Đường dẫn truy cập

Nỗi lo của sinh viên


Nỗi lo của sinh viên
please wait

No media source currently available

0:00 0:04:19 0:00

Sinh viên và bài toán việc làm vẫn đang làm đau đầu các nhà quản lý và chính bản thân người trong cuộc. Đến bao giờ nền giáo dục Việt Nam sẽ không còn nghịch cảnh như hiện nay, đến bao giờ những sinh viên sau thời gian miệt mài đèn sách tốt nghiệp để rồi thất nghiệp? Câu trả lời vẫn còn là một ẩn số buồn.

Theo bản tin cập nhật thị trường lao động do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa công bố thượng tuần tháng 5, hiện có trên 218 ngàn người với trình độ đại học đang bị thất nghiệp. Tháng 5 cũng là tháng của lứa học trò lớp 12 bắt đầu các thủ tục thi tuyển vào đại học. Tháng 5, với những sinh viên sắp ra trường thì chạy vạy đi xin việc bắt đầu trở thành nỗi ám ảnh.

Cô sinh viên tên Vy chia sẻ: “Sinh viên có nhiều điều trăn trở. Điều trăn trở đầu tiên là tiền học phí cao quá, cho nên, ngoài giờ học, mình phải đi làm thêm để phụ. Điều thứ hai, sau khi ra trường thì lo hổng biết có việc làm ngay hay không.”

Chuyện ra trường phải thất nghiệp, theo biện giải của cô cựu sinh viên Hồng Phượng, trước tiên, đó là lỗi của chính sinh viên: “Cảm thấy bây giờ trường đào tạo đại học mọc lên rất nhiều, nhưng thực chất thì sinh viên ra trường không đạt yêu cầu. Sinh viên nghĩ là có bằng thì doanh nghiệp phải trả lương tương xứng, nhưng thực sự thì năng lực không có, kinh nghiệm không có. Chất lượng được đào tạo ra không được cao”.

Để một sinh viên có thể theo học suốt mấy năm trời ở trường đại học, hầu hết phụ huynh phải đầu tắt mặt tối để lo học phí, vật dụng, cơm áo, và các khoản tiền nhà trọ, ký túc xá cho con em mình.

Phụ huynh Phạm Thanh Loan nói rằng đời bà đã học không đến nơi, tới chốn nên giờ dồn hết sức lo cho con cháu mình ăn học: “Mình hy vọng là khi nó học ra trường thì có việc làm theo đúng khả năng.”

Phụ huynh Mỹ Dung chia sẻ để nuôi đứa con theo học đại học, gần như cả gia đình bà cùng dốc sức: “Cũng ráng quơ quào hai, ba người góp lại để lo cho nó học, nhưng mà cũng chưa đủ đâu chị. Bỏ công sức ra lo cho con, nhưng rất sợ là khi nó ra trường, tìm việc không đúng với môn nó học. Mình chỉ sợ, lo sợ là như thế thôi. Mong nhà nước quan tâm, làm sao để khi ra trường [sinh viên] có công ăn, việc làm.”

“Con muốn là sau khi ra trường sẽ có được làm theo đúng cái ngành nghề mà mình đi học. Tại vì hiện nay cũng có một số vấn đề là sinh viên ra trường phải đi làm trái nghề,” cô sinh viên Vy bộc bạch.

Ám ảnh thất nghiệp của Vy cũng hệt như lo lắng của những thế hệ sinh viên đi trước. Có thể thấy, hiện nay, sinh viên tốt nghiệp ra trường đều rơi vào tình trạng được ví von là ‘đem con bỏ chợ.’

Nhà trường không có trách nhiệm lo việc cho họ, trong lúc nhu cầu của xã hội thì vẫn cần, nhưng để người tìm đúng việc mà không cần những khoản tiền lót tay lại là cả một chặng đường quá gian nan.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG