Đường dẫn truy cập

Mỹ tán dương phán quyết về hiệp định an ninh của tòa án Philippines


Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter trong bữa ăn trưa làm việc với Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert F. Del Rosario và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Violtaire T. Gazmin tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington, ngày 12/1/2016.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter trong bữa ăn trưa làm việc với Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert F. Del Rosario và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Violtaire T. Gazmin tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington, ngày 12/1/2016.

Hoa Kỳ hoan nghênh việc Tối cao Pháp viện Philippines ra phán quyết cho rằng hiệp định an ninh mà chính phủ ở Manila ký kết với Mỹ cách nay hai năm là hợp hiến. Theo tường thuật của thông tín viên Victor Beattie của đài VOA, phán quyết này dọn đường cho Mỹ gia tăng sự hiện diện quân sự ở Philippines trong lúc mối quan hệ giữa Manila và Trung Quốc tiếp tục căng thẳng vì vụ tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Phán quyết của Tối cao Pháp viện Philippines về Hiệp định Tăng cường Hợp tác Quốc phòng (ECDA) được loan báo hôm qua, trong lúc Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter họp tại Washington với các vị tương nhiệm phía Philippines.

Ngoại trưởng Kerry phát biểu như sau về diễn tiến này.

"Mối quan hệ chiến lược của chúng ta bắt đầu với một cam kết vững chắc, trong đó Mỹ có một cam kết vô cùng mạnh mẽ đối với an ninh của Philippines. Do đó, chúng tôi hoan nghênh quyết định của tòa án tối cao Philippines cho rằng hiệp định tăng cường hợp tác quốc phòng là phù hợp với hiến pháp Philippines. Đó là một quyết định quan trọng. Chúng tôi mong đợi sự tiến hành của hiệp định này vì nó sẽ làm tăng cao khả năng can thiệp của các lực lượng quân đội của chúng tôi và đóng góp vào sự hiện đại hóa và cải thiện khả năng chung của chúng tôi trong các hoạt động cứu trợ thiên tai."

Hiệp định ECDA, được ký kết năm 2014, cho phép binh sĩ Mỹ xây dựng các cơ sở để tồn trữ những trang thiết bị dùng cho mục tiêu bảo vệ an ninh biển và cho những hoạt động cứu trợ thiên tai. Thoả thuận này đạt được hơn hai mươi năm sau khi căn cứ thường trực cuối cùng của Mỹ ở quốc gia Đông Nam Á này bị đóng cửa.

Ông Carl Baker, một nhà nghiên cứu của Diễn đàn Thái Bình Dương tại Hawaii, cho biết việc đóng cửa các căn cứ đó phát xuất từ tình cảm bài Mỹ, nhưng tình hình giờ đây đã thay đổi.

"Philippines xem Trung Quốc là một mối đe dọa lớn và họ quyết định tập trung vào hoạt động quốc phòng đối ngoại hơn là đối nội. Và mối quan hệ với Mỹ là điều cần thiết để họ làm điều đó. Hiệp định quốc phòng với Mỹ là quan trọng đối với Philippines vì khả năng quốc phòng của Philippines không đủ để thách thức Trung Quốc. Nó sẽ giúp Philippines xây dựng thêm năng lực hải quân để đối phó với Trung Quốc."

Hãng tin Tân Hoa của nhà nước Trung Quốc cho rằng hiệp định an ninh Mỹ-Phi sẽ làm cho căng thẳng leo thang và gây phương hại cho hoà bình và an ninh khu vực. Họ cảnh báo rằng Manila sẽ nhận lãnh những hậu quả của điều mà họ gọi là “một hành động ngu xuẩn”.

Philippines là một trong nhiều nước Đông Nam Á chống đối những hành vi hung hãn của Trung Quốc trong vùng biển có tranh chấp, trong đó có việc đáp máy bay xuống Đá Chữ Thập, một trong 7 hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở quần đảo Trường Sa. Những chuyến bay đó của Trung Quốc đã bị Philippines chính thức phản đối sau khi gặp phải sự đả kích của Việt Nam và sự chống đối của Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG