Đường dẫn truy cập

Nỗ lực chống hút thuốc ở TQ bị cản trở bởi các đại công ty thuốc lá


Những người Trung Quốc hút thuốc ngoài đường phố thành phố Thượng Hải. WHO ước tính rằng mỗi năm có 6 triệu người trên thế giới thiệt mạng vì những chứng bệnh liên quan tới thuốc lá và trong số này có hơn 1 triệu người ở Trung Quốc
Những người Trung Quốc hút thuốc ngoài đường phố thành phố Thượng Hải. WHO ước tính rằng mỗi năm có 6 triệu người trên thế giới thiệt mạng vì những chứng bệnh liên quan tới thuốc lá và trong số này có hơn 1 triệu người ở Trung Quốc
Một cuộc nghiên cứu mới cho thấy Trung Quốc có số người hút thuốc lá đông nhất thế giới, và các nhà phân tích cho rằng những nỗ lực ở nước này để chống lại thói quen hút thuốc đang bị cản trở bởi các công ty thuốc lá quốc doanh.

Tạp chí y học Lancet ở Anh hôm nay cho biết trong một bản phúc trình về tỉ lệ hút thuốc trên thế giới rằng ở Trung Quốc có chừng 300 triệu người, khoảng 28% dân số, tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá, bất chấp những sự hạn chế mới được áp dụng về việc hút thuốc nơi công cộng.

Người đứng đầu cuộc nghiên cứu, Bác sĩ Gary Giovino, cho biết các công ty thuốc lá quốc doanh ở Trung Quốc là một nguồn thu nhập quan trọng của chính phủ và các công ty đó còn quảng cáo ở các trường tiểu học để khuyến khích cho thói quen vô cùng tai hại này. Ông nói:

"Công ty Thuốc lá Quốc gia Trung Quốc đã hỗ trợ cho các trường tiểu học ở Trung Quốc -- hàng chục hàng trăm trường. Và họ dùng sự hỗ trợ này để tuyên truyền cho việc tiêu thụ thuốc lá. Họ nói với các em học sinh rằng thiên tài là do chăm chỉ mà ra và thuốc lá giúp cho các em thành tài. Tôi thật tình không thể hiểu nổi tại sao một chính phủ lại bảo với các em nhỏ là nên hút thuốc để thành công trong khi thuốc lá làm cho các em bị nghiện và bị chết sớm."

Hồi gần đây Trung Quốc đã thực hiện một số bước tiến để giảm bớt việc hút thuốc ở những nơi công cộng, như cấm hút thuốc ở tiệm ăn, quán rượu và những địa điểm công cộng ngoài trời.

Nhưng theo bà Angela Merriam, một nhà nghiên cứu của tổ chức Chính sách Trung Quốc ở Bắc Kinh, lệnh cấm hút thuốc này không được chấp hành nghiêm chỉnh. Bà cho biết:

"Lệnh cấm hút thuốc nơi công cộng hoàn toàn không có tác dụng. Một học sinh của tôi đã thực hiện một cuộc điều tra không chính thức đối với hơn 60 cơ sở ở Trung Quốc. Kết quả là trong số những nơi được thăm dò có gần 70% nói rằng họ cho phép hút thuốc. Và trong lúc có 80% nghe nói tới các qui định về cấm hút thuốc, chỉ có 12% những người ở các tiệm ăn nghe nói tới việc bị phạt vì vi phạm lệnh cấm hút thuốc."

Các nhà quan sát nói rằng những nỗ lực chống hút thuốc lá khó lòng đạt được những kết quả đáng kể nếu những người phụ trách công tác kiểm soát thuốc lá tiếp tục là những người phụ trách việc sản xuất thuốc lá.

Ông Bruce Jacobs, một chuyên gia về Trung Quốc của Đại học Monash ở Australia, nói rằng một phần của vấn đề này là những tổ chức vận động cho việc cải thiện y tế ở Trung Quốc bị các đại công ty thuốc lá gạt ra ngoài lề. Ông nói:

"Việc trồng thuốc lá và sản xuất thuốc lá ở Trung Quốc phần lớn được thực hiện bởi các đại công ty quốc doanh và họ mang tiền vào cho chính phủ. Vì vậy cho nên các tổ chức y tế không có nhiều ảnh hưởng như những đại công ty này."

Cuộc nghiên cứu của tạp chí Lancet cho biết việc tiêu thụ thuốc lá trên thế giới chịu ảnh hưởng rất lớn của giới vận động hành lang của công nghiệp thuốc lá.

Tổ chức Y tế Thế giới ước tính rằng mỗi năm có 6 triệu người trên thế giới thiệt mạng vì những chứng bệnh liên quan tới thuốc lá và trong số này có hơn 1 triệu người ở Trung Quốc.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG