Đường dẫn truy cập

Các nhóm cứu trợ Mỹ muốn nối lại viện trợ lương thực cho Bắc Triều Tiên


Trẻ em Bắc Triều Tiên ăn bánh mì tại một nhà trẻ ở quận Myongchon, tỉnh Bắc Hamgyong
Trẻ em Bắc Triều Tiên ăn bánh mì tại một nhà trẻ ở quận Myongchon, tỉnh Bắc Hamgyong

Nhiều nhóm cứu trợ của Mỹ chỉ trích việc chính phủ Hoa Kỳ trì hoãn quyết định liệu có nối lại viện trợ lương thực ở quy mô lớn cho Bắc Triều Tiên hay không. Các tổ chức nhân đạo cảnh báo rằng nếu không có viện trợ đáng kể được cho phép trong vòng từ 6 cho đến 9 tháng tới, nhiều người dân yếu thế ở đất nước cộng sản nghèo khó này sẽ đứng trước nguy cơ chết đói. Từ Seoul, thông tín viên Steve Herman của đài VOA có bài tường trình sau đây.

Năm tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Hoa Kỳ lên tiếng cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nhân đạo nếu chính phủ Hoa Kỳ không cho phép nối lại viện trợ lương thực cho Bắc Triều Tiên.

Cách đây nhiều tháng, các nhóm cứu trợ này đã đề nghị một chương trình viện trợ lương thực dành cho khối dân Bắc Triều Tiên được xem là dễ gặp nguy cơ nhất, đó là phụ nữ và trẻ em. Các tổ chức này nói rằng họ không nhận được trả lời của Washington.

Trước đó trong tháng 9, một phái đoàn đại diện cho các nhóm cứu trợ này đã thực hiện một chuyến thăm do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ đến nhiều tỉnh sản xuất lương thực lớn của Bắc Triều Tiên mới đây bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Sau chuyến thăm đó, phái đoàn này kết luận rằng tình trạng an toàn về sức khỏe và lương thực ở Bắc Triều Tiên đang trở nên tệ hại hơn.

Ông Kenneth Isaacs là phó chủ tịch đặc trách các chương trình và các mối quan hệ với chính phủ của một trong các nhóm cứu trợ này có tên là Samaritan's Purse, một tổ chức cứu trợ của Cơ đốc giáo có trụ sở tại bang North Carolina ở Hoa Kỳ.

Ông Isaacs nói: "Sự lan tràn của tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính, và tốc độ lan tràn của nó đã gây mối quan ngại lớn cho chúng tôi. Chúng tôi nhận thấy nếu không có sự can thiệp trong vòng từ 6 cho đến 9 tháng nữa thì chúng ta sẽ chứng kiến số người chết rất nhiều."

Các nhóm cứu trợ này nói rằng nhiều triệu người Bắc Triều Tiên có thể sẽ trở thành nạn nhân của điều mà họ gọi là "cuộc xung đột chính trị."

Ông Isaacs nói rằng một phần của nguyên nhân vẫn đình hoãn việc chuyên chở lương thực đến cho Bắc Triều Tiên hình như là do Nam Triều Tiên gây áp lực đối với Washington.

Ông Isaacs nói tiếp: "Chúng tôi không thấy bất cứ báo cáo nào, mà cũng không nghe bất cứ sự chống đối nào hay thách thức nào đối với các thẩm định của chúng tôi hay các thẩm định của Tổ Chức Lương Thực Thế Giới. Do đó tôi thực sự không biết chính phủ Hoa Kỳ đang làm gì và cách tính toán của họ như thế nào. Mặc dù hình như có một sự gắn kết khá chặt chẽ với những gì mà chính phủ Cộng hòa Triều tiên muốn thực hiện và không muốn thực hiện trong lãnh vực trợ giúp nhân đạo. Có một sự liên hệ nào ở đó."

Bộ Thống nhất Nam Triều Tiên nói với đài VOA rằng cần phải cứu xét cả những quan tâm về chính trị và nhân đạo khi quyết định về việc nối lại viện trợ lương thực ở quy mô lớn.

Giới chức đứng đầu về viện trợ của Hoa Kỳ hồi tuần trước được hãng thông tấn Reuters trích lời nói rằng Washington sẽ không nối lại viện trợ lương thực cho Bình Nhưỡng cho đến khi nào chính phủ Bắc Triều Tiên đáp ứng những lo ngại là họ sẽ không thay đổi mục tiêu sử dụng lượng cứu trợ đó để phục vụ cho chính họ.

Ông Rajiv Shah, người điều hành Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ, gọi tắt là USAID, nói rằng chưa có một sự bảo đảm đáng tin cậy nào được phía Bắc Triều Tiên đưa ra cho dù đã có nhiều cuộc thảo luận.

Hồi tháng 8, Washington đã viện trợ khẩn cấp cho Bắc Triều Tiên trị giá gần một triệu đôla sau vụ lũ lụt. Các giới chức Hoa Kỳ cho hay chuyến viện trợ đó bao gồm lều bạt và tấm plastic.

Chính phủ Hoa Kỳ đã hoãn viện trợ lương thực cho Bắc Triều Tiên vào năm 2008 do một bất đồng về cách thức theo dõi việc cung cấp.

Trước khi các biện pháp chế tài quốc tế được áp đặt đối với Bình Nhưỡng vì các chương trình hạt nhân của nước này, thì Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ là hai nước cấp viện lớn nhất cho Bắc Triều Tiên.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG