Đường dẫn truy cập

Phản kháng ở VN không lay chuyển chiến lược biển của TQ


Vụ tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Việt Nam đã làm bùng ra những cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây chết người ở Việt Nam trong tuần này. Các cuộc biểu tình cũng đã diễn ra hôm thứ 6 tại Philippines, là nước cũng đang đối đầu gay gắt với Trung Quốc về vấn đề chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông. Từ Hồng Kông, thông tín viên Rebecca Valli của đài bài tường thuật rằng các cuộc phản kháng có phần chắc sẽ không làm lay chuyển chiến lược biển của Bắc Kinh.

Việc Trung Quốc đưa giàn khoan đến đặt tại vùng biển mà Hà Nội cũng tuyên bố có chủ quyền thoạt đầu đã làm bùng ra những vụ va chạm giữa tàu bè hai nước. Vụ đối đầu sau đó đã vào tới đất liền với việc hàng ngàn người Việt Nam xuống đường biểu tình ở nhiều nơi trong nước và nổi lửa đốt cháy các công xưởng mà họ nghĩ là do Trung Quốc làm chủ.

Phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Trầm Đan Dương hôm thứ 6 thúc giục Hà Nội trừng trị những kẻ phạm pháp:

"Vụ này đã buộc các doanh nghiệp của chúng tôi tạm ngưng hoạt động và gây ra cho họ những thiệt hại kinh tế rất lớn. Trung Quốc mạnh mẽ lên án vụ này."

Giáo sư Nicholas Thomas, một chuyên gia Á châu của Đại học Thành phố Hồng Kông, nhận định như sau về phản ứng của Bắc Kinh:

"Quí vị đã nhìn thấy một phản ứng, một sự nhận thức về việc này trên truyền thông xã hội Trung Quốc, nhưng nó không ở mức mà Trung Quốc phải làm một việc gì đó bởi vì Trung Quốc đang bị đe dọa. Việc này được trình bày là một vấn đề mà Việt Nam phải xử lý, và bất cứ chuyện gì xảy ra cũng đều là lỗi của Việt Nam."

Trung Quốc tuyên bố đòi chủ quyền hầu toàn bộ Biển Đông, một nơi có nhiều dầu lửa và những tuyến hàng hải quan trọng của cả thế giới. Nhưng yêu sách của Trung Quốc chồng lấn với các đòi hỏi chủ quyền của nhiều nước trong khu vực, kể cả Việt Nam và Philippines.

Ông Jonathan London, giáo sư môn Việt học của Đại học Thành phố Hồng Kông, cho rằng Việt Nam có luận cứ vững chắc để đòi chủ quyền theo luật pháp quốc tế, nhưng vụ bạo động trong tuần này tạo ra những mối rủi ro cho Hà Nội:

"Xảy ra những sự việc như thế này là không may. Đây là một việc làm lạc hướng chú ý. Thông điệp mà Hà Nội có thể đánh đi rõ ràng chừng nào thì luận cứ của họ càng rõ ràng hơn và vững mạnh hơn chừng đó cho đất nước của họ. Nếu không thì nó sẽ là một hành động tự chuốc lấy thất bại trong lúc đương đầu với một nước láng giềng cực kỳ hùng mạnh và hung hãn."

Các nhà phân tích tin rằng vụ rối loạn sẽ không thay đổi chiến lược của Trung Quốc là thực hiện những hành động cụ thể để củng cố yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, và các giới chức Trung Quốc đã ra sức nêu bật nhận định đó.

Cả người phát ngôn của Bộ Ngoại giao lẫn viên Tham mưu trưởng quân đội đều đã khẳng định điều mà họ gọi là “quyết tâm không lay chuyển” của Trung Quốc trong việc tiến hành những hoạt động trong lãnh thổ của mình.

Giáo sư Thomas cho rằng lời nói và hành động của Trung Quốc thường không đi đôi với nhau:

"Đây là một vấn đề bởi vì Trung Quốc đang tìm cách đánh bóng hình ảnh của họ như một cường quốc đang trỗi dậy trong hòa bình. Họ ra sức tuyên truyền là họ không phải là một mối đe dọa đối với khu vực, nhưng họ lại thực hiện những hành động chống lại Philippines và cũng chống lại Việt Nam."

Hôm thứ 6, những cuộc phản kháng chống lại Trung Quốc đã lan sang Philippines. Tại đây hơn 100 người Philippines và Việt Nam đã biểu tình trước tòa lãnh sự Trung Quốc. Họ kêu gọi chính phủ hai nước đoàn kết với nhau để chống lại điều mà họ cho là xự xâm lăng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG