Đường dẫn truy cập

Sân vận động Thế vận hội Athens trở thành trại cho người tị nạn


Các di dân ngồi bên dưới một biểu ngữ 'Chúng tôi cần giải pháp' phía trước sân vận động Thế vận hội ở Faliro, nam Athens,ngày 15/12/2015.
Các di dân ngồi bên dưới một biểu ngữ 'Chúng tôi cần giải pháp' phía trước sân vận động Thế vận hội ở Faliro, nam Athens,ngày 15/12/2015.

Liên hiệp châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ đang nhắm mục tiêu chung quyết một thỏa thuận trong tuần này để chặn đứng luồng di dân đi từ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ qua Hy Lạp. Trên 100.000 người đã thực hiện cuộc hành trình đến Hy Lạp cho đến thời điểm này trong năm nay, tiếp theo hàng trăm ngàn người khác trong năm 2015. Thỏa thuận đạt được ở Brussels có thể khiến di dân đến Hy Lạp bị trục xuất trở về Thổ Nhĩ Kỳ. Thông tín viên VOA Henry Ridgwell đã đến một trại tị nạn tạm thời ở Athens và nói chuyện với một số người tị nạn về cảm nghĩ của họ đối với các đề nghị vừa kể.

Tại phi trường cũ, không còn được sử dụng của Athens, những người mới đến không bằng máy bay mà bằng tàu thuyền, sau khi đi từ Thổ Nhĩ Kỳ đến các hòn đảo Hy Lạp rồi tới thủ đô.

Sân bay nay trở thành một trại tị nạn, không được thiết bị đầy đủ để tiếp nhận 1.900 cư dân. Những băng chuyền hành lý và các thang di động nay là sân chơi của hàng ngàn trẻ em sống tại địa điểm này.

Cũng như đa số di dân sống tại phi trường, bà Farahnaz Alizade xuất xứ từ Afghanistan, khi được hỏi về những điều kiện sinh hoạt, bà bật khóc.

“Làm ơn hãy mở cửa. Chúng tôi muốn ra khỏi đây. Chúng tôi không thể ở lại đây. Đây là một chỗ rất tệ. Ông không thể cảm thấy điều đó. Bởi vì chúng tôi ở đây chúng tôi mới biết được. Ông không phải ở đây. Chúng tôi chạy trốn chiến tranh. Và ông cho là đất nước chúng tôi an toàn ư? Tôi không hiểu vì sao. Tôi không biết”.

Kế hoạch của EU để tái định cư người tị nạn nhắm vào người Syria. Số phận của những người mang quốc tịch khác chưa được quyết định. Một phần trong thỏa thuận của châu Âu đề xuất với Ankara sẽ gửi trả dân di trú ở Hy Lạp này về lại Thổ Nhĩ Kỳ.

Bà Alizade cho biết phản ứng:

“Không, không. Chúng tôi sẽ không trở lại Thổ Nhĩ Kỳ. Bởi vì Thổ Nhĩ Kỳ tệ lắm, tệ hơn ở đây”.

Di dân xếp hàng chờ nhận lương thực của Hội Chữ Thập Đỏ tại cảng Piraeus ở Athens ngày 17/3/2016. Hơn 4.000 người tị nạn và di dân bị mắc kẹt phải sống tạm trong các nhà ga, lều bạt, nhà kho ở Hy Lạp.
Di dân xếp hàng chờ nhận lương thực của Hội Chữ Thập Đỏ tại cảng Piraeus ở Athens ngày 17/3/2016. Hơn 4.000 người tị nạn và di dân bị mắc kẹt phải sống tạm trong các nhà ga, lều bạt, nhà kho ở Hy Lạp.

Những người thuộc các quốc tịch khác nhau được phân chia vào 3 tòa nhà bên kia phi trường không còn được sử dụng và sân vận động Thế vận hội ngay cạnh đó – là sân đã chủ trì Thế vận hội năm 2004. Những người di trú nói căng thẳng giữa các quốc tịch đang châm ngòi cho sự bất mãn và thường bùng ra những vụ đánh nhau.

Với biên giới về phía bắc bị đóng cửa, dân di trú bị kẹt cứng. Bà Valia Gheka thuộc Cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc – hiện đang trợ giúp ở trại tị nạn – cho biết 60% những người đến Hy Lạp là phụ nữ và trẻ em.

“Cần phải lập thêm những nơi tiếp nhận ở Hy Lạp để có thể đáp ứng nhu cầu của những người đến nơi và cần sự bảo vệ của quốc tế”.

Ông Bahktair Hushangi cùng với vợ và 4 đứa con nhỏ đã ở trại này được hai tuần. Họ là người Kurd từ Iran và cho biết đã đi lánh nạn bị ngược đãi ở trong nước.

Ông này nói họ muốn định cư ở châu Âu bởi vì dân chúng ở đây tốt hơn, và gia đình ông không thể sống ở một nước Hồi giáo. Ông nói thêm rằng gia đình ông không thể trở về sống ở Thổ Nhĩ Kỳ bởi vì đang có giao tranh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd.

Theo các quy định bình thường của châu Âu, những người bị ngược đãi có thể xin tị nạn tại các nước trong khối EU. Nhưng các quy định của Âu châu đang được viết lại, và tương lai của những người tị nạn bị kẹt ở Hy Lạp rất bấp bênh.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG