Đường dẫn truy cập

Ngoại trưởng Mỹ tìm cách đạt thỏa thuận hạt nhân Iran


Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry sẽ trở lại Vienna ngày mai.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry sẽ trở lại Vienna ngày mai.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry ngày mai sẽ trở lại Vienna để tham gia cuộc thương thuyết ở giai đoạn cuối cho một thỏa thuận quốc tế toàn diện về chương trình hạt nhân của Iran. Ông Kerry ngày hôm qua cảnh báo: "Có thể là Iran sẽ không thực hiện các biện pháp đã được đồng ý" trong thỏa thuận khung đạt được vào tháng Tư năm nay.

Ngoại trưởng Kerry cảnh báo như vậy sau khi lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố trên truyền hình nhà nước hồi tối thứ Ba là Iran sẽ không cho phép các thanh sát viên quốc tế tiếp cận các vị trí quân sự, các nhà khoa học hay các tài liệu. Nhà lãnh đạo Iran cho rằng những hạn chế đối với chương trình hạt nhân của nước này kéo dài từ 10 đến 12 năm là không thể chấp nhận được. Ông yêu cầu những chế tài quốc tế phải được gỡ bỏ ngay sau khi thỏa thuận được ký kết, thay vì được gỡ bỏ dần qua nhiều giai đoạn.

"Những đường ranh đỏ chính"

Ngoại trưởng Kerry nói bài diễn văn và bình luận của ông Khamenei được đưa lên Twitter về “những đường ranh đỏ chính” là “để đối phó với chính trị trong nước”. Ngoại trưởng Kerry nói thêm rằng “điều này không có gì mới.” Ông nói “Điều quan trọng là những gì đã được đồng ý trong các văn bản và đó là những gì chưa được quyết định”. Ông Kerry nói thêm là nếu Iran không tuân thủ những gì đã đồng ý trong thỏa thuận đạt được tại Lausane thì “sẽ không có thỏa thuận nào cả”.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry trong cuộc đàm phán hạt nhân tại Lausanne, Thụy Sĩ, hồi tháng 4/2015.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry trong cuộc đàm phán hạt nhân tại Lausanne, Thụy Sĩ, hồi tháng 4/2015.

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest công nhận là có những cuộc mặc cả gay go ở trước mắt:

“Các cuộc thương thuyết sẽ tiếp tục cam go, nhưng vẫn có những nỗ lực thành thật về cả hai phía để cố gắng hoàn tất công việc theo đúng thời biểu mà chúng tôi đã đề ra. Do đó có lý do để hai bên tiếp tục thương thuyết, nhưng tôi không muốn để cho quí vị có cảm tưởng là tất cả những thách thức khó khăn đã được giải quyết”.

Làm việc chi tiết

Các nhà thương thuyết của Iran và 6 cường quốc thế giới đang làm việc về chi tiết của một kế hoạch giảm chương trình hạt nhân của Iran trong thời gian 10 năm để đổi lấy việc nới lỏng các chế tài đã làm thiệt hại nền kinh tế của nước này. Những bước nới lỏng chế tài và những thủ tục thanh sát và kiểm chứng để đảm bảo là Tehran không lừa gạt được xem là những điểm gay go chính.

Ông Earnest ngày hôm qua nói kết quả duy nhất Hoa Kỳ sẽ chấp nhận là kết quả phù hợp với thỏa thuận khung.

Ông Stephen Zunes nhà phân tích về Trung Đông của trường đại học San Francisco nói Ayatollah Khamenei là một nhân vật thế lực nhất tại Iran mà sự ủng hộ một thỏa thuận của ông là điều bắt buộc và tuyên bố của ông gây nên những lo ngại.

“Mặc dù Iran là một chế độ độc tài, nhưng nước này không phải do một người cai trị. Có những khuynh hướng khác nhau, cả bên cứng rắn lẫn phía ôn hòa và tuy Ayatollah Khamenei là một nhà lãnh đạo có thế lực nhiều nhất, nhưng cũng có nhiều thế lực khác và dường như là hầu hết người Iran, trong chính phủ cũng như trong dân chúng, đang mong muốn tiến tới một thỏa thuận”.

Hội đồng Vệ quốc Iran ngày hôm qua đã phê chuẩn dự luật để đòi chính phủ bảo vệ quyền hạt nhân của Iran. Luật này cấm các thanh sát viên quốc tế tiếp cận các địa điểm quân sự và các nhà khoa học. Ông Zunes nói luật mới dường như chỉ ảnh hưởng đến các địa điểm phi hạt nhân của Iran.

Luật này không cho phép các thanh sát viên của Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế thực hiện những chuyến kiểm tra thường lệ tại các địa điểm hạt nhân của Iran trong khuôn khổ của Hiệp ước Không Phổ biến Hạt nhân.

Quan ngại sẽ nhượng bộ

Cựu Đại sứ James Jeffries là một trong vài cựu viên chức, trong đó có 5 người phục vụ trong chính quyền Obama, đã ký vào một bức thư bày tỏ quan ngại là thỏa thuận đang được thảo luận có thể không phải là một thỏa thuận tốt. Ông Jeffries, hiện làm việc cho Viện Chính sách Cận Đông ở Washington, nói những người ký tên lo ngại là chính quyền sẽ nhượng bộ thêm về vấn đề thanh sát, những hoạt động trước đây của Tehran trong lãnh vực vũ khí và tiếp tục nghiên cứu và phát triển vũ khí.

"Nếu Hoa Kỳ chấp nhận những đòi hỏi của phía Iran để đẩy lùi thỏa thuận khung thì đó sẽ là một sai lầm kinh khủng. Chúng ta có những giải pháp khác. Một trong những giải pháp này là tiếp tục thương thuyết với họ. Ngày 30 tháng 6 không có gì là thiêng liêng cả".

Ông Jeffries nói điều quan trọng là Iran phải bị cấm không được thủ đắc vũ khí hạt nhân mà cũng không được phép tiến gần tới chỗ sản xuất được loại vũ khí này để có thể đe dọa vùng Trung Đông và thế giới. Ông cảnh báo là nhượng bộ những đòi hỏi vào phút chót của Iran có thể cho thấy là Hoa Kỳ và những đối tác thương thuyết có thái độ nhu nhược và điều đó sẽ gây ra những tác động tiêu cực tại những nơi khác như Syria và Yemen.

VOA Express

XS
SM
MD
LG