Đường dẫn truy cập

Tổng thống Obama vận động cải tổ tài chính


Trong một bài phát biểu tại thành phố New York hôm nay, Tổng thống Barack Obama một lần nữa sẽ trình bầy lập luận của ông để vận động Quốc hội chấp thuận một dự luật cải cách tài chính sâu rộng. Tổng thống trở lại trường đại học Cooper Union ở New York để đọc một thông điệp cấp bách về sự cần thiết phải củng cố các luật lệ tài chính vào lúc Thượng viện Hoa Kỳ đang chuẩn bị cho một cuộc tranh luận rất khó khăn về dự luật này. Thông tín viên VOA Dan Robinson ghi nhận chi tiết trong bài tường trình sau đây.

Đây sẽ là bài phát biểu thứ tư mà ông Barack Obama đọc ở thành phố New York, nơi tọa lạc trung tâm tài chính Wall Street, kể từ năm 2007 khi ông còn đang ra tranh cử với lời kêu gọi giới tài chính phải nhận lãnh trách nhiệm lớn hơn, có viễn kiến tài chính rõ ràng hơn, và thực hiện những biện pháp khác.

Lần này, vào lúc sắp đầy 2 năm sau khi xảy ra vụ khủng hoảng tài chính ở Hoa Kỳ, các rủi ro cao hơn, trong tình hình tổng thống và các đảng viên Dân chủ đang mấp mé đạt được sự chấp thuận những cải cách có ý nghĩa nhất kể từ khi các biện pháp được thực thi sau cuộc Đại suy thoái thời thập niên 1930.

Năm ngoái, phát biểu tại New York vào dịp đệ nhất chu niên cuộc khủng hoảng tài chính, vào lúc Hạ viện Mỹ sắp thông qua phiên bản cải cách tài chính của cơ quan này, tổng thống đã đưa ra thông điệp như sau tại Đại sảnh đường Liên bang của Thành phố New York.

Ông Obama nói: “Những người ở Phố Wall không thể tiếp tục chấp nhận các rủi ro mà không lý tới các hậu quả và trông đợi rằng lần tới người dân Mỹ thọ thuế sẽ ở đó để cứu họ.”

Trước khi đọc bài diễn văn hôm nay, Tổng thống Obama và các giới chức trong chính quyền của ông, nổi bật là Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner, đã nhấn mạnh đến điều mà họ gọi là bản chất cấp thiết của các quyết định mà Quốc hội đang đối mặt.

Ông Geithner cho biết: “Đây sẽ là tập hợp các biện pháp cải cách sâu rộng nhất mà chúng ta đã cứu xét trong tư cách một quốc gia kể từ khi áp dụng các biện pháp sau thời kỳ Đại suy thoái. Chúng ta đã để cho một hệ thống được thiết kế cho một thời đại khác bị thụt lui sau khúc quanh rủi ro và đổi mới trong các thị trường đó, lẽ ra chúng ta không bao giờ nên để cho việc đó xảy ra.”

Dự luật cải cách của Thượng viện sẽ áp đặt các biện pháp kiểm soát mới đối với các ngân hàng và các cơ chế khác nhắm mục đích đạt được sự minh bạch hơn và bảo vệ người tiêu dùng, song song với các biện pháp bảo đảm rằng các thất bại của các cơ chế lớn không làm suy sụp nền kinh tế một lần nữa.

Đề cập đến điều mà ông gọi là những lựa chọn rõ ràng mà Quốc hội và người dân Mỹ đang đứng trước, Phó tổng thống Joe Biden nhắc đến một yêu cầu cấp thiết trong công cuộc cải cách.

Ông Biden nói: “Đó là nhu cầu phục hồi niềm tin và tín nhiệm đối với các thị trường tài chính ở nước Mỹ. Có quá nhiều thành phần tham gia thị trường, qua nhu cầu thiển cận đã lạm dụng sự tín nhiệm đó và tôi cho là có hại cho chính họ về lâu về dài. Cải cách Phố Wall phải chấm dứt hiện tượng này.”

Phe Cộng hòa thiểu số, mà tổng thống đã phủ dụ để ủng hộ dự luật này, đã khẳng định rằng dự luật đó sẽ có tác dụng cho phép chính phủ tiếp tục cứu nguy các ngân hàng.

Trước ngày tổng thống đọc bài phát biểu mới nhất ở New York, các giới chức chính quyền và giới lãnh đạo đảng Dân chủ ở Quốc hội bầy tỏ hy vọng rằng phía Cộng hòa sẽ hợp tác, vào lúc hai bên tiếp tục các cuộc thương thảo.

Hôm qua, các đảng viên Cộng hòa chủ chốt tại Thượng viên đã tỏ ra lạc quan rằng các bất đồng có thể được giải quyết để một dự luật chung cuộc có thể được gọi là mang tính lưỡng đảng. Thượng nghị sĩ Richard Shelby đáp lại những lời chỉ trích rằng phe Cộng hòa, trong khi vận động đòi thay đổi một số điều khoản, đã có vẻ như đứng về phía bên kia của cuộc tranh luận cải cách tài chính.

Ông Shelby nói: “Tôi không nghĩ rằng chúng tôi đã từng đứng ở phía hàng rào bên kia trong khi cố gắng đạt được một dự luật quan trọng tác động đến toàn bộ nền kinh tế Hoa Kỳ và tương lai tạo dựng công ăn việc làm.”

Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng Thượng viện, ông Christopher Dodd mô tả điều ông gọi là viễn ảnh lớn mà những người có liên quan phải ghi nhớ:

Ông Dodd nói: “Quý vị đứng về phía nào? Quý vị cần biết thêm điều gì? Điều gì đã xảy ra do hậu quả của tình trạng gần như sụp đổ của hệ thống tài chính ở nước này, 8 triệu rưởi công ăn việc làm, 7 triệu căn nhà, tiền hưu bổng, các cơ sở kinh doanh nhỏ, tín dụng đã bị đình chỉ ở nước này, chúng ta tiến đến bờ vực của một vụ sụp đổ tài chính. Quý vị còn cần phải biết gì thêm nữa?”

Trong khi Thượng viện chuẩn bị thảo luận về cải cách tài chính, chính phủ cũng chỉ trích điều mà Phó tổng thống Joe Biden đề cập đến tuần lễ này như một cuộc vận động chính trị mạnh mẽ và các chiến thuật cay độc của những người chống đối cải cách.

Bài phát biểu của Tổng thống cũng diễn ra trong bối cảnh Uûy ban Hối đoái và Chứng khoán kiện công ty Goldman Sachs ở Phố Wall, mà chính phủ cáo buộc là đã lường gạt giới đầu tư bằng cách bán những công cụ cầm cố mà không thông báo cho người mua rằng họ có nguy cơ thất bại.

Tổng thống Obama và các giới chức chính quyền đã cực lực phủ nhận các gợi ý cho rằng Tòa Bạch Ốc biết trước về vụ kiện này.

Vào ngày trước khi đọc bài phát biểu ở trường đại học Cooper Union, chỉ cách phố Wall một đoạn đường ngắn, tổng thống nhắc lại trong một cuộc phỏng vấn truyền hình của đài CNBC rằng ông đã hô hào cải cách tài chính từ nhiều năm nay.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG