Đường dẫn truy cập

Nhật Bản, Hàn Quốc đồng ý giải quyết vấn đề an úy phụ


Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại cuộc họp ở Seoul, ngày 2/11/2015.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại cuộc họp ở Seoul, ngày 2/11/2015.

Tại Seoul hôm thứ Hai, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mở các cuộc đàm phán song phương chính thức lần đầu tiên để tìm cách giải quyết một vụ giằng co ngoại giao gay gắt về vấn đề “an úy phụ” gây nhiều tranh cãi và đã gây chia rẽ giữa hai đồng minh chủ chốt của Washington tại châu Á.

Kể từ khi lên nhậm chức năm 2013, bà Park đã từ chối không hội kiến ông Abe cho đến khi nào ông đưa ra lời “xin lỗi chân thành” và đền bù cho hàng ngàn “an úy phụ” Á châu đã buộc phải làm nô lệ tính dục cho quân đội Nhật Bản trong thời kỳ chiếm đóng châu Á và Thế chiến thứ hai.

Sau cuộc họp, ông Abe tuyên bố hai nhà lãnh đạo đã hứa sẽ gia tăng nỗ lực giải quyết vấn đề này một cách ôn hòa.

Ông Abe nói năm nay đánh dấu 50 năm bình thường hóa bang giao giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Do đó hai bên đã đồng ý tăng tốc các cuộc đàm phán để đi đến giải pháp sớm nhất có thể có được.

Hồi tháng 8, bà Park đã mở cánh cửa cho việc hòa giải sau khi ông Abe hứa tôn trọng những lời tạ lỗi do các nhà lãnh đạo Nhật đã đưa ra trước đây đối với các an úy phụ và những nạn nhân khác đã hứng chịu các hành vi tàn ác của Nhật Bản trong thời chiến.

Nhưng vào lúc bắt đầu cuộc họp song phương hôm nay, bà lập lại rằng giải quyết vấn đề này một cách có thể chấp nhận được đối với các an úy phụ còn sống sót là điểm then chốt cho việc tái lập một mối quan hệ ngoại giao bền vững với Nhật Bản.

Bà Park tỏ ý hy vọng cuộc họp thượng đỉnh hôm thứ Hai sẽ hàn gắn lịch sử cay đắng trong một nghĩa rộng rãi và là một cơ hội thành thực và quan trọng để phát triển mối bang giao giữa hai nước.

Lập trường của Nhật Bản là việc bồi thường cho các “an úy phụ” đã được giải quyết một cách hợp pháp theo hiệp ước ngoại giao về bình thường hóa quan hệ năm 1965.

Trong bài phát biểu kỷ niệm 70 năm ngày kết thúc Thế chiến thứ hai, ông Abe nêu ra rằng tại Nhật Bản ngày nay, trên 80% dân số sinh ra sau cuộc chiến và ông cho rằng không nên buộc họ phải chịu trách nhiệm về những hành vi tàn ác đã qua.

Hai nhà lãnh đạo không tổ chức một cuộc họp báo công khai chung sau các cuộc đàm phán. Và ít nhất về mặt công khai, không bên nào bày tỏ thiện chí dung hòa về vấn đề này.

Ông Abe và bà Park đã gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong một cuộc họp ba bên lần đầu tiên hôm 1/11 giữa các nhà lãnh đạo từ 3 năm rưỡi nay.
Ông Abe và bà Park đã gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong một cuộc họp ba bên lần đầu tiên hôm 1/11 giữa các nhà lãnh đạo từ 3 năm rưỡi nay.

​Song ông Hosaka Yuji, một giáo sư khoa học chính trị tại trường đại học Sejong ở Seoul cho rằng tổng thống Hàn Quốc đã đạt được một sự nhượng bộ ngoại giao nhỏ nhoi nhưng quan trọng từ phía nhà lãnh đạo Nhật Bản.

Ông Hosaka nói Thủ tướng Abe đã nhích gần về phía yêu cầu của Tổng thống Park về sự cần thiết phải giải quyết vấn đề trước cuối năm nay.

Hôm Chủ Nhật, ông Abe và bà Park đã gặp Thủ tướng Lý Khắc Cường của Trung Quốc trong một cuộc họp ba bên lần đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo từ ba năm rưỡi nay. Các bất đồng lịch sử cũng như những khẳng định chủ quyền xung đột nhau về những hòn đảo trong vùng đã góp phần khiến cho các cuộc đàm phán này bị đình chỉ.

Ba nhà lãnh đạo đồng ý hợp tác với nhau để cải thiện môi trường kinh tế và an ninh trong khu vực, thực hiện lại các cuộc họp cấp cao thường kỳ, và sử dụng các diễn đàn này để giải quyết êm thắm những vấn đề gây chia rẽ.

Bắc Kinh, Tokyo và Seoul cũng hứa sẽ thiết lập một khu vực thương mại tự do ba bên và thúc đẩy một “Thị trường Đông Á,” và một phiên bản toàn Á của Hiệp ước Hợp tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương do Hoa Kỳ lãnh đạo vừa được đồng ý giữa 12 nền kinh tế ở vùng ven Thái Bình Dương bao gồm cả Nhật Bản và Hoa Kỳ nhưng không có cả Trung Quốc lẫn Hàn Quốc.

Ba lân quốc ở đông bắc châu Á này cũng tái khẳng định sự ủng hộ dành cho việc khởi động lại các cuộc đàm phán quốc tế 6 bên để chấm dứt chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên một cách hòa bình.

Năm 2009, Bình Nhưỡng đã bỏ ngang các cuộc đàm phán với Washington, Seoul, Bắc Kinh, Tokyo và Moscow, và sau đó đã tiến hành 3 cuộc thử nghiệm hạt nhân khiến cả thế giới lên án và Liên Hiệp Quốc phải gia tăng các biện pháp chế tài.

Tại cuộc họp song phương, tin cho hay Thủ tướng Abe đã nói với Tổng thống Park rằng tình hình Biển Đông là mối quan tâm chung và gợi ý rằng hai nước nên hợp tác về những vấn đề có liên quan đến tự do hàng hải.

Mới đây Washington đã phái một chiến hạm đến gần các đảo nhỏ và bãi đá ở Biển Đông mà Trung Quốc nhận chủ quyền, để bảo vệ quyền tự do đi lại trong vùng biển có tranh chấp.

Nhận chủ quyền vùng biển nằm trong phạm vi 12 hải lý quanh các hòn đảo đó cũng như phần lớn Biển Đông, Trung Quốc đã phản đối vụ việc này là một hành vi khiêu khích.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter và Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min Koo trong cuộc họp báo chung tại Seoul, ngày 2/11/2015.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter và Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min Koo trong cuộc họp báo chung tại Seoul, ngày 2/11/2015.

Trong khi Tokyo bày tỏ sự ủng hộ các nỗ lực của Washington bảo vệ các tuyến hàng hải quốc tế này, Seoul đã tỏ ra miễn cưỡng không muốn công khai chỉ trích Bắc Kinh.

Hôm thứ Hai tại Seoul Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter đã họp với vị tương nhiệm phía Nam Triều Tiêu Han Min-koo. Hai ông đã mở một cuộc họp báo chung và được hỏi về thái độ quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông.

Cả hai vị bộ trưởng quốc phòng đều lên tiếng ủng hộ quyền đi lại trên biển và việc giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp hàng hải, nhưng ông Carter công khai kêu gọi Trung Quốc đình chỉ mọi hoạt động nạo vét hay quân sự hóa ở Biển Đông.

Ông Carter nói đây là điều mà Hoa Kỳ đã kêu gọi tất cả các bên ở Biển Đông phải đình chỉ và dĩ nhiên trong năm ngoái, phía đã tiến hành hoạt động nạo vét và quân sự nhiều nhất là Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo Đông bắc Á đã không công khai đề cập đến những căng thẳng đang gia tăng ở Biển Đông trong các phát biểu sau cuộc họp ba bên hôm Chủ Nhật nhưng tất cả đều tán đồng việc gia tăng đối thoại và hợp tác để giải quyết các tranh chấp trong khu vực.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG