Đường dẫn truy cập

Mỹ sẽ không che giấu những khác biệt trong cuộc gặp với lãnh đạo Trung Quốc


Tổng thống Barack Obama (trái) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, ở Le Bourget, ngoại ô Paris, ngày 30/11/2015.
Tổng thống Barack Obama (trái) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, ở Le Bourget, ngoại ô Paris, ngày 30/11/2015.

Theo các quan chức cao cấp của Mỹ, chính quyền của ông Obama sẽ không "che giấu" những khác biệt với Trung Quốc về các vấn đề hàng hải và an ninh của không gian mạng, song sẽ thúc đẩy "các lợi ích chung" trong việc ngăn chặn sự bất ổn trên bán đảo Triều Tiên cũng như thúc đẩy phi hạt nhân hóa.

Tổng thống Obama sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm thứ Năm bên lề Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân.

"Sự can dự của chúng tôi cũng đã cho phép chúng tôi giải quyết các khác biệt một cách rất thẳng thắn và xây dựng. Chúng tôi không che giấu những khác biệt. Chúng tôi không giấu chúng", Giám đốc cấp cao của Tòa Bạch Ốc chuyên trác các vấn đề châu Á Dan Kritenbrink nói.

Trong khi mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên dự kiến sẽ là một trong những vấn đề quan trọng nhất, Mỹ cũng sẽ nêu lên quan ngại về các tranh chấp biển cũng như an ninh mạng trong cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao nói với đài VOA.

Một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc được thông qua hồi đầu tháng này đã áp đặt lệnh trừng phạt mới và cứng rắn đối với Bình Nhưỡng. Biện pháp này đã đưa Trung Quốc vào tâm điểm chú ý vì 90% thương mại của Bắc Triều Tiên đi tới hoặc đi qua Trung Quốc. Mỹ đã khuyến khích Trung Quốc gây ảnh hưởng và áp lực đối với Bắc Triều Tiên buộc họ ngừng khiêu khích hạt nhân.

Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao cho biết đến nay hợp tác giữa Washington và Bắc Kinh trong việc đảm bảo thực thi nghiêm nghị quyết đạt mức "rất, rất tốt".

"Trung Quốc tham gia cùng chúng tôi với sự tập trung rất mạnh mẽ và chuyên sâu vào việc bảo đảm thực thi tốt và chắc chắn nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, mà như các quý vị đã biết, nghị quyết hạn chế mạnh mẽ khả năng của Bắc Triều Tiên tiếp tục tiến hành thương mại qua biên giới nước này, cho dù bằng đường biển, đường không, hay đường bộ", Thứ trưởng Rose Gottemoeller nói tại Trung tâm Báo chí Nước ngoài hôm thứ Tư.

Tuy Mỹ không tuyên bố đòi chủ quyền ở Biển Đông, song lâu nay Washington vẫn có lập trường vững chắc về việc giữ vững các nguyên tắc bao gồm phi quân sự hóa ở các đảo có tranh chấp nóng, và giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế.

Bắc Kinh đã tiến hành một nỗ lực lớn để khẳng định tuyên bố chủ quyền đối với một chuỗi các đảo ở Biển Đông bằng cách các công trình xây cất mới và bồi đắp đảo, bỏ ngoài tai các tuyên bố chủ quyền của Việt Nam, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Brunei.

Gần đây, Trung Quốc đã triển khai một hệ thống radar trên khắp các đảo có tranh chấp, và một hệ thống hỏa tiện địa-đối-không tân tiến trên đảo Phú Lâm, một đảo trong quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền

"Chúng tôi sẽ nói rất rõ ràng về những gì mà chúng tôi tin rằng có hành vi trái với những nguyên tắc, cũng tương tự với việc chúng tôi thể hiện rất rõ ràng về lợi ích của mình trong việc thúc đẩy các nguyên tắc quốc tế như quyền tự do hàng hải", Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc Ben nói Rhodes nói trong một cuộc họp báo về Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân và cuộc gặp giữa hai ông Obama và Tập Cận Bình.

Các tàu hải quân Mỹ đã tiến hành các hoạt động mà các quan chức gọi là hành quân khẳng định "tự do hàng hải" trong vùng biển quốc tế, kể cả đi vào bên trong vùng 12 hải lý của các đảo có tranh chấp ở Biển Đông, việc này đã bị Trung Quốc lên án là một sự khiêu khích.

Cuộc gặp của Tổng thống Obama với Chủ tịch Trung Quốc Tập vào thứ Năm sẽ là cuộc gặp đầu tiên của họ trong năm 2016 tại thủ đô Washington, 6 tháng sau chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập hồi tháng 9 năm ngoái.

VOA Express

XS
SM
MD
LG