Đường dẫn truy cập

Parrot And Olivier In America (Parrot và Olivier trên đất Mỹ) - Peter Carey


Parrot And Olivier In America (Parrot và Olivier trên đất Mỹ) - Peter Carey
Parrot And Olivier In America (Parrot và Olivier trên đất Mỹ) - Peter Carey

Cuộc sống người nhập cư di dân sang Mỹ từ những năm giữa thế kỷ 19 trong tiểu thuyết Parrot và Olivier ở Mỹ của Peter Carey khởi hứng từ cuộc đời của Alexis de Tocquevelle tác giả quyển “Dân chủ ở Mỹ” là một bức tranh bi hài tuy xảy ra trong quá khứ nhưng cũng mang những nét rất hiện đại của cuộc sống người di dân vô xứ ở Mỹ hiện nay.

Hàng năm cứ vào hai tháng 9 và 10, giới phê bình, điểm sách cũng như độc giả tiểu thuyết tiếng Anh thường chú tâm theo dõi giải văn chương hàng đầu của nước Anh: Giải Man Booker Prize sẽ được trao tặng cho nhà văn nào. Năm nay, danh sách vào chung kết còn lại 6 nhà văn: Peter Carey với tiểu thuyết Parrot and Olivier in America, Emma Donoghue với quyển Room, Damon Galgut với In a Strange Room, Howard Jakobson với The Finkler Question, Andrea Levy với The Long Song (chúng tôi đã giới thiệu trong một chương trình trước đây), và Tom McCarthy với tiểu thuyết nhan đề chỉ có một chữ “C”.

Trong số 6 nhà văn đứng đầu danh sách, Peter Carey đã hai lần được nhận giải Man Booker Prize, lần đầu vào năm 1988 với quyển Oscar and Lucinda và năm 2001 với tiểu thuyết True History of the Kelly Gang. Điểm khá lý thú của giải Man Booker Prize là giải này tuy chỉ được trao cho những tác phẩm viết bằng Anh văn nhưng tác giả không nhất thiết phải là người Anh hay sống ở Anh. Salman Rushdie một tác giả gốc Ấn được thế giới biết đến nhiều khi tiểu thuyết Midnight’s Children/Những Đứa Trẻ Chào Đời Lúc Nửa Đêm năm 1981, và nhà văn Nobel Văn chương J.M. Coetzee sống ở Phi châu cũng hai lần được trao giải này.

Peter Carey gốc người Úc, sinh năm 1943, cha mẹ làm chủ cửa hàng bán xe hơi, theo học ngành Hóa học và Động vật học tại đại học Monash University ở Melbourne, Úc nhưng bị tai nạn xe hơi và không cảm thấy thích thú nên bỏ dở ngành học xoay sang làm trong ngành quảng cáo tiếp thị. Peter Carey là người chịu khó đọc sách học hỏi, yêu thích những nhà văn như James Joyce, Samuel Beckett, Franz Kafka, và William Faulkner đều là những tiểu thuyết gia hàng đầu của văn chương thế giới thế kỷ 20. Vào những năm cuối thập niên 60s Peter Carey du lịch tới hầu hết các nước Âu châu và một số nước Trung Đông, tạm trú ở London trong hai năm, năm 1970 trở về lại Úc châu tiếp tục làm trong ngành quảng cáo thương mại ở Melbourne và Sidney.

Peter Carey di dân sang sống ở New York từ năm 1990, dạy ngành sáng tác ở New York University. Năm 1998 Peter Carey được Nữ Hoàng Elizabeth Đệ Nhị vời hội kiến sau khi tiểu thuyết Jack Maggs của ông được trao giải Văn chương Thị Trường Chung nhưng đã từ chối lời mời của Nữ Hoàng Anh và việc này một thời đã tạo nên dư luận khá ồn ào dù cho Peter Carey đã nói từ chối vì lý do gia đình nhưng người đời vẫn tin rằng chủ yếu vì Peter Carey là một đảng viện đảng Cộng Hòa Úc.

Nội dung quyển truyện được tóm gọn trên bìa bọc quyển sách: “khởi hứng từ cuộc đời của Alexis de Tocqueville”. Như chúng ta đã biết, Alexis de Tocqueville, triết gia học thuyết chính trị Pháp là tác giả quyển sách cổ đỉển nổi tiếng Democracy in America/Dân chủ ở Mỹ, gốc quý tộc, khi còn trẻ vào năm 1831 cùng với người bạn đường là luật sư Gustave de Beaumont đã làm một chuyến du hành sang Mỹ với mục đích tường trình về hệ thống lao tù ở Mỹ nhưng cuối cùng đã dày công hoàn thành quyển Democracy in America. Trên cái nền lịch sử này Peter Carey đã hư cấu nên hai nhân vật Olivier và Parrot trong quyển tiểu thuyết lịch sử Parrot và Olivier ở Mỹ để đào sâu và khai triển chủ đề cuộc sống của người di dân đến tân thế giới là nước Mỹ, kể chuyện ngày xưa để nói chuyện hôm nay, vì chính bản thân tác giả cũng là một kẻ di dân.

Peter Carey trong các tiểu thuyết của ông có cái thú đưa ra “một cặp nhân vật” thoạt đầu từ nhân thân đến tính cách đều đối nghịch nhưng cuối cùng lại trở thành thân thiết thương yêu nhau. Giòng tự sự xuyên suốt 400 trang sách của quyển Parrot và Olivier ở Mỹ là lời kể chuyện lần lượt nối tiếp nhau của Olivier de Garmont và John Larrit tục danh “Parrot” vì từ khi còn nhỏ đã có tài bắt chước.

Olivier de Garmont giòng dõi quý tộc Pháp, ra đời sau cuộc Cách Mạng, nay đã 25 tuổi, cận thị nặng, mắc chứng xuyễn và nhức đầu kinh niên, ốm yếu xanh xao, con trai độc nhất của Bá tước de Garmont. Nhưng về tinh thần, Olivier tuy là kẻ có đầu óc cao ngạo nhưnglại rất tin tưởng vào chế độ dân chủ. Sau Cách Mạng tháng Bảy, nhất là sau thời kỳ Đại Khủng Bố năm 1793, tuy Napoléon Bonaparte vẫn còn trị vì nhưng những biến cố lịch sử tiếp sau với sự nổi dậy của giai cấp cùng đinh (les sans-culottes) đe dọa đế chế cũng như mạng sống của giới quý tộc nên mẹ của Olivier đã lấy cớ nghiên cứu hệ thống lao tù ở Mỹ để người con trai độc nhất Olivier có cơ hội ra khỏi nước Pháp. Nhưng bà Bá tước cũng cẩn thận cho Parrot nay đã gần ngũ thập cùng vợ ông ta là Mattie, một họa sĩ tài năng gốc gác bình dân đi cùng với Olivier, ngoài mặt là để đỡ đần bảo vệ và thư ký riêng vì Olivier viết chữ rất xấu, nhưng sự thực là để Parrot báo cáo sự tình cuộc du hành sang xứ người cho bà biết. Lúc đầu Olivier không biết điều này nhưng khi được biết chỉ có Parrot là người được phép rút tiền từ tài khoản mẹ dành cho mình thì Olivier mới hay mình bị rình rập theo dõi nên tỏ ra tức giận và lạnh nhạt với Parrot.

Qua lời kể của Olivier và Parrot về gia cang và thời niên thiếu của hai người chúng ta nhận rõ ý định của tác giả muốn đưa ra hai bức tranh xã hội và lịch sử của hai giai cấp, hai thế giới đối nghịch nhau. Chuyến du hành của Olivier và Parrot, hai điển hình của Cựu Thế Giới sang Tân Thế Giới cũng lại là một bức tranh tương phản khác. Thời thơ ấu Olivier là một đứa trẻ về thể chất hay đau ốm, về tinh thần yếu đuối nhạy cảm, hay sợ sệt, thuộc gia đình quý tộc nên được nuông chiều hầu hạ, sau cuộc Đại Khủng Bố gia đình rời thủ đô về ẩn cư trong tòa lâu đài ở Normandy, họ hàng thân tộc trong lớp song phế hưng nhiều người bị đưa lên đoạn đầu đài nên Olivier rất sợ hãi ghê tởm cái máy chém cho đến khi trưởng thành vẫn còn bị ám ảnh.

Khi hoàng đế Napoléon sau khi bị thoái vị lần thứ nhì và bị lưu đầy ở đảo St Hélène, gia đình Olivier rơi vào tình cảnh bị chế độ mới trù dập. Khi đó Olivier đang là một luật sư sống ở Versailles, tư tưởng chịu ảnh hưởng sử gia Francois Guizot là người có tư tưởng tự do, chống lại hoàng đế thủ cựu Charles X và cũng là người chủ động lập kế hoạch lật đổ vị vua này khi Cách Mạng Tháng Bảy xảy ra cho nên Olivier dễ dàng trở thành đối tượng cho các kẻ thù phản đế tấn công.

Ngược lại với thời thơ ấu nhung lụa của Olivier, Parrot thuộc gia đình bình dân lao động, cha là một thợ in làm việc cho những ấn quán lậu ở vùng quê. Từ nhỏ Parrot đã được nghe truyện về nhóm Jacobins và về nghệ thuật in tiền giả. Năm 1793, khi đó Parrot mới 12 tuổi tại một ấn quán ở Dartmoor, cha của Parrot bị Hầu tước de Tilbot biệt danh Anh hùng vùng Vendée cưỡng bức đem về cảng Jackson để in tiền giả cho nhóm kháng chiến chống cách mạng. Hầu tước de Tilbot hóa ra lại là người tình của Nữ Bá tước de Garmont, mẹ của Olivier. Khi nhà in tiền giả bị bại lộ và cha của Parrot bị bắt và bị xử tử, cuộc đời cậu bé mồ côi bắt đầu đi vào giai đoạn lưu lạc gian truân: cùng với các tội phạm bị đưa lên tầu lưu đầy sang Úc châu, phải sống ở Úc nhiều năm sau đó mới tìm được cách trở về Pháp lại.

Peter Carey trong những trang sách kể lại tuổi thơ và tuổi thanh xuân của Olivier và Parrot đã cố ý xếp đặt giòng tự sự không liên tục, gãy nát, bất chấp thứ tự thời gian để cho người đọc có cảm tưởng đó là những “đoạn đời từng mảnh” của hai nhân vật chính. Sự gặp gỡ giữa Olivier và Parrot xảy ra khi chuẩn bị chuyến du hành Mỹ quốc vào năm 1830 là do Hầu tước de Talbot cùng người tình Nữ Bá tước de Gramont sắp đặt.

Trên con tàu lênh đênh trên đại dương mối quan hệ chủ-tớ giữa Olivier và Parrot là một mối quan hệ đối nghịch: trong khi Olivier, anh ta nghi ngờ Parrot rình rập để báo cáo mình với gia đình, Parrot lại cay đắng phẫn hận vì mình bị làm kẻ người khác sở hữu. Tình cảnh này khiến có nhiều chuyện dở khóc dở cười và việc mô tả những cảnh hỉ nộ là sở trường của Peter Carey. Hai người đã dùng những lời mỉa mai riễu cợt để nói về nhau, Olivier trong lòng e ngại Parrot có thể giết mình khi ngủ quên trong khi Parrot gọi Olivier là “Nhà Quý Tộc Đau Đầu” và nhiều khi muốn lấy đất nhét đầy miệng Olivier để khỏi phải nghe lời ăn tiếng nói kênh kiệu vì theo Parrot: “Khốn nỗi với giai cấp de Garmont nói chung đó là việc bọn họ không thể hình dung được cuộc đời của bất kỳ kẻ nào ở ngoài cái vòng mông đít của họ.”

Cuộc đời hai người có những thay đổi lớn khi họ cập bến New York. Dù sao họ cũng phải nương tựa nhau để sống. Olivier cố gắng tìm hiểu về người Mỹ, nước Mỹ, đưa ra những ý khi thì miệt thị khi thì ngưỡng mộ. Olivier muốn tìm hiểu hệ thống lao tù ở Mỹ vì theo anh nghiên cứu cách thức một xã hội đãi ngộ tù nhân tức là nghiên cứu lịch sử và con người của xã hội đó.

Từ trước khi bước chân lên đất Mỹ Olivier có thiên kiến cho rằng dân Mỹ quá đà kiêu hãnh về đất nước họ, khi thực sự đến Mỹ Olivier nhận xét “dân Mỹ bị tiền bạc và thương vụ ám ảnh,” nên từ đó có những ý tưởng tiêu cực về văn hóa và tôn giáo Mỹ. Thế nhưng, Peter Carey, kẻ đã chọn nước Mỹ để tạm cư, cho rằng cuộc đời con người do hoàn cảnh sống và những biến cố định hình ngoài khả năng kiểm soát làm chủ của ta. Sau những chuyên đi đây đó ở nước Mỹ, Olivier đã quen hơi bén tiếng với xứ sở mới, có cả một người tình Mỹ anh rất say mê xin cưới làm vợ. Nhưng đến khi vị hôn thê đề nghị Olivier về Pháp làm đám cưới theo kiểu quý tộc thì anh thất vọng chua chát. Can dự vào một vụ đấu sung, Olivier may nhờ sự khôn khéo của Parrot nên khỏi ngồi tù.

Trong khi cuộc đời của Olivier đi theo lộ trình từ quý tộc vương giả trở thành một kẻ bình thường như mọi người ở Mỹ thì Parrot lại thành công trong kỹ nghệ sản xuất tranh in chim chóc bán khắp thế giới nên trở thành giàu có, có khả năng bao bọc Olivier. Có thể nói Peter Carey là nhà văn sáng giá của mảng văn chương di dân vô xứ vì những nhân vật trong hầu hết những tiểu thuyết của ông là những số phận bị di dời khỏi quê hương và thường không thấy nơi đâu là quê nhà.

Đường dẫn liên quan

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG