Đường dẫn truy cập

Mỹ: Tình hình ở Ramadi vẫn 'khó lường'


Cư dân Ramadi rời bỏ nhà cửa chạy tới Baghdad để tránh giao tranh, ngày 16/5/2015.
Cư dân Ramadi rời bỏ nhà cửa chạy tới Baghdad để tránh giao tranh, ngày 16/5/2015.

Hoa Kỳ cho biết tình hình ở thủ phủ Ramadi của tỉnh Anbar của Iraq vẫn “khó lường và đang trong vòng tranh giành”, trong khi nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tuyên bố đã chiếm được thành phố thuộc tỉnh lớn nhất của Iraq. Theo tường thuật của thông tín viên đài VOA Victor Beattie, số phận của Ramadi hiện vẫn chưa rõ, trong khi các nhà lập pháp Mỹ ca ngợi việc triệt hạ một thủ lĩnh cấp cao của IS trong cuộc đột kích của Lực lượng biệt kích Mỹ tại miền đông Syria.

Bộ Quốc phòng Mỹ đã phản bác tuyên bố của Nhà nước Hồi giáo cho rằng tổ chức này đã chiếm được Ramadi. Một phát ngôn viên của Ngũ Giác Đài nói rằng tình hình tại đó vẫn “khó lường và đang trong vòng tranh giành giữa các bên”. Ông nói liên quân do Mỹ lãnh đạo hiện đang dùng không lực để hỗ trợ binh sĩ Iraq.

Hôm qua, lực lượng liên quân đã thực hiện 7 cuộc không kích nhắm vào các đơn vị chiến thuật của IS, phá hủy bốn đơn vị tiếp tế, ba vị trí chiến đấu, hai tòa nhà do quân nổi dậy chiếm giữ, hai súng máy hạng nặng và hai chiếc xe. Các cuộc không kích cũng nhắm vào các mục tiêu của IS gần Bayji, Fallujah, Mosul, Sinjar và Tal Afar.

Nhóm IS tìm cách tiến vào trung tâm Ramadi hôm thứ Sáu tuần trước. Đợt tiến công mang tính quyết định của các phần tử chủ chiến bắt đầu hôm qua bằng các đợt đánh bom làm ít nhất 10 nhân viên an ninh Iraq thiệt mạng. Thủ tướng Iraq Haidar al-Abadi đã thúc giục các lực lượng Iraq không rời bỏ vị trí chiến đấu, đồng thời lệnh cho các dân quân Shia chuẩn bị chiến đấu để giành lại tỉnh Anbar.

Một nhà phân tích chính trị cao cấp của tổ chức nghiên cứu RAND ở Washington, và đồng thời là một sĩ quan kỳ cựu của quân đội Mỹ, ông Rick Brennan, nói rằng hiện vẫn còn các ổ kháng cự của lực lượng an ninh Iraq ở Ramadi.

“Vẫn đang trong vòng tranh giành. Điều đáng kể là IS đã chiếm được Trung tâm Chỉ huy Anbar, và đã treo cờ của tổ chức họ tại đó. Nhưng sau khi vừa vào đó, họ đã phải phân tán lực lượng và di chuyển tới các nơi khác vì lo sợ các cuộc không kích của Mỹ. Cho nên, đây quả thực là một chiến thắng mang tính chiến lược cho ISIS, nhưng cuộc chiến vẫn tiếp diễn”.

Bản đồ thủ phủ Ramadi, tỉnh Anbar, Iraq.
Bản đồ thủ phủ Ramadi, tỉnh Anbar, Iraq.

Ông Brennan nói rằng cho dù các lực lượng chính phủ đã tái chiếm thành phố Tikrit vào đầu tháng Tư, IS vẫn kiểm soát Fallujah, và Hit ở phía tây cũng như một phần khu lọc dầu gần Bayji và Mosul về phía bắc. Hồi tháng Tư, Ngũ Giác Đài nói rằng kể từ khi chiến dịch không kích do Hoa Kỳ lãnh đạo bắt đầu hồi tháng Tám năm ngoái, nhóm IS đã để mất khoảng 25 tới 30% lãnh thổ mà tổ chức này kiểm soát ở Iraq.

Tại Syria, binh sĩ chính phủ đã đẩy lui các chiến binh IS khỏi thành phố cổ Palmyra, một di sản văn hóa thế giới, trong một cuộc giao tranh làm hàng trăm người chết.

Các nhà lập pháp Mỹ đã ca ngợi cuộc đột kích của các biệt kích Mỹ, dẫn tới việc hạ sát một thủ lĩnh cấp cao của IS là Abu Sayyaf và bắt giữ vợ của ông ta là Umm Sayyaf, người bị tình nghi là thành viên của IS mà nhiều khả năng đã đóng vai trò trong các hoạt động khủng bố của tổ chức này.

Chủ tịch Uỷ ban Tình báo của Hạ viện Mỹ Davin Nunes nói rằng đó là một chiến thuật mà ông và những đồng nghiệp khác lâu nay đã ủng hộ nhằm thu thập thông tin tình báo.

“Chính quyền Obama và quân đội của chúng ta đã thực sự can đảm khi hoạch định một hành động như thế này. Chiến dịch đã thành công. Chúng tôi mừng là đội biệt kích đã trở về an toàn. Và giờ đây, trong những tuần sắp tới, chúng tôi sẽ biết họ đã thu thập được những gì”.

Ông Nunes cho rằng chiến lược của Mỹ đối với nhóm IS chỉ có thể ngăn chận chứ không làm suy yếu hay phá hủy tổ chức này vì nhóm khủng bố đã mở rộng phạm vi hoạt động vượt ra ngoài Iraq và Syria để tiến vào vùng Bắc Phi.

VOA Express

XS
SM
MD
LG