Đường dẫn truy cập

Nga có lập trường mơ hồ về Biển Đông


Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang tại Phủ Chủ tịch tại Hà Nội (Ảnh tư liệu ngày 12/11/2013).
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang tại Phủ Chủ tịch tại Hà Nội (Ảnh tư liệu ngày 12/11/2013).

Không như Hoa Kỳ, điện Kremlin không bày tỏ quan điểm dứt khoát và rõ rệt về vụ tranh chấp Biển Đông, bất chấp chính sách xoay trục sang hướng Đông của Moscow, theo quan điểm của ông Ian Storey, một nhà nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á ở Singapore.

Trong một bài viết tải lên trang mạng của tạp chí Eurasia, nhà nghiên cứu này cho rằng có hai lý do về hướng tiếp cận không thu hút nhiều sự chú ý của điện Kremlin, đó là Nga không phải là một bên có quyền lợi gắn liền với Biển Đông, và lý do thứ nhì là bởi vì Moscow không muốn làm mích lòng hai đối tác chủ yếu của mình tại Đông Á và Đông Nam Á, là Trung Quốc và Việt Nam, hai nước đều tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông.

Lập trường chính thức của Nga về cuộc tranh chấp Biển Đông cũng tương tự như lập trường của nhiều quốc gia khác. Đó là Moscow không nghiêng về bên nào, mà cổ vũ cho việc giải quyết vụ tranh chấp một cách hoà bình, và kêu gọi các bên tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển – UNCLOS. Moscow cũng hậu thuẫn việc thi hành Tuyên bố về cách Ứng xử trên Biển đã đạt được giữa ASEAN và Trung Quốc vào năm 2002.

Giáo sư Ian Storey lưu ý rằng cũng như Trung Quốc không công khai ủng hộ Nga về vấn đề Ukraine, khi bỏ phiếu trắng tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng Ba năm 2014, Moscow cũng không công khai ủng hộ Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông vì lo ngại sẽ làm tổn thương quan hệ Việt-Nga, mặc dù Ngoại Trưởng Nga Sergei Lavrov từng đồng ý với quan điểm của Trung Quốc rằng vấn đề này nên được giải quyết giữa các bên tranh chấp với nhau, không có sự can thiệp từ bên ngoài - ám chỉ Hoa Kỳ.

Không như Washington, Moscow không đặt nghi vấn về tính chính đáng của đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên hầu hết Biển Đông theo cái gọi là 'đường 9 đoạn' bao trùm 80% diện tích Biển Đông.

Mặc dù vậy, tình trạng căng thẳng leo thang ở Biển Đông cũng gây quan ngại cho Nga. Tại một thời điểm mà Nga đang tìm cách củng cố các quan hệ kinh tế với Châu Á, sự ổn định và hoà bình trong khu vực nơi qua lại của các thương thuyền đã trở nên quan trọng hơn đối với nước Nga.

Tính cách mập mờ của lập trường của Moscow về vấn đề Biển Đông còn thể hiện qua sự có mặt của các công ty Nga tham gia các dự án dò tìm và phát triển năng lượng ngoài khơi Việt Nam.

Theo ông Ian Storey, sự hiện diện này cho thấy là Moscow tin rằng Hà Nội có các quyền chủ quyền chính đáng trong vùng thềm lục địa 200 hải lý, và những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc chồng lấn trong vùng biển này không phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

Tập đoàn năng lượng Gazprom khổng lồ của Nga với cổ đông chính là chính quyền Nga, đã ký hợp đồng với PetroVietnam vào năm 2006 để dò tìm dầu khí ngoài khơi bờ biển Việt Nam. Dự án này đã đi vào sản xuất vào năm 2013, và theo dự kiến khi đã đạt hết công suất dự án liên doanh này sẽ có lợi cho cả hai nước.

Trong khi đó các hành động giành đất lấn biển của Trung Quốc đã có tác động ngược đối với Bắc Kinh, theo tạp chí Foreign Policy.

Theo một bài viết đăng hôm 8/12, vì các hành động gây hấn của Bắc Kinh, Nhật Bản đã từ bỏ chính sách chủ hoà đã theo đuổi hàng nhiều thập kỷ nay. Và cũng vì Bắc Kinh, Việt Nam nay đang tìm mua vũ khí của nước cựu thù Hoa Kỳ. Philippines lại mời Mỹ trở lại đóng quân ở nước này sau khi yêu cầu Mỹ rời Philippines cách đây 25 năm, và ngay cả Singapore cũng xích lại gần Hoa Kỳ hơn, như cho phép máy bay trinh sát của Hải quân Mỹ sử dụng các căn cứ của Singapore.

Nguồn: Eurasia Review, Foreign Policy

Truyền hình vệ tinh VOA 5/12/2015
please wait

No media source currently available

0:00 0:14:30 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG