Đường dẫn truy cập

Người chết phải được coi là còn sống


Câu chuyện ly kỳ này xảy ra trên đất Iran, một đất nước Hồi giáo cực kỳ độc đoán lấy kinh Koran làm luật pháp tối cao.

Một phụ nữ bị kết án ngoại tình và giết người – tuy chưa có chứng cứ đầy đủ, sau khi bị một trận đòn 99 roi, sẽ bị xử tử hình, theo hình thức bị đưa ra cho quần chúng ném đá cho đến chết. Cả thế giới tiến bộ đang can ngăn hành động dã man thời trung cổ này.

Nhân đây xin kể câu chuyện khác, ly kỳ, vô lý, thương tâm của 2 cô gái Iran, rất đáng để cả loài người, những công dân của cộng đồng thế giới văn minh ngày nay, suy ngẫm.

Đó là cô Neda Agha Soltan và cô Neda Soltani, trùng tên, là Neda, họ gần giống nhau, Soltan và Soltani, từ đó mà nên chuyện.

Ngày 20 tháng 6 năm 2009, tại một cuộc biểu tình giữa thủ đô Téhéran, cô sinh viên Neda Agha Soltan mang biểu ngữ chống chính quyền độc tài bị cảnh sát bắn chết. Nhiều tấm hình chụp cô nằm sóng soài trên vũng máu giữa đại lộ thủ đô được truyền đi khắp nước và thế giới. Tên cô: «Neda!, Neda!» vang lên suốt mấy ngày liền khắp Iran, ca ngợi một nữ sinh viên yêu nước dũng cảm, xả thân vì tự do của nhân dân. Người dân lập bàn thờ, tụng niệm, thắp nến, mang hoa đến viếng nơi cô bị bắn chết…

Sáng hôm sau, gia đình cô giáo sư Neda Soltani, 32 tuổi, khuôn mặt hao hao như Neda Agha Soltan Neda Agha Soltan, nhận được hàng trăm lá thư và điện chia buồn, vì họ tưởng nhầm - qua tin, ảnh trên báo và nhiều mạng truyền hình - người bị giết là cô giáo sư này, vì cô cũng là một trí thức có xu hướng chính trị tiến bộ, nổi tiếng trong việc bênh vực quyền bình đẳng của nữ giới. Cô là một tiến sỹ văn học, chuyện dạy về văn học nước Anh tại Đại học Hồi giáo Azad ở Téhéran.

Nhưng rồi cô giáo sư còn sống giật mình vì hình ảnh của chính cô trên mạng FaceBook được truyền đi rộng rãi trên nhiều mạng thông tin quốc tế ghi nhầm rằng chính cô là nạn nhân của cuộc đàn áp - khủng bố của cảnh sát.

Mặc dù cô giáo sư gửi nhiều thư trên internet kèm theo nhiều bức ảnh để phân biệt cô với cô sinh viên đã hy sinh, nhằm cải chính sự lầm lẫn trên đây, nhưng nhiều mạng tin nổi tiếng như CNN, Foxnews và CBS ở Hoa Kỳ, mạng BBC của Anh, mạng ZDF, ARD của Đức cho đến AFP của Pháp…vẫn không cải chính theo sự thật. Quả thật ảnh 2 cô có những điểm giống nhau : trẻ, xinh đẹp, tóc nâu, cùng choàng khăn, những nhìn kỹ thì họ có nhiều điểm khác nhau trên nét mặt.

Thế rồi cơ quan tình báo Iran vào cuộc. Cô giáo sư bị quấy rầy, đe dọa, ép buộc không được cải chính gì nữa, nằm im, nếu không sẽ bị tai họa vào thân. Cô kể: Ngày 25-6 cô bị triệu tập đến cơ quan tình báo, cô hoảng sợ vì từng nghe kể về những cuộc tra tấn, khảo cung, mất tích, thủ tiêu tại đó. Họ buộc cô phải phủ nhận cuộc tàn sát ngày 20-6, phải lên tiếng tố cáo đây là âm mưu dựng đứng của phương Tây nhằm vu cáo nhà nước Iran. Cô buộc phải nhận vơ rằng mình chính là Neda Agha Soltan, vẫn còn sống đây. Cô giáo sư tuy sợ hãi vẫn không chịu nói dối trước máy quay phim.

Ngày 27-6 cô lại bị gọi đến cơ quan tình báo, vào 19 giờ. Họ dọa cô nếu không hợp tác với họ thì cô có thể mất chức giáo sư đại học, em trai cô sẽ bị đuổi học. Cuối cùng họ buộc cô phải trả lời nhiều câu hỏi phức tạp, chứa đựng nhiều cạm bẫy về chính trị, làm cô rối trí, không còn biết đã nói những gì. Đúng nửa đêm, cô ra về, bà mẹ vẫn chờ đón con gái trong hoảng sợ, vì nghe nói những người bị gọi đến đây vào ban đêm, thường không bao giờ trở về.

Ngày 1-7, bọn họ đến sớm từ 6 giờ tại nhà và bắt cô đến bộ an ninh, tại đây họ buộc cô ký tên thú nhận là nhân viên của cơ quan tình báo trung ương Hoa Kỳ CIA, nhận nhiệm vụ đặc biệt nhằm chống chế độ ở Iran, có nghĩa là phải nhận một bản án tử hình. Cô bàng hoàng, ngất lịm ngay tại chỗ, khi tỉnh dậy, cô hiểu ngay rằng không thể sống trên đất này. Cô không trở về nhà nữa, tìm mua ngay vé máy bay đi Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ vào sáng sớm hôm sau 2-7, với giấy visa đi gấp phải đút lót 11 ngàn Euro, gom tất cả tiền dành dụm.

Từ Istanbul cô đi ngay sang Hy lạp, với lý do đi dự một cuộc hội thảo quốc tế. Từ đó cô nhớ có một người em họ đang sống ở Bochum - Đức. Cậu em họ giúp cô sang Đức, và sau vài tháng cô xin được quy chế tỵ nạn chính trị. Cô đã biết tiếng Pháp, học thêm tiếng Đức. Hiện cô sống trong một căn hộ ở thành phố Frankfurt.

Từ tháng 4 – 2010, cô giáo sư văn học đã có cuộc sống mới, yên ổn, có an ninh, có bạn đồng nghiệp mói, nam nử sinh viên hồn nhiên trong khung cảnh đại học, thoát khỏi nỗi hoảng sợ triền miên trên quê nhà. Cô vẫn thương nhớ khôn khuây bà mẹ thương yêu, bà chị đã có chồng và 2 con nhỏ, cậu em 18 tuổi còn đi học. Cô mong có ngày trở về nước, trong một nhà nước dân chủ Hồi giáo, không còn là nơi hoành hành của tổ chức tình báo ác độc tàn bạo, suýt hãm hại mạng sống của cô.

Trên đây là tóm lược bài viết nhan đề «Cuộc sống bị lấy cắp của Neda » - La vie volée de Neda - của nhà báo Géraldine Shwartz sau khi hỏi chuyện cô giáo sư Neda Sotani, đăng trên báo Pháp le Monde ra ngày 9-9 vừa qua. Cô giáo sư Neda Sotani coi câu chuyện cô kể như một lời cải chính cho những cơ quan truyền thông và bạn đọc khắp nơi vẫn còn lẫn lộn 2 cô Neda - một cô đã chết, một cô còn sống, phải đi tỵ nạn - do đó rơi vào cái bẫy lừa dối nham hiểm của cơ quan tình báo Iran.

Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Bùi Tín

    Nhà báo Bùi Tín hiện sống tự do ở Pháp, là một nhà báo chuyên nghiệp, một nhà bình luận thời sự quốc tế, và là cộng tác viên thường xuyên của đài VOA. Ðối tượng chính của nhà báo Bùi Tín là giới trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là tuổi trẻ Việt Nam quan tâm đến quê hương tổ quốc.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG