Đường dẫn truy cập

Nhạc sĩ với sáng tác duy nhất


Nơi yên nghỉ của nhạc sĩ Dương Hồng Duyệt tại khu Tượng đài Thuyền nhân, thành phố Wetminster, Cali
Nơi yên nghỉ của nhạc sĩ Dương Hồng Duyệt tại khu Tượng đài Thuyền nhân, thành phố Wetminster, Cali

Trong sinh hoạt âm nhạc của chúng ta thập niên 40, 50 đã có một số tác giả “ôm đàn tới giữa đời” một lần, và rồi biến mất. Những nhạc sĩ chỉ với sáng tác duy nhất, rồi thôi…

Hình như nhạc sĩ của chúng ta chỉ có một sáng tác duy nhất không nhiều. Võ Đức Phấn với Cùng Một Kiếp Hoa, Từ Vũ với Gái Xuân, Lê Bình với Đường Lên Sơn Cước, Lê Trạch Lựu với Em tôi, Đường Chiều với Hồng Duyệt và có thể còn vài người nữa mà Bích Huyền không biết hết.

Không hiểu vì lý do gì mà họ chỉ viết có một ca khúc, và những ca khúc ấy lại được yêu và nhớ mãi…

Dương Hồng Duyệt là một trong lớp thanh niên mới lớn vào Nam khi đất nước bị chia cắt. Các học sinh sinh viên thập niên 55-65, chắc chưa ai quên được chương trình phát thanh dành cho học sinh sinh viên do Dương Hồng Duyệt phụ trách trên đài phát thanh Quốc Gia. Đỗ Đình Tuân (Đỗ Tuấn), Phạm Vận, Duy Trác, Thể Tần, Hồng Hảo, Mai Hương, Bạch Tuyết, Mai Ngân, Mai Hân đếu đã hát trong chương trình này.

Dương Hồng Duyệt học Luật. Ông chơi nhạc chỉ để giải trí. Sáng tác duy nhất của ông là bài Đường Chiều làm ngạc nhiên ngay cả những bạn bè của ông. Nhưng cũng ngay từ lần đầu được nghe, người ta đã có thể dự đoán sự thành công của bài hát sau này. Đường Chiều được hầu hết các ca sĩ đương thời hát.

Nhịp điệu Blue đã buồn, nghe lại càng buồn hơn khi cả người hát lẫn tác giả bài bát đều đã khuất. Dương Hồng Duyệt đã chết trong một chuyến vượt biên đường biển tháng Tư năm 1975. Văn Quân qua đời tại hải ngoại trong một cơn bạo bệnh khi tuổi đời còn rất trẻ.

Bài thứ hai trong “sáng tác duy nhất của nhạc sĩ” trong cc/TN này là Em Tôi của Lê Trạch Lựu.

Em Tôi xuất hiện cùng thời với Tiếng Hát Lênh Đênh của Lương Ngọc Châu và Tử Phác. Hai nhạc sĩ này có một điểm giống nhau là họ đều học nhạc và bắt đầu sáng tác ở Việt Nam, sau đó đi Pháp rồi không thấy đâu nữa.

Hình như Lê Trạch Lựu còn viết một bài nữa nhưng ít người hát và biết. Hình như nó đã bị cái bóng của Em Tôi che khuất.

Em tôi ưa đứng
Nhìn trời xanh xanh
Mang theo đôi mắt
Buồn vương giấc mơ


Bài thứ ba trong cc/Tn hôm nay cũng là bài hát duy nhất của nhạc sĩ Lê Bình: đó là Đường Lên Sơn Cước. Bài hát có số tuổi trên ½ thế kỷ.

Rừng núi là nguồn cảm hứng cho nhiều nhạc sĩ của chúng ta, như Ngọc Bích với Thiếu Nữ Trên Ngàn, Tô Hải với Nụ Cười Sơn Cước, Trăng Sơn Cước của Văn Phụng… Với Lê Bình thì ĐLSC ghi lại bước chân phiêu lãng của các chàng trai thành phố, tới một miền sơn cước nào đó, và để lại nơi ấy một mối tình.

Nếu Ngọc Bích, Tô Hải, Văn Phụng cho người nghe cảm tưởng, khi viết những ca khúc đó các tác giả chìm sâu trong cảnh thì Đường lên sơn cước của Lê Bình lại cho người nghe cảm tưởng hình như tác giả ở ngoài cảnh (ông đứng bên ngoài núi rừng) và đang trên đường nhập lại.

Vì, âm điệu của bài hát tuy vẫn toát ra cái chất hoang vu của cao nguyên, nhưng “sáng” hơn. Nhạc và ca từ của Lê Bình cho người nghe cái cảm tưởng ấy.

Đường lên núi rừng sao hãi hùng
Ôi, gió lộng, muôn lá động, cành trong bóng thê lương
Chiều nay gió ngừng bên suối rừng
Giăng nước bạc, nghe tiếng nhạc hồn vương bóng cố hương

Mây bay về đâu? Chim bay về đâu?
Xin cho tôi nhắn tới nàng đôi câu
Ra đi vì đâu? Chia ly vì đâu?
Khăn tay còn thắm lệ sầu


Tình ca không còn chỉ là những lời tỏ tình, mà cùng một lúc, người ta còn bày tỏ cả lòng yêu đời, tiếc đời, phản ứng trước những tang thương, đe dọa, người ta không làm gì được, có khi còn có thể coi như những lời minh oan vô tội trước trời đất nữa.

(Viết theo tài liệu của nhà văn Nguyễn Đình Toàn)

Đường dẫn liên quan

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG