Đường dẫn truy cập

TT Obama tái khẳng định mối liên kết giữa Hoa Kỳ và châu Âu


Tổng thống Obama đả phá lập luận rằng các nền kinh tế đang trỗi dậy sẽ thay thế Hoa Kỳ và Vương quốc Anh trong tư cách lãnh đạo thế giới
Tổng thống Obama đả phá lập luận rằng các nền kinh tế đang trỗi dậy sẽ thay thế Hoa Kỳ và Vương quốc Anh trong tư cách lãnh đạo thế giới

Tổng thống Obama đã trở về sau 6 ngày công du 4 nước Âu châu. Tổng thống đã dành phần lớn thời gian của chuyến đi để cố gắng tái khẳng định rằng liên minh giữa Hoa Kỳ và châu Âu vẫn còn quan trọng.

Tổng thống Obama đã không ký các hiệp định quan trọng hoặc loan báo các chính sách rộng lớn mới nào trong tuần lễ ở châu Âu.

Nhưng dường như ông đã hoàn thành mục tiêu chủ yếu trong chuyến đi - đó là tái khẳng định với châu Âu rằng liên minh xuyên Đại Tây dương vẫn còn quan trọng đối với Hoa Kỳ.

Các cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, những biến động ở Trung Đông, các nền kinh tế bùng phát tại châu Á và các vụ khủng hoảng trong nước đã chiếm phần lớn sự chú tâm của ông Obama tính đến thời điểm này trong nhiệm kỳ tổng thống.

Ngoài ra, chính quyền của ông Obama đã công bố rằng diễn đàn kinh tế G20, với các nước thành viên ở mọi châu lục, là quan trọng hơn G8 chỉ tập trung ở châu Âu.

Ông Obama khởi đầu chuyến đi ngoại giao ở Ireland. Ông đã gặp các nhà lãnh đạo, uống bia ở một quán ruợu tại thị trấn Moneygall, nơi tổ tiên ông đã sinh sống, và công bố nguồn gốc của mình trước hàng ngàn người ở Dublin.

Ông Obama không cam kết hỗ trợ tài chính cho nền kinh tế của Ireland đang trong cơn khó khăn, nhưng hứa sẽ hỗ trợ tinh thần.

Sau Ireland, tổng thống Hoa Kỳ đã đi thăm Anh Quốc. Hoa Kỳ và Anh Quốc đã từng là các đồng minh thân cận nhất từ thế kỷ thứ 19, và là hai đối tác thương mại lớn nhất thế giới.

Nhưng một loạt những vấp váp về nghi lễ và những sự kiện được cho là xúc phạm từ hồi ông Obama mới lên nhậm chức đã khơi ra các nghi vấn về sự lành mạnh của điều thường được gọi là “mối quan hệ đặc biệt.”

Người Anh đã dành cho tổng thống Obama vinh dự hiếm hoi của một chuyến công du, trong đó có cơ hội phát biểu trước Quốc hội tại Sảnh đường Westminster cổ 900 năm.

Ở đó, ông Obama đã đả phá lập luận rằng các nền kinh tế đang trỗi dậy ở Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil sẽ thay thế Hoa Kỳ và Vương quốc Anh trong tư cách lãnh đạo thế giới.

Tổng thống Obama nói: “Lập luận đó là sai lầm. Bây giờ chính là thời điểm lãnh đạo của chúng ta. Chính Hoa Kỳ và Vương Quốc Anh cùng các đồng minh dân chủ của chúng ta đã hình thành một thế giới trong đó các quốc gia mới có thể nổi lên và các cá nhân có thể phát huy. Và mặc dầu có thêm nhiều quốc gia nhận lãnh trách nhiệm lãnh đạo toàn cầu, liên minh của chúng ta sẽ vẫn là cấp thiết cho mục tiêu của một thế kỷ hòa bình hơn, thịnh vượng hơn và công minh hơn.”

Tổng thống Hoa Kỳ và Thủ tướng Anh David Cameron đã thảo luận nhiều vấn đề, trong đó có Libya. Thủ tướng Anh dường như ủng hộ một đường lối mạnh dạn hơn tìm cách lật đổ lãnh tụ Muammar Gadhafi, trong khi ông Obama đề nghị nên thận trọng hơn.

Nhưng hai nhà lãnh đạo đã biểu diễn sự củng cố mối quan hệ cá nhân khi đánh bóng bàn đôi với các học sinh ở London, và cùng dùng món hamburger tại một bữa tiệc ngoài trời ở tư thất Thủ tướng Anh số 10 đường Downing.

Ngoài ra, ông Obama và Nữ hoàng Elizabeth của Anh đều sử dụng cụm tù “mối quan hệ đặc biệt” khi chào mừng nhau tại dạ tiệc ở Điện Buckingham.

Tổng thống Obama đã đến dự hội nghị thượng đỉnh G8 ở thành phố Deauville của Pháp, mưu tìm sự hỗ trợ tài chính cho Ai Cập, Tunisia, và các nước Ả Rập khác đang biểu lộ sự hứa hẹn dân chủ.

Nhóm các nền dân chủ công nghiệp chính trên thế giới đã không đưa ra một cam kết cụ thể, nhưng nói rằng có thể dành cho Ai Cập và Tunisia một ngân khoản 20 tỷ đôla cho các dự án cải cách.

Tại Deauville, ông Obama đã không thuyết phục được Tổng thống Nga Dmitry Medvedev rằng hệ thống phòng thủ phi đạn do Hoa Kỳ đề nghị sẽ không nhắm vào các phi đạn của Nga.

Tuy nhiên, ông Medvedev đã đồng ý ủng hộ các nỗ lực đẩy ông Muammar Gadhafi ra khỏi quyền lực, giúp cô lập thêm lãnh tụ Libya.

Tại Vacshava, ông Obama lại trấn an các nhà lãnh đạo rằng bang giao được cải thiện giữa Hoa Kỳ và Nga không có nghĩa là giảm bớt cam kết của Hoa Kỳ nhằm bảo vệ Ba Lan, một nước đồng minh trong NATO.

Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nói: “Điều chúng tôi muốn làm là sáng tạo một bầu không khí ở khu vực này trong đó hòa bình và an ninh là một điều kiện ắt có và đủ. Điều đó không phải chỉ có lợi cho khu vực này, mà còn có lợi cho cả Hoa Kỳ nữa. Và chúng tôi sẽ luôn sẵn sàng hỗ trợ cho Ba Lan.”

Trong phần còn lại của chuyến đi, ông Obama đã dành phần lớn chuyến thăm Vacshava để chào mừng nước chủ nhà.

Và ông nhắc nhở người Âu châu rằng tại mỗi chặng dừng của chuyến công du ông đã khẳng định rằng liên minh xuyên Đại Tây Dương của Mỹ là nền tảng của sự cam kết của Washington đối với thế giới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG