Đường dẫn truy cập

Nhân viên tòa án xử Khmer Đỏ đình công


Phát ngôn viên tòa án xử Khmer Đỏ, ông Neth Pheaktra tham gia vào một chương trình phát thanh của đài VOA ban Khmer/Campuchia.
Phát ngôn viên tòa án xử Khmer Đỏ, ông Neth Pheaktra tham gia vào một chương trình phát thanh của đài VOA ban Khmer/Campuchia.
Khoảng 30 thông dịch viên người Campuchia giận dữ vì không được trả lương trong ba tháng đã ngưng làm việc vào ngày 4 tháng 3 tại tòa án Liên Hiệp Quốc xử các lãnh tụ Khmer Đỏ về tội diệt chủng, một bước lùi mới của các nỗ lực tư pháp quốc tế từ lâu đã bị trở ngại vì có tranh chấp với chính phủ Campuchia.

Phát ngôn viên tòa án xử Khmer Đỏ, ông Neth Pheaktra nói các nhân viên người Campuchia làm việc tại tòa án không được trả lương kể từ tháng 12 năm ngoái vì những quốc gia hứa tài trợ cho tòa án không đóng góp đúng thời hạn.

Các nhân viên nước ngoài làm cho tòa án đã được trả lương theo một ngân sách riêng.

Ông Neth Pheaktra nói tòa án đã kêu gọi các nhà tài trợ cung cấp thêm tiền. Ông nói thêm hiện không rõ bao giờ các nhân viên người Campuchia mới được trả lương.

Tòa án được thành lập vào năm 2006 với nhiệm vụ tìm công lý cho nạn diệt chủng Khmer Đỏ phạm phải trong bốn năm cầm quyền cuối những năm 1970.

Có khoảng 1,7 triệu người Campuchia thiệt mạng dưới chế độ cộng sản cực đoan vì lao động khổ sai, đói khát, không được chăm sóc sức khỏe và bị xử tử.

Ba cựu lãnh tụ Khmer Đỏ bị xử kể từ tháng 11 năm 2011, bị buộc tội chống nhân loại, tội phạm chiến tranh, diệt chủng và những tội khác: Khieu Samphan, cựu Chủ tịch nước, 81 tuổi, Nuon Chia, 86 tuổi, Lý thuyết gia của Khmer Đỏ và Ieng Sary, 87 tuổi, cựu Bộ trưởng Ngoại giao. Bị cáo thứ tư, cựu Bộ trưởng Xã hội Ieng Thirith được trả tự do vì bị bệnh tâm thần.

Tuổi và sức khỏe yếu kém của các bị cáo gây nên những lo ngại là những người này có thể không sống nổi để nghe bản án. Chỉ có một người là cựu cai ngục Kaing Guek Eav, bị tòa kết án tù chung thân.

Các giới chức tòa án tìm cách đưa ra xét xử những cựu lãnh tụ Khmer Đỏ khác, nhưng Thủ tướng Hun Sein, cai trị Campuchia từ năm 1985, chỉ thị là “không được phép” xử thêm.

(AP, Asahi Shimbun)

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG