Đường dẫn truy cập

Người Hồi giáo tham gia cuộc săn lùng các ấn bản Charlie Hebdo


Người dân xếp hàng để mua ấn bản mới nhất của tờ Charlie Hebdo ở Paris, 14/1/2015.
Người dân xếp hàng để mua ấn bản mới nhất của tờ Charlie Hebdo ở Paris, 14/1/2015.

Các nhà lãnh đạo Hồi giáo có thể đang lên án ấn bản mới nhất của tạp chí Charlie Hebdo, nhưng một số độc giả Hồi giáo đang săn lùng các ấn bản tạp chí đã bán hết ngay sau khi được bầy bán ở các sạp báo Pháp hôm thứ Tư. Cuộc săn lùng báo diễn ra vào lúc chi nhánh al-Qaida lên tiếng nhận trách nhiệm về các vụ tấn công tuần trước nhắm vào tuần báo trào phúng Pháp.

Nếu không xếp hàng vào khoảng 5 giờ sáng để mua một tờ Charlie Hebdo vừa ra hôm thứ Tư, thì có nhiều khả năng người mua sẽ nghe thấy câu này:

“Hết sạch rồi. Lúc 6 giờ 14 phút buổi sáng chỉ trong 10 phút là không còn tờ nào. Chỉ trong vòng 10 phút.”

Đó là lời ông Junu Ouddin người Bangladesh, chủ sạp báo ở đông bắc Paris. Cư dân ở đây có xuất xứ từ mọi nơi trên thế giới, nhưng họ đều biết về tờ Charlie Hebdo.

Câu trả lời đó cũng được nghe thấy ở sạp báo cuối đường, nơi ông Patricio Salcedo cho biết 255 tờ báo đã được bán sạch trong vài phút. Trong thực tế, tất cả 700.000 số của tuần báo này đã bán sạch trong vòng vài giờ đồng hồ sau khi được bầy bán ở các quầy báo khắp nước.

Số báo này là số đầu tiên sau khi xảy ra vụ các tay súng bắn chết cả chục người tại toà soạn Charlie Hebdo ở Paris hồi tuần trước. Tạp chí ra số báo vào lúc chi nhánh ở Yemen của al-Qaida nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Trong một băng video, chi nhánh này nói các vụ nổ súng là để trả thù cho những bức biếm họa về Tiên tri Hồi giáo Muhammad mà tạp chí này đã đăng trong nhiều năm.

Nhưng Charlie Hebdo không chùn lòng. Số báo mới nhất lại đăng các tranh biếm hoạ Muhammad, kể cả trang bìa, cho thấy ông đang khóc và cầm một biểu ngữ ghi hàng chữ “Tôi là Charlie.” Chánh chủ biên Gerard Biard nói từ nhiều năm, tạp chí không những giễu cợt đạo Hồi mà tất cả các hình thức chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.

Ông Biard nói tờ báo tôn trọng các đức tin tôn giáo cá nhân, chứ không phải tôn giáo đã bị chính trị hoá. Ông nói, “Đó là điều mà chúng tôi phản đối, đó là điều chúng tôi nhạo báng.”

Ký giả Thổ Nhĩ Kỳ Defne Gursoy là một độc giả thường xuyên của Charlie Hebdo. Cô yêu thích điều cô gọi là “hài hước vô giới hạn.” Và cô tán thành trang bìa mới có hình tiên tri Muhammad.

Cô nói: “Đây có lẽ là trang bìa hay nhất … tiếp tục hình thức gây rối mang tính cách nổi loạn này đối với mọi thứ cấm kỵ. Không có lối thoát nào khác. Ta không thể tự mãn.”

Hình bìa ấy đã gây căm phẫn nơi một số người Hồi giáo, ở nước ngoài và ở Pháp. Ông M’hammed Henniche, tổng thư ký UAM93, một hiệp hội Hồi giáo ở vùng Saint Denis bên ngoài Paris, nói các nhà lãnh đạo như chính ông đã nói với người Hồi giáo nên giữ bình tĩnh và tránh phản ứng.

Ông Henniche mô tả các tranh biếm hoạ Tiên tri Muhammad là một hành vi vô trách nhiệm của tờ Charlie Hebdo, trong bối cảnh bầu không khí căng thẳng trên toàn quốc. Ông nói giễu cợt cuộc diệt chủng Do Thái không được coi là tự do phát biểu ở Pháp, thì chế giễu tiên tri Hồi giáo cũng không nên coi là tự do phát biểu.

Song không phải mọi người Hồi giáo đều đồng ý. Tại một quán cà phê gần đấy, ông Boussad Merzouk người Algerie nằm trong danh sách chờ đợi để mua một số báo Charlie Hebdo.

Ông Merzouk nói ông không phải là một độc giả thường xuyên của Charlie, nhưng ông bất mãn trước vụ tấn công tuần trước. Ông tán thành khuynh hướng châm biếm của báo này. Ông muốn mua một số bản để bày tỏ tình đoàn kết với những nhà biếm họa đã chết và đối với tất cả các nạn nhân vụ nổ súng. Sẽ có thêm các số báo Charlie Hebdo được ấn hành trong những ngày tới. Ông Merzouk có thể phải kiên nhẫn hơn – tại sạp báo ở góc đường mà ông là người 585 trong danh sách chờ đợi.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG