Đường dẫn truy cập

Thủ tướng Nepal từ chức để giải quyết bế tắc chính trị


Thủ Tướng Nepal Madhav Kumar Nepal vừa từ chức, và như thế đã nhượng bộ những đòi hỏi của phe Mao-ít, đòi ông từ chức để dọn đường cho một chính phủ đoàn kết quốc gia. Tuy nhiên, như lời tường thuật của Thông tín viên Anjana Pasricha của Đài VOA từ New Dehli, hiện vẫn chưa chắc chắn liệu quyết định từ nhiệm của Thủ Tướng Nepal có chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị kéo dài tại nước ông hay không.

Thủ Tướng Madhav Kumar Nepal loan báo ông sẽ từ bỏ chức vụ trong một bài diễn văn được trình chiếu trên toàn quốc hôm thứ Tư. Ông Nepal nói ông từ chức để tạo điều kiện cho việc giải quyết tình trạng bế tắc chính trị ở trong nước.

Ông Nepal lên nắm chức Thủ Tướng hồi năm ngoái, đứng đầu chính phủ liên hiệp sau khi chính quyền do phe Mao-ít lãnh đạo từ chức.

Tuy nhiên phe Mao-ít, vốn muốn trở lại nắm quyền, đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình rầm rộ khắp nơi, và gây khó khăn cho những hoạt động của chính phủ.

Trong một thỏa thuận đạt được với các chính đảng chủ yếu hồi tháng trước, Thủ Tướng Nepal đồng ý từ chức để dọn đường cho một chính quyền chia sẻ quyền lực.

Tuy nhiên, cho tới nay, các chính đảng lớn trong nước vẫn chưa đồng ý được với nhau về hình thức nên có của một chính quyền quốc gia mới.

Ngỏ lời trước quốc dân, Thủ Tướng Nepal nói rằng trong tháng qua, ông đã kêu gọi các chính đảng hãy tìm một đường lối để giải quyết bế tắc chính trị.

Tuy nhiên ông nói bởi vì vẫn chưa đạt được thỏa thuận, ông đã quyết định không kéo dài tình hình hỗn độn và bất định nữa. Rồi ông bày tỏ quyết tâm muốn thăng tiến hòa bình tại Nepal.

Giới lãnh đạo Mao-ít đã hoan nghênh quyết định từ chức của Thủ Tướng Nepal, họ cho biết sẽ cố gắng đạt được một giải pháp đồng thuận với các chính đảng khác về một chính quyền quốc gia mới.

Tuy nhiên sự đồng thuận đó không dễ gì đạt được. Phe Mao-ít, vốn là chính đảng lớn nhất trong quốc hội, muốn đứng ra lãnh đạo chính phủ. Nhưng các chính đảng khác đòi phe Mao-ít, trước hết, phải giải tỏa các trại đóng quân của các chiến binh của họ trước đây, một đòi hỏi mà phe Mao-ít đã bác bỏ.

Phe theo chủ nghĩa Mao đã kết thúc cuộc nổi dậy bạo động kéo dài cả thập niên của họ hồi năm 2006, và tiến tới thắng lợi trong các cuộc bầu cử năm 2008. Mặc dù vậy, phe này không đạt được đa số trong Quốc Hội để có thể bắt tay vào việc. Và từ đó, xã hội Nepal vẫn tiếp tục bất ổn.

Nạn nhân chủ yếu trong cuộc xung đột chính trị là tiến trình soạn thảo một bản hiến pháp mới cho Nepal.

Dựa trên một thỏa thuận hòa bình với phe Mao-ít, hệ thống lập pháp lâm thời lẽ ra đã soạn xong một hiến pháp mới hồi tháng trước. Tuy nhiên tình trạng tê liệt chính trị trong nước đã khiến cho công tác đó hầu như không thể nào thực hiện được, và hạn chót để soạn hiến pháp, giờ đây đã được gia hạn tới sang năm.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG