẽ là một sai lầm nếu Mỹ bước vào những cuộc thương thuyết với ý nghĩ rằng giờ mình có thêm sức ảnh hưởng để thuyết phục Philippines chấp nhận những điều khoản mà họ không sẵn lòng chấp nhận."

Philippines, một trong những nước có ngân sách quốc phòng nhỏ nhất trong khu vực, muốn Mỹ gia tăng sự hiện diện binh lính để bổ trợ cho kế hoạch mở rộng quân sự của mình.

Philippines đặc biệt lo ngại về tranh chấp lãnh thổ căng thẳng với Trung Quốc quanh những đảo nhỏ ở Biển Đông giàu tài nguyên. Đồng thời Mỹ cũng đang chuyển trọng tâm an ninh và kinh tế về châu Á, nơi ảnh hưởng của Trung Quốc tiếp tục gia tăng.

Chỉ huy trưởng các lực lượng vũ trang Philippines Emmanuel Bautista cho biết hoạt động ứng phó thiên tai của Mỹ giúp củng cố quân đội Philippines. Ông nói:

"Trong những cuộc khủng hoảng khác mà chúng tôi từng phải đối mặt cũng như lần này, họ luôn luôn có mặt cạnh chúng tôi, thể hiện sự sẵn sàng và khả năng hỗ trợ trong bất cứ vấn đề nào chúng tôi gặp phải."

Nhà nghiên cứu Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á nói hoạt động ứng phó bão của Mỹ giúp hai nước tiến gần hơn đến mục tiêu của mình:

"Mỹ không muốn nói,‘Chúng tôi muốn gia tăng hiện diện quân sự ở Philippines bởi vì Trung Quốc.’ Họ sẽ lấy lý do khác, như cứu trợ nhân đạo và ứng phó thiên tai, làm một trong những yếu tố rất quan trọng mà họ sẽ sử dụng để củng cố lập luận của mình."

Tuần trước, Trung Quốc đã gửi tàu quân y “Hòa Bình” 14.000 tấn của mình tới Philippines góp phần vào nỗ lực cứu trợ bão Haiyan. Ông Storey nói đây là một bước tiến đáng kể vì đó sẽ là hoạt động cứu trợ nhân đạo đầu tiên của tàu Hòa bình.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG