Đường dẫn truy cập

Ngoại trưởng Kerry nêu tiến bộ kinh tế và quan ngại về nhân quyền khi thăm Việt Nam


Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Hà Nội hôm 7/8/2015.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Hà Nội hôm 7/8/2015.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã cùng với các giới chức Việt Nam đánh dấu 20 năm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước bằng một loạt các sự kiện ở Hà Nội. Tại một sự kiện, ông Kerry nêu nhận định về tiến bộ đã đạt được cũng như công việc còn cần phải làm để củng cố mối bang giao. Tháp tùng Ngoại trưởng đến Hà Nội, thông tín viên VOA tại bộ Ngoại giao Pam Dockins gửi về bài tường thuật.

Tại diễn đàn xã hội dân sự, ông Kerry nêu ra rằng đã phải mất 2 thập niên để bình thường hóa quan hệ.

“Chúng ta đã phải mất 20 năm để đi từ hàn gắn đến xây dựng. Hãy nghĩ đến những gì chúng ta có thể hoàn thành trong 20 năm sắp tới”.

Nhưng ông Kerry không tránh né việc đề cập đến những quan ngại của Hoa Kỳ về thành tích nhân quyền của Việt Nam và nói rằng các quan hệ đối tác thân cận nhất của nước Mỹ là với những nước chia sẻ một cam kết đối với một số giá trị.

“Tiến bộ về nhân quyền và pháp trị sẽ đem lại nền tảng của một quan hệ đối tác sách lược bền vững hơn giữa Hoa Kỳ và Việt Nam”.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh của Việt Nam nói vấn đề đang được giải quyết thông qua những bộ luật vừa được ban hành.

Bất kể những quan ngại về nhân quyền, Hoa Kỳ và Việt Nam đã lập được quan hệ kinh tế vững mạnh trong nhiều năm, với kim ngạch thương mại song phương lên tới 36 tỷ đôla trong năm ngoái.

Cả hai nước đều tham gia các cuộc thương nghị về Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương, tức TPP, một thỏa thuận thương mại khổng lồ giữa 12 quốc gia mà các chuyên gia cho là có thể đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam.

Ông Greg Poling, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Sách lược CSIS, nói:

“Việt Nam tính ra sẽ được hưởng nhiều lợi ích nhất từ TPP bởi vì không những tiếp cận được với thị trường Hoa Kỳ mà còn tiếp cận nhiều hơn với thị trường Nhật Bản, thị trường Canada”.

Việt Nam và Hoa Kỳ còn có chung các quan ngại về hàng hải, theo chuyên gia phân tích Karen Brooks, khi phát biểu qua Skype:

“Điều nổi bật là mối bang giao của chúng ta đã đi xa được đến mức nào trong một khoảng thời gian rất ngắn, một phần dĩ nhiên là do động lực của mối đe dọa ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông”.

Trung Quốc đã phát động một dự án lấp biển trong Biển Đông, nơi các nước láng giềng, kể cả Việt Nam, có những khẳng định chủ quyền chồng chéo nhau.

Ngoại trưởng Kerry nói Hoa Kỳ không bênh vực khẳng định nào, nhưng ủng hộ tiến trình giải quyết các tranh chấp theo đúng luật quốc tế.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG