Đường dẫn truy cập

Nga: Tổng thống Ukraina bị lật đổ xin trợ giúp quân sự


Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vitaly Churkin (giữa).
Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vitaly Churkin (giữa).
Đại sứ Nga tại Liên hiệp quốc nói rằng Tổng thống bị lật đổ của Ukraina đã yêu cầu Nga phái binh sĩ tới nước ông để tái lập luật pháp và trật tự. Từ trụ sở Liên hiệp quốc ở New York, thông tín viên Margaret Besheer của đài VOA có bài tường thuật sau đây.

Tại phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc hôm thứ hai, Đại sứ Nga Vitaly Churkin cho biết ông Viktor Yanukovych, người mà Nga vẫn xem là tổng thống hợp pháp của Ukraina, đã viết một lá thư cho Tổng thống Vladimir Putin hôm thứ bảy, trong đó ông Yanukovich nói rằng nước ông đang lâm vào tình trạng hỗn loạn và vô pháp luật và đang đứng ở bờ vực của một cuộc nội chiến. Ông Churkin nói rằng ông Yanukovich đặc biệt lo ngại về tình hình ở vùng Crimea.

Nhà ngoại giao Nga đã giơ lá thư cho các thành viên Hội đồng Bảo an nhìn thấy và tuyên đọc như sau qua lời một thông dịch viên.

"Có những hành động khủng bố và bạo lực công khai dưới ảnh hưởng của các nước Tây phương. Người dân đang bị bách hại vì các lý do ngôn ngữ và chính trị. Về việc này, tôi xin ông Putin, Tổng thống Nga, sử dụng lực lượng vũ trang của Liên bang Nga để thiết lập sự hợp pháp, hòa bình, luật pháp và trật tự, ổn định và bảo vệ người dân Ukraina."

Vị đại sứ của Nga nói rằng những hành động của Moscow tập trung vào việc bảo vệ cho hàng triệu công dân Nga và những người nói tiếng Nga trong khu vực tự trị Crimea của Ukraina.

Ông Churkin nhiều lần đề cập tới “những phần tử cực đoan” và “những phần tử dân tộc quá khích có vũ trang” mà ông nói đã khủng bố các thị trấn ở miền tây Ukraina và Moscow e rằng những phần tử đó sẽ thực hiện những hành động như vậy ở vùng Crimea.

Đại sứ Ukraina Yuriy Sergeyev khiếu nại với Hội đồng Bảo an là Nga giờ đây đang có 16.000 nhân viên quân sự ở nước ông. Ông nói rằng những người đó đã tới nơi bằng máy bay và bằng tàu thuyền.

Đại sứ Churkin đáp lại rằng nước ông có quyền có tới 25.000 nhân viên quân sự ở Ukraina dựa theo một hiệp định mà đôi bên đã ký kết về Hạm đội Hắc hải của Nga. Ông cũng cho biết mặc dù các nhà lập pháp Nga đã cho phép sử dụng quân đội, nhưng điều đó không có nghĩa là Nga sẽ làm như vậy.

Đại sứ Hoa Kỳ Samantha Power đã dùng những lời lẽ cứng rắn để nói với nhà ngoại giao Nga. Bà nói một cách châm biếm rằng khi nghe ông Churkin phát biểu người ta cứ nghĩ là Moscow đã trở thành “lực lượng phản ứng nhanh” của Cao ủy trưởng Nhân quyền Liên hiệp quốc.

"Hành động quân sự của Nga không phải là một sứ mạng bảo vệ nhân quyền. Đó là một sự vi phạm luật pháp quốc tế và một sự vi phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của nước Ukraina độc lập và là một sự vi phạm các cam kết của Nga trong hiệp ước Helsinki và các nghĩa vụ của Nga đối với Liên hiệp quốc."

Ðại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power (phải) nói hành động quân sự của Nga không phải là một sứ mạng bảo vệ nhân quyền. Đó là một sự vi phạm luật pháp quốc tế
Ðại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power (phải) nói hành động quân sự của Nga không phải là một sứ mạng bảo vệ nhân quyền. Đó là một sự vi phạm luật pháp quốc tế
Đại sứ Power cũng bác bỏ yêu cầu can thiệp quân sự mà tổng thống bị lật đổ của Ukraina đưa ra. Bà nói rằng theo các qui định của hiến pháp Ukraina, chỉ có quốc hội mới có quyền chấp thuận sự hiện diện của binh sĩ nước ngoài.

Đại sứ Anh Mark Lyall Grant nói rằng hành động quân sự của Nga không thể biện minh được, cho dù là dựa theo luật pháp quốc tế hay những hiệp định giữa Nga với Ukraina.

"Các lực lượng Nga đã dùng sức mạnh để chiếm các phi trường quân sự và dân sự, các cơ sở hạ tầng. Họ đã dựng các rào cản chận đường. Họ đã gây sức ép để các nhân vật lãnh đạo quân đội Ukraina đào thoát. Họ đã đưa ra tối hậu thư để đòi các đơn vị của Ukraina phải đầu hàng. Họ đã phong tỏa các hải cảng của Nga và đã tăng mạnh số binh sĩ trú đóng dọc theo biên giới giữa Ukraina và Nga."

Trung Quốc, đồng minh chính của Nga tại Hội đồng Bảo an, đã không chỉ trích Moscow, nhưng vị đại sứ của chính phủ ở Bắc Kinh nói rằng lập trường của nước ông là không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác và tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước.

Liên hiệp quốc đã phái phó tổng thư ký tới Kyiv để thẩm định tình hình, trong lúc các nhà ngoại giao tiếp tục kêu gọi giảm thiểu ngay những mối căng thẳng của vụ khủng hoảng này.

Hoa Kỳ và Liên hiệp Châu Âu yêu cầu Nga triệt thoái lực lượng quân sự ra khỏi Ukraina ngay lập tức nếu không muốn gánh chịu những hậu quả kinh tế và sự cô lập chính trị.

Ukraina huy động quân đội trước sự hiện diện của Nga ở Crimea (VOA60)
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:00 0:00

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG