Đường dẫn truy cập

Nhật tham gia cuộc thao dượt hải quân Mỹ-Ấn


Tàu chiến của hải quân Ấn Độ trong cuộc diễn tập ngoài khơi Vịnh Bengal ở phía nam thành phố Chennai của Ấn Độ.
Tàu chiến của hải quân Ấn Độ trong cuộc diễn tập ngoài khơi Vịnh Bengal ở phía nam thành phố Chennai của Ấn Độ.

Hoa Kỳ và Ấn Độ tiến hành những cuộc diễn tập hải quân hàng năm để rèn luyện kỹ năng, nhưng năm nay trong đội tàu gồm những chiếc hàng không mẫu hạm, khu trục hạm và tuần dương hạm tập trận gần cảng Chennai ở Ấn Độ còn có một chiến hạm của Nhật Bản. Từ New Dehli, thông tín viên Anjana Pasricha gởi về bài tường thuật sau đây.

Ấn Độ đã đồng ý bao gồm Tokyo trong cuộc diễn tập hải quân hàng năm với Hoa Kỳ, có tên Malabar, 8 năm sau khi New Dehli nhượng bộ trước áp lực của Trung Quốc để giới hạn cuộc tập trận này dưới hình thức song phương khi diễn ra ở Ấn Độ dương. Cuộc tập trận này thỉnh thoảng có sự tham gia của Nhật, nhưng chỉ khi nào các cuộc thao dượt diễn ra ở Thái Bình Dương.

Các nhà phân tích quân sự cho rằng việc bao gồm Nhật Bản trong cuộc tập trận năm nay là một bước ngoặt quan trọng cho việc tăng cường quan hệ đối tác an ninh giữa 3 quốc gia này. Họ cũng cho rằng đây là một dấu hiệu cho thấy Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã quyết định làm ngơ những mối quan tâm trước đây về sự nhạy cảm đối với Trung Quốc để xích lại gần hơn với Washington và các nước đồng minh của Mỹ.

Ông Jeff Smith, một chuyên gia Nam Á của Hội đồng Chính sách Đối ngoại Hoa Kỳ ở Washington, quan điểm của Ấn Độ đã thay đổi.

"Có lẽ Trung Quốc chỉ tôn trọng sức mạnh, và thay vì có thái độ rụt rè đối với họ, hoặc thực hiện những quyết định chỉ với mục đích không khiêu khích Trung Quốc, chúng ta nên tập trung vào việc tăng cường sức mạnh của chính mình và của các đối tác của mình."

Sự tham gia của Nhật Bản vào cuộc diễn tập Malbar ở Ấn Độ dương có phần chắc không phải là một việc chỉ xảy ra một lần. Nhiều người dự kiến một loan báo sẽ được công bố về sự thu nhận vĩnh viễn đối với Tokyo để biến cuộc tập trận trên biển này thành một hoạt động phô diễn sức mạnh hải quân ba bên.

Sự tăng cường hợp tác quân sự giữa Ấn Độ, Hoa Kỳ và Nhật Bản diễn ra trong lúc những hoạt động trên biển của Trung Quốc mỗi ngày một hung hãn hơn, làm nhiều người lo ngại về khả năng xảy ra xung đột ở Biển Đông. Ngoài ra, New Dehli cũng quan tâm về những cố gắng của Bắc Kinh để nới rộng sự hiện diện của họ ở Ấn Độ Dương.

Ông Bharat Karnad, một nhà phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Dehli, cho biết như sau.

"Để tìm cách kéo dãn Trung Quốc ở hai đầu, chúng ta nên có những cuộc tập trận 3 bên và tăng cường khả năng hoạt động chung của 3 nước và những thứ khác. Đó là một việc quan trọng khi xảy ra khủng hoảng và cũng để đánh đi một thông điệp cho Trung Quốc là trong trường hợp xảy ra xung đột họ sẽ bị kéo dãn rất nhiều về mặt quân sự tại hai đầu của châu Á."

Các nhà phân tích cho rằng việc New Dehli xích lại gần hơn với Hoa Kỳ và Nhật Bản về mặt quân sự phát xuất từ những thực tế mới trong tình hình an ninh ở các nước xung quanh.

Trong vài năm qua, Ấn Độ đã theo dõi với sự lo âu trong lúc Trung Quốc giúp Sri Lanka và Pakistan xây dựng hải cảng và thực hiện những cử chỉ để tìm cách lôi kéo Maldives. Việc tàu ngầm Trung Quốc cập cảng Sri Lanka và cảng Gwadar ở Pakistan trong năm qua đã làm cho Ấn Độ cảm thấy hết sức lo ngại.

Ông Sujit Dutta, một chuyên gia về Trung Quốc của Đại học Jamia Millia ở New Dehli, cho biết như sau.

"Trong một hoặc hai năm qua, Trung Quốc đã trở nên chủ động hơn xét về mặt chiến lược. Mối quan hệ của họ với Pakistan không ngừng được nâng cấp. Họ đang xây một căn cứ quân sự quan trọng ở Gwadar. Họ đang cung cấp cho Pakistan những tiếp liệu quân sự với khối lượng khổng lồ. Thực tế là như vậy."

Khi được hỏi về việc Nhật Bản tham gia cuộc tập trận Malabar ở Ấn Độ dương, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng Bắc Kinh có quan hệ tốt với cả Ấn Độ lẫn Hoa Kỳ và hy vọng những hoạt động của họ sẽ đóng góp cho ổn định khu vực.

Tuy đồng ý để cho Nhật Bản tham gia, nhưng Ấn Độ vẫn chưa từ bỏ sự hạn chế cố hữu là không biến cuộc thao dượt Malabar thành một hoạt động đa phương.

Australia không được bao gồm trong cuộc tập trận năm nay, tuy đã yêu cầu. Cả Australia lẫn Singapore, cùng với Nhật Bản đã tham gia cuộc tập trận Malabar năm 2007. Diễn tiến đó đã làm cho Trung Quốc rất tức giận.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG