Đường dẫn truy cập

Mỹ quan ngại về mối đe dọa phi đạn tầm xa của Bắc Triều Tiên


Truyền hình đưa tin về các vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên tại ga đường sắt ở Seoul, ngày 13/3/2015.
Truyền hình đưa tin về các vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên tại ga đường sắt ở Seoul, ngày 13/3/2015.

Giám đốc Tình báo Quốc gia của Tổng thống Barack Obama gần đây đã nói trước Quốc hội Mỹ rằng Bắc Triều Tiên đã đạt được các tiến bộ hướng tới việc phát triển một phi đạn đạn đạo tầm xa có khả năng bắn tới Hoa Kỳ. Trong khi đó, hiện có các cuộc thảo luận về khả năng triển khai một hệ thống phòng thủ phi đạn của Hoa Kỳ ở Nam Triều Tiên, nhưng theo tường thuật của thông tín viên VOA Brian Padden, đối với các giới chức ở Seoul, hai vấn đề này không có liên quan tới nhau.

Trong bản điều trần gửi tới Quốc hội, ông James Clapper, Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ, tuần trước nói rằng Bắc Triều Tiên đã tiến hành các biện pháp nhằm triển khai một phi đạn đạn đạo xuyên lục địa tầm xa (ICBM), gọi là KN-08, có khả năng bắn tới Hoa Kỳ.

Trong cùng khoảng thời gian đó, ông David Stilwell, phó giám đốc phụ trách vấn đề quân sự và chính trị về châu Á của Ngũ Giác Đài, nói rằng mối đe dọa phi đạn của Bắc Triều Tiên đã đề ra “nhu cầu” phải thiết lập một hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD tại bán đảo Triều Tiên.

Trong khi mối đe dọa ngày càng tăng về phi đạn tầm xa của Bắc Triều Tiên và nhu cầu phòng thủ phi đạn của Nam Triều Tiên đều trùng hợp với các mối quan ngại về an ninh của Hoa Kỳ, đó lại là hai vấn đề riêng rẽ đối với Seoul.

Ông Shin In-Kyun, một nhà phân tích an ninh thuộc Mạng lưới Quốc phòng Triều Tiên, nói rằng các mối quan ngại của Nam Triều Tiên là các phi đạn tầm ngắn chứ không phải ICNM.

Ông Shin nói rằng ICBM không thể tấn công Nam Triều Tiên vì tầm bắn tối đa của loại phi đạn này. Cho nên ông nghĩ rằng lời nhận định của ông Clapper về ICBM chỉ được nêu lên nhằm cảnh báo hoặc thể hiện sự quan ngại trước về khả năng cắt giảm ngân sách quốc phòng, chứ không phải việc triển khai THAAD ở Nam Triều Tiên.

Hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD được trang bị radar có khả năng theo dõi được các vật thể cách xa 1.900 km. Hệ thống này được thiết kế để ngăn chặn các phi đạn đạn đạo ở tầm cao.

Trung Quốc và Nga phản đối việc triển khai hệ thống này tại Triều Tiên vì THAAD có thể được sử dụng để chặn các phi đạn của họ và tăng cường khả năng quân sự của Mỹ trong khu vực.

Cho tới nay, các quan chức ở Seoul đã tránh bày tỏ quan điểm về THAAD. Khi được hỏi về vấn đề này, họ lặp lại câu trả lời “3 không”: Không có đề nghị chính thức từ Washington. Không có các cuộc tham vấn nào đã được tiến hành. Và không có quyết định nào về việc đặt hệ thống THAAD trên Bán đảo Triều Tiên.

Về mối đe dọa phi đạn tầm xa của Bắc Triều Tiên, Bình Nhưỡng chưa tiến hành việc bắn thử phi đạn KN-08, một bước đi được cho là quan trọng đối với việc phát triển và triển khai tên lửa này.

Các nhà phân tích thuộc Viện Triều Tiên – Hoa Kỳ tại Trường nghiên cứu các vấn đề quốc tế John Hopkins nói rằng hình ảnh vệ tinh cho thấy việc thử nghiệm động cơ rocket và việc xây dựng phi đạn tại Trạm phóng vệ tinh Sohae tại Bắc Triều Tiên, và điều đó củng cố nhận định của ông Clapper. Họ nói rằng trường hợp xấu nhất là Bắc Triều Tiên sẽ triển khai một phi đạn ICBM có khả năng hoạt động trong vòng 3 hoặc 5 năm tới, nhưng các biện pháp trừng phạt và các hạn chế về kỹ thuật có thể gây trở ngại cho việc phát triển phi đạn này nhiều năm, thậm chí là nhiều thập kỷ.

Ông Shin In-kyun nói rằng Bắc Triều Tiên phải hoàn thành một só vụ thử nghiệm trước khi nước này có thể tiến tới giai đoạn triển khai ICBM.

Ông Shin nói rằng để được công nhận là một loại vũ khí, một phi đạn cần phải trải qua ít nhất 10 lần phóng thử và thành công khoảng 7 lần trong các lần thử nghiệm đó.

Vì KN-08 chưa được thử nghiệm, ông ước tính sẽ phải mất nhiều năm nữa để Bắc Triều Tiên có thể hoàn hiện một phi đạn ICBM có khả năng hoạt động.

Hiện chưa rõ là Bắc Triều Tiên tiến gần như thế nào tới việc phát triển một đầu hạn hạt nhân thu nhỏ mà có thể được sử dụng trên một phi đạn đạn đạo. Năm ngoái, Đại tướng Curtis Scaparrotti, Chỉ huy của Lực lượng Mỹ ở Triều Tiện, nói rằng ông tin là Bắc Triều Tiên có kinh nghiệm và khả năng phát triển một thiết bị hạt nhân thu nhỏ, và Bộ trưởng Quốc phòng Nam Triều Tiên Han Min-koo cũng nói rằng Bình Nhưỡng đã đạt tiến bộ về công nghệ thu nhỏ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG