Đường dẫn truy cập

Ông Tập Cận Bình lên giữ chức Chủ tịch nước Trung Quốc


Ông Hồ Cẩm Đào và Tân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc ở Bắc Kinh, ngày 14/3/2013.
Ông Hồ Cẩm Đào và Tân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc ở Bắc Kinh, ngày 14/3/2013.
Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc của Trung Quốc đã bỏ phiếu chọn ông Tập Cận Bình làm Chủ tịch nước. Thủ tục nặng phần nghi lễ này đánh dấu sự hoàn tất của cuộc chuyển giao quyền lãnh đạo bắt đầu cuối năm ngoái. Theo tường thuật của thông tín viên William Ide gởi của đài VOA ở Bắc Kinh, trong vài tháng qua, ông Tập Cận Bình và nhóm lãnh đạo mới của Trung Quốc đã làm gia tăng sự trông đợi về triển vọng cải cách ở quốc gia theo chế độ độc tài này.

Chỉ trong vài giờ đồng hồ các đại biểu tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc của Trung Quốc đã đồng thanh bỏ phiếu ủng hộ cho ông Tập Cận Bình giữ chức Chủ tịch nước. Chỉ có một phiếu chống và 3 phiếu trắng, trong lúc có tới 2,952 phiếu thuận.

Cuộc bỏ phiếu tại Đại Sảnh đường Nhân dân mà kết quả đã biết trước này diễn ra trong một bầu không khí vui nhộn. Nhiều đại biểu đã tư chụp hình trong lúc bỏ phiếu. Những người khác chen nhau đến xin chữ ký của ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường, người có phần chắc sẽ chính thức lên nắm chức Thủ tướng vào ngày mai.

Điều mà nhiều người còn chưa biết chắc là ông Tập và ông Lý sẽ xử lý như thế nào đối với các thách thức to lớn của đất nước và những lời kêu gọi cải cách ngày càng nhiều.

Các đại biểu trong cuộc bỏ phiếu tại Đại Sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh.
Các đại biểu trong cuộc bỏ phiếu tại Đại Sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh.
Các giới chức Trung Quốc đã bày tỏ một cách rõ ràng trong suốt các cuộc họp của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc là một chọn lựa đã không được mang ra thảo luận là cải cách chính trị.

Phát ngôn viên Phó Oánh của Đại hội Đại biểu đã cho biết như sau.

Bà Phó Oánh nói rằng người ta đã không công bằng khi cho rằng cải cách chính trị kiểu Trung Quốc không phải là cải cách vì không đi theo cùng một con đường với các nước khác.

Tựa đề của một bài báo trên tờ Hoàn cầu Thời báo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc còn viết rõ hơn. Họ nói rằng “Khẳng định con đường xã hội chủ nghĩa, kiên quyết bác bỏ mô hình Tây phương”.

Tuy nhiên, Trung Quốc không bác bỏ mọi ý niệm chính trị của Tây phương. Trong vài tuần qua có nhiều bài viết trên truyền thông nhà nước Trung Quốc nói tới sự quan tâm về các tác phẩm của Alexis de Tocqueville.

Ông Vương Kỳ Sơn, một trong 7 ủy viên thườøng trực Bộ Chính trị, đã đề nghị các đồng sự của ông tìm đọc cuốn “Chế độ cũ và cách mạng” của sử gia người Pháp.

Du luận Trung Quốc cũng bàn tán nhiều tới vấn đề phải chăng các điều kiện ở Trung Quốc đã chín muồi cho một cuộc cách mạng.

Về việc này nhà báo Trịnh Nhất Trung cho biết rằng ông Vương Kỳ Sơn và ông Tập Cận Bình quan tâm tới các tác phẩm của Tocqueville vì họ muốn học hỏi về cách thức cai trị và cách thức duy trì quyền lực độc tôn của mình và né tránh các mối rủi ro. Tuy nhiên, ông Trịnh cho rằng những người theo phe tự do và dân chúng nói chung lại có một cái nhìn khác. Họ nghĩ rằng Trung Quốc nên chấm dứt chế độ cai trị độc đảng. Họ tin rằng nếu điều đó không xảy ra thì Trung Quốc có thể trải qua một cuộc cách mạng tương tự như cuộc cách mạng Pháp.

Chủ tịch nước Trung Quốc nói chuyện với ông Lý Khắc Cường, người chắc chắn sẽ nắm chức Thủ tướng.
Chủ tịch nước Trung Quốc nói chuyện với ông Lý Khắc Cường, người chắc chắn sẽ nắm chức Thủ tướng.
Một số người tin rằng những sự thay đổi thật sự sẽ không xảy ra nếu không tiến hành cải cách chính trị.

Nhà làm phim Ngãi Hiểu Minh, cũng là một nhà hoạt động xã hội, cho rằng dân chúng nên hành động để thúc đẩy cho sự thay đổi thay vì đặt hy vọng vào các nhà lãnh đạo đất nước.

Bà Ngãi nói rằng chúng ta không thể đặt niềm tin vào những nhà lãnh đạo mà nước uống của họ được cung ứng bởi một đội ngũ nhân viên đặc biệt và gia đình của họ không còn sinh sống ở Trung Quốc. Bà nói thêm rằng khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhóm họp, họ gạt bỏ những vấn đề và những lời chỉ trích. Họ không cho phép người dân bày tỏ ý kiến. Người dân không được tụ họp hay biểu tình trên đường phố.

Hiện nay, ngân sách mà Trung Quốc dùng cho công tác bảo vệ an ninh còn cao hơn ngân sách quốc phòng. Sự mất tin tưởng của công chúng đối với các nhà lãnh đạo đất nước là một mối quan tâm lớn, đặc biệt vì nó dính líu tới nạn tham ô cửa quyền.

Các nhà lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc mới đây đã cảnh báo rằng tham nhũng có thể đưa tới chỗ “mất nước mất đảng” và họ đã nói nhiều hơn tới điều mà họ gọi là quyết tâm chống tham nhũng của chính phủ.

Ông Tập Cận Bình cho biết chính phủ sẽ không chỉ trừng trị những giới chức tham nhũng cấp thấp, thường được gọi là “những con ruồi”, mà còn trừng trị cả những giới chức cấp cao, được gọi là “những con cọp.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG