Đường dẫn truy cập

Nhật Bản, động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Miến Điện


Tổng thống Miến Điện Thein Sein và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đứng trước đội quân danh dự dàn chào tại dinh tổng thống ở Naypyitaw, Miến Điện 26/5/13
Tổng thống Miến Điện Thein Sein và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đứng trước đội quân danh dự dàn chào tại dinh tổng thống ở Naypyitaw, Miến Điện 26/5/13
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm cuối tuần đã mang tin vui cho Miến Điện. Các nhà phân tích nói rằng mặc dù Trung Quốc là nước đầu tư lớn nhất, Miến Điện ngày càng xem Nhật Bản là động lực chính cho công cuộc phát triển kinh tế của mình.

Trong chuyến đi Miến Điện đầu tiên của một thủ tướng Nhật Bản sau 36 năm, ông Abe chẳng những đã xóa hàng tỉ nợ cho Miến Điện mà còn hứa hẹn có thêm các khoản tiền cho vay mới để phát triển.

Cụ thể, Nhật Bản hôm Chủ nhật đã hủy số nợ 1,74 tỉ đôla và cho vay thêm nửa tỉ đôla cho các dự án cơ sở hạ tầng và điện lực.

Trước đó, Nhật Bản đã xóa hơn 3,5 tỉ đôla nợ cho Miến Điện.

Từ Australia, giáo sư kinh tế Sean Turnell của trường đại học Macquarie ở Sydney cho rằng khi xóa nợ cho Miến Điện, Nhật Bản cũng phục vụ lợi ích của chính mình:

“Chính phủ Nhật Bản sẵn sàng đưa ra những khoản tiền to lớn. Nhiều công ty của Nhật, đặc biệt là các công ty xây dựng cơ sở hạ tầng đang nóng lòng ký nhiều hợp đồng cho các công trình phát triển ở Miến Điện. Đó là chuyện thứ nhất. Chuyện thứ hai, dĩ nhiên chúng ta cần nhìn vào mặt địa lý chính trị. Giống như nhiều nước, Nhật Bản quan tâm về mức độ mà Miến Điện có thể đưa mình núp dưới cái bóng của Trung Quốc. Và dĩ nhiên chúng ta đều biết còn một câu chuyện lớn hơn giữa Nhật Bản và Trung Quốc trong khu vực. Do đó, chúng ta cần đặt thái độ hào phóng của Nhật vào đúng vị trí của nó.”

Một phần các khoản vay mới sẽ được sử dụng để phát triển điện lực tại đặc khu kinh tế Thilawa tại một cảng gần thành phố Rangoon.

Đặc khu kinh tế này là dự án đầu tư lớn nhất của Nhật Bản và sẽ có tiềm năng tạo tác động lớn vì nó nằm gần thành phố lớn nhất của Miến Điện.

Mặc dù số tiền đầu tư để phát triển của Nhật được xem là khá lớn, nhưng vẫn không thấm gì so với 14 tỉ đôla đầu tư của Trung Quốc tại Miến Điện.

Giống như Trung Quốc, Nhật Bản không tham gia các biện pháp cấm vận của các nước phương Tây đối với chế độ quân nhân trước đây, mà chỉ giảm bớt các khoản cho vay để phát triển và các khoản đầu tư quan trọng.

Trong khi đó, Trung Quốc đầu tư mạnh cho các đập thủy điện, hầm mỏ, đường ống dẫn dầu khí chạy từ miền tây Miến Điện đến biên giới Trung Quốc.

Nhưng khác với Nhật Bản, các khoản đầu tư của Trung Quốc được thu xếp trong điều kiện kém minh bạch giữa người Hoa và chế độ quân sự Miến Điện trước đây.

Hơn thế nữa, nhiều dự án giữa Trung Quốc và Miến Điện gây tranh cãi vì cái giá phải trả cho môi trường và an sinh xã hội, dẫn đến những cuộc biểu tình và ác cảm với Trung Quốc.

Giáo sư Turnell nói qua bản chất đầu tư của mình, Nhật Bản đang làm lu mờ cách thức đầu tư của Trung Quốc:

“Đầu tư của Trung Quốc chủ yếu là nhắm vào tài nguyên thiên nhiên và năng lượng. Loại đầu tư này chủ yếu lấy tài nguyên ra khỏi lòng đất hoặc đưa năng lượng ra khỏi Miến Điện để chuyển vào Trung Quốc, và người Trung Quốc là người tiêu dùng chính. Trái lại, nếu ta nhìn các khoản đầu tư của Nhật, ta thấy các dự án của Nhật chủ yếu có tác động sâu sắc bên trong Miến Điện. Người Nhật không lấy đi các tài nguyên, họ xây dựng các cơ sở hạ tầng và các định chế. Nhưng dĩ nhiên, Nhật Bản cũng can dự nhiều vào một số lĩnh cực cải cách của Miến Điện.”

Hồi tuần trước, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đến Nhật Bản để vận động dự án Dawei tại Miến Điện.

Dự án này, dự chi 8,5 tỉ đôla, gồm một cảng nước sâu và một khu công nghiệp dọc theo biên giới Thái Lan, nhưng cho đến nay, Thái Lan vẫn chưa kiếm được nguồn tài trợ.

Nếu hoàn thành, dự án Dawei sẽ là khu công nghiệp lớn nhất Đông Nam Á, giúp cắt giảm thời gian vận chuyển hàng hóa, và tăng cường an ninh vận chuyển bằng đường biển.

Nhưng các nhà phân tích nói rằng Nhật Bản vẫn còn do dự trước dự án vĩ đại này vì thứ nhất nó đòi hỏi quá nhiều tiền, và thứ hai, Thái Lan được hưởng lợi nhiều nhất.

Ông Thin Aung là giám đốc một công ty liên doanh giữa Thái Lan và Ý đang phụ trách dự án Dawei. Ông nói rằng hiện nay dự án này mới chỉ đang xây một con đường đi từ Thái Lan sang Miến Điện:

“Một khi con đường này xây xong, chúng tôi mới bắt đầu xúc tiến chuyện xây cảng nước sâu. Trong khi chờ đợi, một số nhà máy loại nhỏ có thể xây dựng dọc theo biên giới hoặc dọc theo con đường này.”

Mặc dù con đường này đến năm 2015 mới xây xong, ông Thin Aung nghĩ rằng sẽ có một số hãng xưởng nhỏ mọc lên trong những tháng tới đây.

Cùng lúc, công ty của ông đang thăm dò các nước khác, ngoài Nhật Bản, có thể tham gia dự án Dawei.

Ông nói công ty ông dự định thảo luận dự án này với các công ty của một số nước như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, và Nga tại cuộc họp vào tháng 6 tại Bangkok.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG