Đường dẫn truy cập

Người Uighur: Tân Cương là 1 ‘tỉnh công an trị’


Cảnh sát đi canh phòng trong vùng của người sắc tộc Uighur ở Kashgar, thuộc tỉnh Tân Cương
Cảnh sát đi canh phòng trong vùng của người sắc tộc Uighur ở Kashgar, thuộc tỉnh Tân Cương
Một nhóm người Uighur lưu vong nói nhà cầm quyền Trung Quốc đã biến khu vực Tân Cương ở miền tây bắc trở thành một ‘tỉnh công an trị’, 3 năm sau khi bùng phát các cuộc bạo loạn gây chết chóc giữa người thiểu số Uighurs và người Hán chiếm đa số. Trung Quốc đã tìm cách cải thiện tình hình an ninh và kinh tế của Tân Cương, nhưng người Uighur nói rằng các chính sách của Bắc Kinh làm cho tình hình trở nên xấu hơn.

Một phát ngôn viên hoạt động của tổ chức Đại hội Uighur Thế giới ở Washington hôm thứ Năm nói rằng các lực lượng an ninh Tân Cương đã tăng cường các cuộc tuần tra trên đường phố tại các khu vực dân cư của người Uighur trong những ngày gần đây, khiến các cư dân cảm thấy như là họ đang sống trong một ‘vùng chiến sự’.

Ông Alim Seytoff trao đổi với đài VOA nhân kỷ niệm ba năm ngày bắt đầu xảy ra các vụ bạo loạn mà chính phủ Trung Quốc nói đã làm khoảng 200 người, cả người Uighur và người Hán, thiệt mạng.

Bí thư Tỉnh ủy Tân Cương, Trương Xuân Hiền, đã gặp các lực lượng an ninh tại thủ phủ của vùng là Urumqi hôm qua, thúc giục họ sử dụng ‘bàn tay sắt’ nhằm dẹp tan những kẻ đòi ly khai, những kẻ cực đoan và những kẻ khủng bố.

Tân Cương là nơi sinh sống của hàng triệu người nói tiếng Turkic và đa phần là những người Uighur theo đạo Hồi. Những người này tố cáo Bắc Kinh đàn áp và biến họ thành người thiểu số tại chính quê hương mình bằng cách cho làn sóng người Hán di cư tới sinh sống.

Ông Seytoff nói rằng ông Trương đã gia tăng đàn áp người Uighur kể từ khi lên kế nhiệm ông Vương Lạc Tuyền, trở thành giới chức hàng đầu của Tân Cương năm 2010. Ông cho biết:

“Thoạt đầu ông ta tới, trưng ra một bộ mặt tươi cười với người Uighur, cố tìm cách xoa dịu người Uighur, và thậm chí là tạo ra một số điều kiện tiên quyết cho sự chung sống hòa bình giữa người bản địa Uighur và người Hoa di cư. Nhưng không lâu sau, ông ta đã cho thấy bản chất thật. Ông ta không khác gì là mấy so với Vương Lạc Tuyền, nếu không muốn nói là tệ hại hơn và nhiều thủ đoạn hơn.”

Ông Trương nói chính sách của Trung Quốc là bảo vệ quyền được theo các tập tục tôn giáo một cách hợp pháp. Nhưng ông cũng nhất quyết đàn áp những phần tử cực đoan Uighur mà giới hữu trách cáo buộc đã sử dụng đạo Hồi để kích động bạo lực.

Chính phủ Trung Quốc đã gia tăng viện trợ và đầu tư tại Tân Cương kể từ năm 2009 nhằm đối phó với điều mà chính quyền coi là nguồn gốc chính gây ra tình trạng bạo loạn, đó là đói nghèo.

Ông Seytoff nói rằng nghèo đói là một phần của sự bất mãn của người Uighur, nhưng ông cáo buộc Bắc Kinh có động cơ khác khi phân bổ ngân sách cho khu vực còn được một số người Uighur gọi là Đông Turkestan:

“Công cuộc phát triển thực sự mang lại lợi ích cho những người di cư người Hoa, những người tới Đông Turkestan. Công ăn việc làm, việc chăm sóc y tế và mọi thứ đều được đảm bảo cho họ, trong khi đó người Uighur lại bị tước đi những thứ như vậy. Đúng là chính phủ Trung Quốc đã đổ hàng triệu đôla vào khu vực… nhưng họ làm mọi điều đó để tăng tốc quá trình di cư của người Hán. Đó là ý tưởng chính của việc thúc đẩy phát triển.”

Một nhà hoạt động người Hán tộc tại Tân Cương nói các chính sách của Bắc Kinh đã tạo ra căng thẳng sắc tộc chưa từng có.

Ông Hồ Quân đã nói chuyện với đài VOA qua điện thoại từ thành phố Xương Cát:

“Quan điểm cá nhân của tôi là thế này: các nhóm sắc tộc ở Tân Cương ban đầu không vấp phải vấn đề gì, và nhiều lần, chính chính phủ đã tìm cách nhấn mạnh tới sự thù nghịch giữa các nhóm sắc tộc. Về một số vấn đề, chính chính quyền đã chủ ý tìm cách nói quá về vấn đề thù nghịch sắc tộc. Qua nhiều năm làm việc với người Uighur, Hazak, Kerkas và Hui, người Hồi giáo ở Trung Quốc, tôi thấy những người thuộc những sắc tộc này rất dễ chịu. Họ không hề có xung đột lớn với người Hán. Họ cũng bình thường như những người Hán.”

Trong một bản phúc tình công bố hôm qua, Hội Ân xá Quốc tế nói giới hữu trách Tân Cương tiếp tục bịt miệng những người Uighur tìm cách lên tiếng về các vi phạm nhân quyền bắt nguồn từ các cuộc bạo loạn bắt đầu từ ngày 5/7/2009.

Hội này nói rằng ‘hàng chục, nếu không muốn nói là hàng trăm’ người Uighur vẫn còn bị giam giữ sau khi mất tích trong lúc các vụ bạo loạn bùng phát tại Urumqi và kéo dài nhiều tuần lễ, dẫn tới một cuộc đàn áp an ninh lớn và các vụ bắt bớ.

Nhà nghiên cứu về Trung Quốc của Hội Ân xá Quốc tế, bà Sarah Schafer, nói với đài VOA rằng nhiều gia đình có thân nhân mất tích đã bị giới hữu trách xách nhiễu khi tìm cách biết tin về người thân của mình. Bà cho biết:

“Chúng tôi đã lên tiếng yêu cầu chính phủ phải nói rõ về các vụ mất tích đó vì điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được. Thật là hết sức khó khăn để nắm được thông tin từ Tân Cương. Những gia đình này đã bắt đầu lên tiếng nhưng họ phải chấp nhận rủi ro lớn cho chính mình khi làm như vậy.”

Bà Schafer nói Patigul Eli, mẹ của một người đàn ông Uighur bị mất tích, cho biết đã gặp ít nhất 30 gia đình khác cũng đang tìm cách lấy tin từ giới hữu trách Urumqi về người thân bị mất tích trước đây. Bà Schafer nói:

Suốt 3 năm trời, bà ấy không hề hay biết con trai bà đang ở đâu hay thậm chí là cậu ấy còn sống hay đã chết, bà ấy đã van xin chính phủ đưa ra câu trả lời. Thật tiếc là không có câu trả lời nào.”

Nhà nghiên cứu của Hội Ân xá Quốc tế nói một số người Uighur bị giam giữ đã bị từ chối không được đưa ra xét xử một cách công khai vì giới hữu trách Tân Cương coi họ là các phần tử khủng bố.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG