Đường dẫn truy cập

Miến Ðiện: Nỗ lực sơ tán người Hồi giáo để tránh bão bị chậm trễ


Người Hồi giáo Rohingya chất đồ đạc lên xe kéo tại trại tị nạn ở Sittwe, tây bắc Rakhine, Miến Ðiện, ngày 16/5/2013.
Người Hồi giáo Rohingya chất đồ đạc lên xe kéo tại trại tị nạn ở Sittwe, tây bắc Rakhine, Miến Ðiện, ngày 16/5/2013.
Nhà chức trách ở Bangladesh và Miến Ðiện đang gắng sức di chuyển đến nơi an toàn hàng trăm ngàn người vẫn còn ở trong tầm rủi ro của cơn bão Mahasen. Cơn bão nhiệt đới dự trù sẽ đập vào đất liền ngày mai ở bang Rakhine miền tây Miến Ðiện, nơi một số người bị thất tán vì bạo động phe phái hồi năm ngoái không muốn rời đi. Từ Bangkok, thông tín viên VOA Daniel Schearf ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Hàng trăm ngàn người được ra lệnh sơ tán khỏi nhiều nơi ở nam bộ Bangladesh vào lúc bão Mahasen đem theo những cơn mưa to gió lớn tràn vào khu vực.

Mặc dầu bão yếu đi trước khi đến bờ biển Bangladesh, Miến Ðiện đang chuẩn bị chống bão đổ vào đất liền vào ngày mai ở bang Rakhine miền tây, nơi sự chú ý tập trung vào hàng chục ngàn nguời sống trong những trại tạm trú.

Bạo động phe phái hồi năm ngoái đã đẩy 140,000 người vào các trại, đại đa số là người sắc tộc Rohingya theo Hồi giáo.

Liên Hiệp Quốc cho hay khoảng 70,000 người đặc biệt lâm nguy, vì sống ở những vùng đất thấp hay trong các lều trại tạm bợ.

Nhà chức trách và các tổ chức cứu trợ quốc tế đang tái định cư cho những người bị thất tán đến những nơi an toàn hơn.

Bà Vivian Tan là nữ phát ngôn viên khu vực của cơ quan tỵ nạn Liên Hiệp Quốc UNHCR. Bà nói có ít nhất 35,000 người đã được di dời tính đến hôm qua, nhưng một số không muốn đi.

Bà Tan cho biết: “Một số người không thích các địa điểm tái định cư do chính phủ chỉ định. Một số thì sợ rằng họ sẽ mất chỗ trong các trại tạm cư hiện hữu. Một số lo lắng rằng họ có thể bị yêu cầu trở về làng xã của mình mà họ đã bỏ đi hồi năm ngoái sau cơn bão. Do đó, có một số quan ngại và chúng tôi đang tìm cách được sự bảo đảm của chính phủ là mọi người sẽ được phép trở lại các trại tạm cư sau khi cơn bão qua đi.”

Không có mấy tin tưởng giữa người Rohingya và chính quyền sau khi những vụ xung đột năm ngoái với người Phật giáo ở Rakhine gây thiệt mạng cho 200 người và hàng trăm ngàn ngôi nhà bị thiêu rụi.

Người Hồi giáo Rohingya trong trại tị nạn ở Sittwe, tây bắc Rakhine. Tổ chức Human Rights Watch lên án nhà chức trách Miến Ðiện dung dưỡng thanh tẩy sắc tộc.
Người Hồi giáo Rohingya trong trại tị nạn ở Sittwe, tây bắc Rakhine. Tổ chức Human Rights Watch lên án nhà chức trách Miến Ðiện dung dưỡng thanh tẩy sắc tộc.
Người Rohingya đã phải hứng chịu hậu quả của bạo động và đã sống trong các trại cách ly kể từ khi đó. Tổ chức Human Rights Watch lên án nhà chức trách là dung dưỡng thanh tẩy sắc tộc, và họ đã bác bỏ lời cáo buộc nảy.

Miến Ðiện không thừa nhận người Rohingya là công dân hay một nhóm sắc tộc và coi họ là di dân bất hợp pháp từ Bangladesh, mặc dù nhiều người đã sống ở Miến Ðiện từ nhiều thế hệ.

Tuy nhiên, hôm qua Chánh văn phòng Tổng thống Aung Min nói với các phóng viên ở Rangoon rằng tất cả sẽ nhận đuợc sự giúp đỡ mà không có sự phân biệt giữa người Phật giáo Rakhine và người Rohingya.

Ông Aung Min nói họ không thể ngăn chặn thiên tai nếu như cơn bão ập vào. Nhưng, họ có bổn phận làm tất cả những gì có thể được để ngăn ngừa thiệt hại và giảm thiểu số tử vong.

Ông nói công tác chuẩn bị sẽ được thực hiện mà không phân biệt chủng tộc và tôn giáo. Theo ông, tất cả các biện pháp sẽ minh bạch, và họ cũng sẽ nhận được khuyến cáo của các tổ chức quốc tế.

Ông Aung Min cho biết các tổ chức nhân đạo quốc tế từng giúp đỡ ở các trại tạm cư sẵn sàng cung cấp hỗ trợ chống bão nếu cần thiết.
Phản ứng của chính phủ trái nguợc hẳn với cách thức chính quyền quân nhân trước đây xử lý cơ bão kỳ trước vào năm 2008.

Cơn bão Nargis đã tràn khắp vùng châu thổ sông Irrawaddy ở phía tây nam Rangoon, làm ít nhất 130,000 người thiệt mạng. Nhà chức trách đã không có mấy chuẩn bị và ban đầu đã từ chối viện trợ từ bên ngoài, mà giới chỉ trích cho là đã góp phần gây ra số tử vong.

Các cơ quan cứu trợ và nhân quyền quốc tế cảnh báo rằng các trại ở bang Rakhine không được xây dựng để ứng phó với bão tố thường đến trong mùa mưa.
Các cơ quan cứu trợ và nhân quyền quốc tế cảnh báo rằng các trại ở bang Rakhine không được xây dựng để ứng phó với bão tố thường đến trong mùa mưa.
Từ nhiều tháng nay, các cơ quan cứu trợ và nhân quyền quốc tế đã cảnh báo rằng các trại ở bang Rakhine không được xây dựng để ứng phó với bão tố thường đến trong mùa mưa.

Bà Tan thuộc Cao Ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc thừa nhận rằng nhà chức trách Miến Ðiện lẽ ra có thể bắt đầu công tác sơ tán sớm hơn và làm việc nhanh hơn. Nhưng bà cho rằng sự thay đổi thái độ đối với ngoại viện là điều đáng kể và họ đang hợp tác tốt với các tổ chức quốc tế, kể cả Liên Hiệp Quốc.

Bà Tan cho biết: “Cộng đồng quốc tế và các cơ quan nhân đạo đang làm bất cứ gì có thể được vào lúc này. Nhưng, chắc chắn chúng ta cần phải tiếp tục hợp tác bởi vì đây mới chỉ là khởi đầu của nhiều tháng mưa sẽ ụp xuống khu vực này. Do đó, mọi sự sẽ không khá hơn. Chúng ta cần phải tiếp tục hợp tác để bảo đảm rằng các nhà tạm trú được xây dựng, rằng dân chúng không bị bỏ quên một khi cơn bão qua đi.”

Kể từ sau vụ bạo động năm ngoái, các tổ chức cứu trợ quốc tế ở bang Rakhine nói rằng các phần tử Phật giáo cực đoan đã ngăn chặn việc tiếp cận một số trại và đe dọa ban nhân viên của họ.

Bất kể những mối quan ngại về việc giúp tái định cư người Rohingya trước khi bão tới, bà Tan nói họ chưa nghe nói về bất cứ vấn đề nào đối với các tổ chức cứu trợ.

UNHCR có lều và những tấm vải nhựa ở bang Rakhine và sẽ tiếp tục xây dựng những nơi tạm trú ở các địa điểm an toàn hơn sau khi bão tan.

Bà Tan nói Chương trình Thực phẩm Thế giới của Liên Hiệp Quốc có khoảng 1 tháng dự trữ lương thực trong khu vực và Bộ Y tế Miến Ðiện đã bố trí sẵn nhân viên và thuốc men, tuy bà không thể nói liệu các con số có đầy đủ hay không.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG