Đường dẫn truy cập

Người Việt và bầu cử sơ bộ tại Mỹ


Các ứng viên thị trưởng tại buổi hội thảo về giáo dục.
Các ứng viên thị trưởng tại buổi hội thảo về giáo dục.
Ngày 3/6 tới đây, một số tiểu bang ở Mỹ sẽ tổ chức bầu cử vòng đầu để các đảng tiến cử ứng viên cho cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11.

Là nơi có đông người Việt nhất, California cũng có nhiều ứng viên Mỹ gốc Việt ra tranh cử, từ Quận Cam lên đến San Jose.

Tại Quận Cam, tranh chức vào Thượng viện tiểu bang, Khu vực 34, là Janet Nguyễn và Long Phạm đều thuộc đảng Cộng hòa. Bà Janet hiện là Giám sát viên quận Cam nhiệm kỳ hai, một chức vụ đã được cử tri tín nhiệm từ năm 2007. Tiến sĩ Phạm Kim Long nguyên là Ủy viên giáo dục quận một nhiệm kỳ, từ 2008 đến 2012, đã ra tranh cử gần chục lần nhưng không thành công.

Trong hai ứng viên gốc Việt, bà Janet Nguyễn được sự ủng hộ của lãnh đạo đảng Cộng hòa các cấp. Ông Long thì không.

Theo báo Orange County Register, tính đến giữa tháng Ba, ứng viên Dân chủ Jose Solorio đã gây quỹ được 470.000 đô la, ứng viên Cộng hòa Janet Nguyễn được 314.000 đô la. Riêng ứng viên Long Phạm không gây quỹ nhưng sẵn sàng bỏ tiền túi ra cho cuộc vận động. Nhiều giới chức đảng Cộng hòa mong ông Long không tranh cử thì tốt hơn, vì làm bà Janet phải tốn thêm sức vận động cử tri gốc Việt và như thế có lợi cho đảng Dân chủ.

Giới quan sát tiên đoán ngày 3/6 cựu Dân biểu tiểu bang Jose Solorio sẽ được cử tri Dân chủ tiến cử và phía Cộng hòa sẽ chọn bà Janet Nguyễn để tranh đua vào tháng 11. Cuộc vận động sau tháng 6 sẽ trở nên gay cấn giữa một ứng viên Mỹ La-tinh và ứng viên gốc Việt trong khu vực đông các sắc dân thiểu số.

Đây cũng là cuộc tranh cử mà đảng Cộng hòa muốn giành lại ghế đại diện. Dù quận Cam là chiếc nôi của đảng Cộng hòa, qua các kỳ bầu cử trong gần hai thập niên qua, đảng Dân chủ với Thượng nghị sĩ đương nhiệm Lou Correa đã thắng nhiều lần, từ Hạ viện tiểu bang, đến Hội đồng Giám sát quận. Kỳ này, với ứng viên Janet Nguyễn, đảng Cộng hòa hy vọng sẽ chuyển đổi được thế cờ nhờ lá phiếu cử tri gốc Việt nếu đa số nhất trí ủng hộ bà vì trong nhiều lần trước ông Correa chỉ hơn ứng viên Cộng hoà với số phiếu rất ít, có lần chỉ vài chục.

Tuy nhiên, nội bộ cử tri gốc Việt theo đảng Cộng hòa lại bị phân chia giữa cựu Dân biểu tiểu bang Trần Thái Văn và Giám sát viên Janet Nguyễn. Cả hai đã trở thành đối thủ của nhau, kể từ khi Janet Nguyễn thắng Nguyễn Quang Trung, một gà nhà của cựu Dân biểu tiểu bang Trần Thái Văn, chỉ vài chục phiếu trong lần bầu chọn vào Hội đồng Giám sát quận năm 2007. Năm nay luật sư Trần Thái Văn tranh chức ủy viên thuế tiểu bang, nếu ông vẫn không ủng hộ Janet Nguyễn thì khó cho đảng Cộng hòa chiếm được ghế đơn vị 34 vào tháng 11.

Không khí tranh cử ở Bắc California sôi nổi hơn với Phó thị trưởng Madison Nguyễn và bốn ứng viên khác tranh chức thị trưởng San Jose. Cùng lúc có ba ứng viên gốc Việt và một gốc Mỹ La-tinh tranh cử nghị viên khu vực 7, nơi bà Madison làm đại diện từ một thập niên qua.

San Jose là thành phố đông dân thứ 10 tại Mỹ với hơn một triệu dân, khoảng 10% gốc Việt. Bà Madison Nguyễn là người Việt duy nhất trong 10 nghị viên thành phố. Kỳ bầu cử năm nay, nếu không ứng viên gốc Việt nào đạt thắng lợi thì sẽ không còn người Việt trong nghị trường San Jose.

Thăm dò dư luận gần đây cho thấy Dave Cortese dẫn đầu với 19%, về nhì Madison Nguyễn 15%, thứ ba Sam Liccardo 10%, thứ tư Pierluigi Oliverio 8% và thứ năm Rose Herrera 6%.

Ông Cortese hiện là giám sát viên quận hạt và trước đó từng là ủy viên giáo dục, nghị viên và phó thị trưởng San Jose. Là người gần gũi với cộng đồng người Việt trong nhiều năm, ông Cortese mười năm trước đã đề xuất Nghị quyết cờ Vàng cho San Jose và đã ủng hộ việc chọn tên Little Saigon cho khu phố Việt từ lúc đầu.

Bà Madison không còn được tín nhiệm của một số cử tri gốc Việt qua vụ việc Little Saigon. Trừ ông Cortese, bà Madison và các ứng viên khác cũng mất sự ủng hộ của nghiệp đoàn lao động vì đã cùng Thị trưởng Chuck Reed ủng hộ Luật cải tổ quỹ hưu trí nhân viên thành phố mà nghiệp đoàn phản đối.

Quá khứ dù trải qua nhiều khó khăn với cử tri gốc Việt nhưng Phó thị trưởng Madison đã vượt qua và đạt thắng lợi trong kỳ bầu cử bãi nhiệm năm 2009 và nhiệm kỳ hai năm 2010.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của sự việc chọn tên Little Saigon đến nay vẫn còn. Khi được bỉnh bút Scott Herhold của báo San Jose Mercury News hỏi có lần bỏ phiếu nào tại nghị trường mà sau đó cảm thấy hối tiếc, Nghị viên Sam Liccardo cho biết ông tiếc là đã cùng bà Madison bỏ phiếu không chọn tên Little Saigon lúc đầu.

Còn bà Madison nói không có điều gì hối tiếc trong thời gian bà phục vụ cư dân vì bà “đọc rất kỹ nghị trình các buổi họp”.

Nhờ sự kiên trì tranh đấu của người Việt, tên Little Saigon cũng đã được đặt cho khu phố trên đường Story và nhiều bảng chỉ đường dẫn vào khu vực được dựng ngoài xa lộ sau năm năm. Các ứng viên Dave Cortese và Sam Liccardo đều lên tiếng nhận mình có công trong việc này.

Còn bà Madison thừa nhận: “Vì còn trẻ, thiếu kinh nghiệm nên đã phạm phải những lỗi lầm và xin lỗi vì đã gây ra những nhức đầu do sự ngây thơ của mình”. Bà công khai cám ơn ông Barry Hùng Đỗ của tổ chức Little Saigon Foundation, người đã bền bỉ hướng dẫn cuộc tranh đấu cho đến thành công.

Ngoài vấn đề căn bản là công việc, nhà ở, giáo dục và an ninh chung của thành phố được mọi người quan tâm, đối với cử tri gốc Việt thì việc xây dựng vườn Việt và trung tâm sinh hoạt cộng đồng, khởi xướng từ 8 năm qua nhưng chưa đi đến đâu và đặc biết quan hệ với Việt Nam rất được chú ý.

Trong buổi gặp gỡ cử tri do Vietnamese American Round Table tổ chức hôm 13/4, khi được phóng viên truyền hình NBC-11 Vicky Nguyễn, người điều hợp buổi thảo luận, đặt câu hỏi trước sự kiện thành phố Irvine ở quận Cam muốn kết thân với Nha Trang và đã bị nhiều người Việt phản đối, liệu San Jose có sẽ làm như thế hay không.

Nghị viên Sam Liccardo không muốn San Jose kết thân hay đón tiếp các phái đoàn cộng sản Việt Nam. Giám sát viên Dave Cortese cũng không muốn tiếp đón mà còn đề nghị tẩy chay hàng Việt như đã làm đối với chính quyền Nam Phi dưới thời apartheid.

Phó thị trưởng Madison Nguyễn, có quan hệ thân thiết với những doanh gia đang làm ăn tại Việt Nam, cho biết bà sẽ không hoan nghênh hay chào đón các đoàn quan chức cộng sản Việt Nam đến San Jose.

Trong lần tranh cử này bà Madison nhận được sự ủng hộ chính thức của nữ Dân biểu Loretta Sanchez, một dân cử luôn đi tiên phong trong việc vận động cho nhân quyền, tự do, dân chủ tại Việt Nam và đã bị Hà Nội không cho vào Việt Nam nhiều lần.

Dù ứng viên Dave Cortese đang dẫn đầu và ứng viên Sam Liccardo được nhật báo San Jose Mercury News chính thức ủng hộ, giới quan sát tiên đoán sẽ không ai đạt trên 50% số phiếu trong ngày 3/6.

Như thế cuộc đua vào tháng 11 sẽ là hai ứng viên nào được cao phiếu nhất? Cortese với Madison hay Cortese với Liccardo? Số phiếu của người Việt sẽ ảnh hưởng lớn vào kết quả.

Sôi động không kém là cuộc vận động tranh cử chức nghị viên khu vực 7 với ba ứng viên gốc Việt và một gốc Mễ.

Bà Vân Lê và bà Thái Bửu đều là ủy viên Hội đồng Giáo dục do cử tri bầu chọn. Bà Vân được cộng đồng biết vì thường xuyên sinh hoạt với người Việt trong hơn 20 năm qua. Bà Thái tuy gốc Việt và là một dân cử trong 10 năm, là gà nhà của Phó thị trưởng Madison Nguyễn, nhưng bà xa lạ với các sinh hoạt của cộng đồng Việt.

Ứng viên người Việt thứ ba là luật sư Tâm Nguyễn cũng được cộng đồng Việt biết đến qua các sinh hoạt văn hoá, xã hội, tranh đấu cho dân quyền ở Mỹ, cho tự do dân chủ ở Việt Nam từ ngày ông còn là sinh viên. Tuy nhiên ông thiếu kinh nghiệm chính trường và đây là lần tranh cử đầu tiên.

Ứng viên Mỹ La-tinh duy nhất là bà Maya Esparza, cũng là ủy viên đương nhiệm của hội đồng giáo dục.

Khu vực 7 có 100 nghìn dân với 45% gốc Mỹ La-tinh, 30% gốc Việt và 11% da trắng. Như thế rất hy vọng cho bà Maya được vào vòng đầu với một ứng viên gốc Việt và người đó là ai thì cử tri người Việt đang có nhiều băn khoăn lựa chọn, ít nhất là giữa Vân Lê và Tâm Nguyễn.

Tại cấp liên bang, miền bắc California có cựu Thẩm phán di trú Phan Quang Tuệ được chi bộ đảng Cộng hòa ủng hộ tranh cử dân biểu đơn vị 11. Khu vực này do Dân biểu Dân chủ George Miller giữ ghế từ 40 năm qua và nay ông không tái ứng cử. Với số cư dân theo Dân chủ là hai phần ba, để chuyển đổi thành ghế của đảng Cộng hòa là một con đường đầy gian nan cho một ứng viên gốc Việt chưa một lần tham gia chính trường.

Tại tiểu bang Texas, nơi có số người Việt đông thứ nhì tại Mỹ, cuộc tranh cử của ông Hoàng Duy Hùng được chú ý.

Ông là nghị viên thành phố Houston có chủ trương tiếp xúc, mở rộng giao thương với Hà Nội. Khi còn tại chức, ông đã gặp gỡ quan chức cộng sản, đã đi Việt Nam tiếp xúc với nhiều giới lãnh đạo.

Các việc làm của ông Hùng đưa đến kết quả trong kỳ bầu cử nhiệm kỳ hai vào tháng 11/2013 ông đã thua ông Richard Nguyễn, chưa từng tranh cử trước đó, nhưng có quan điểm đối lập với ông Hùng về quan hệ với cộng sản Việt Nam.

Sau khi mất chức trong hội đồng thành phố Houston, ông Hùng quyết định tranh cử để được đảng Cộng hòa tiến cử làm ứng viên vào tháng 11.

Kết quả bầu cử vòng đầu trong tháng 3 vừa qua, ông Hoàng Duy Hùng, tức Al Hoàng, đã thắng đối thủ cũng là một ứng viên gốc Việt, ông Nghi Hồ, với 56% số phiếu để đại diện đảng Cộng hòa tranh cử vào cuối năm, đối đầu với dân biểu đương nhiệm Hubert Võ, người của đảng Dân chủ, đã được cử tri đơn vị 149 Houston tín nhiệm nhiều lần trong thập niên qua.

Cuộc bầu chọn ở Texas vào tháng 11 tới đây, giữa Al Hoàng và Hubert Võ cũng sẽ là phong vũ biểu để đo lường quan điểm của cử tri gốc Việt có muốn tiếp xúc và mở rộng quan hệ với chế độ cộng sản Việt Nam hay không.
  • 16x9 Image

    Bùi Văn Phú

    Tác giả dạy đại học cộng đồng và hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco, California. Các bài viết của Bùi Văn Phú là bài viết cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Đường dẫn liên quan

XS
SM
MD
LG