Đường dẫn truy cập

Mỹ có thể không cần thực hiện chiến dịch giải cứu người tị nạn Iraq


Người tản cư dân tộc thiểu số Yazidi biểu tình tại biên giới Iraq-Syria, tỉnh Dohuk, ngày 13/8/2014.
Người tản cư dân tộc thiểu số Yazidi biểu tình tại biên giới Iraq-Syria, tỉnh Dohuk, ngày 13/8/2014.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết một toán chuyên viên thẩm định tình hình của quân đội đã xác định là vụ khủng hoảng nhân đạo của hàng vạn người tị nạn ở Iraq ít nghiêm trọng hơn so với lượng định trước đây. Theo tường thuật của thông tín viên Victor Beattie của đài VOA, các giới chức Mỹ cho rằng nhờ có những đợt thả dù hàng cứu trợ và những vụ không kích vào các mục tiêu của phiến quân mà chiến dịch giải cứu người tị nạn có lẽ không cần phải thực hiện.

Phát ngôn viên Ngũ giác đài, Chuẩn Đô đốc John Kirby cho biết một toán nhân viên chưa tới 20 người của quân đội Mỹ, cùng với các giới chức của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), đã thực hiện một cuộc thẩm định về tình hình trên Núi Sinjar hồi sáng thứ tư. Ông Kirby nói rằng toán nhân viên đó không dính líu tới các hoạt động tác chiến và đã an toàn trở về thành phố Irbil.

Sau khi từ Á châu về nước hôm thứ tư, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel cho biết toán nhân viên đó đã xác định là những đợt thả dù phẩm vật cứu trợ của quốc tế, những vụ không kích của Mỹ nhắm vào các mục tiêu của nhóm Nhà nước Hồi giáo ISIL và những nỗ lực của các chiến binh Peshmerga của người Kurd đã giúp cho hàng ngàn người Yazidi mắc kẹt trên núi có thể di tản.

"Không những là số người trên núi ít hơn mà tình trạng của họ cũng tương đối tốt, và những người trên đó nói rằng tình trạng này có được là nhờ những nỗ lực cung cấp thức ăn và nước uống mà chúng tôi đã thực hiện, và nhờ những vụ không kích nhắm vào ISIL mà họ có thêm thời giờ và nơi chốn để di tản."

Ông Hagel nói rằng có lẽ sẽ không cần thực hiện một chiến dịch giải cứu đã được trù hoạch trước đây.

Phát ngôn viên Ngũ giác đài John Kirby cho biết những đợt thả dù lương thực và nước uống sẽ tiếp tục được thực hiện. Bộ Tư lệnh Miền trung của quân đội Mỹ cho biết đợt thả dù thứ 7 đã diễn ra vào tối thứ tư.

Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, ông Ben Rhodes, hôm qua cho biết quân đội Mỹ đã thực hiện 7 vụ không kích nhắm vào các mục tiêu của nhóm Nhà nước Hồi giáo. Nhưng ông nói thêm rằng có lẽ vẫn cần có một giải pháp lâu dài để đưa người tị nạn tới một nơi an toàn.

"Chúng tôi không nghĩ là có thể thả dù hàng cứu trợ cho những người trên núi mãi mãi. Một số người trong số đó đã có thể trốn thoát, nhưng chúng tôi muốn có những cách thức để đưa họ tới một nơi an toàn hơn. Có nhiều cách khác nhau để làm việc này. Chúng tôi sẽ hợp tác với các lực lượng người Kurd, hiện đang hoạt động trong khu vực này, và cát đối tác quốc tế."

Ông Rhodes khẳng định là quân nhân Mỹ sẽ không trở lại Iraq trong vai trò tác chiến.

Ông Ben Connable, cựu sĩ quan tình báo của Thủy quân Lục chiến Mỹ, là một nhà phân tích cấp cao về chính sách quốc tế của tổ chức nghiên cứu Rand Corporation ở Washington. Ông nói rằng chiến dịch giải cứu trong vùng này là một chiến dịch phức tạp.

"Sẽ là một điều không hợp lý nếu chúng ta hành động trước khi suy nghĩ kỹ lưỡng về những hậu quả và những cái giá phải trả. Đến đón những người đó rồi đưa họ tới những vùng an toàn của người Kurd có vẻ là một việc hợp lý và an toàn, nhưng việc đó cũng sẽ đòi hỏi rất nhiều hoạt động tại các khu vực của người Kurd, việc đó là cho người Yazidi bị thất tán ở mức độ đáng kể, và nó cũng có thể có một số những hậu quả về mặt chính trị."

Những vụ tấn công của phiến quân Sunni từ tháng 6 đã gây thất tán cho hàng vạn người Cơ đốc giáo và người Yazidi, thuộc những nhóm thiểu số ở Iraq, trong khi nhóm Nhà nước Hồi giáo nới rộng quốc gia Hồi giáo mà họ tự tuyên bố thành lập trên những phần đất của Iraq và Syria.

Trong lúc có tin cho biết Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki không chịu chuyển giao quyền hạn cho ông Haider al-Abadi, người được chỉ định vào chức thủ tướng, ông Ben Rhodes của Tòa Bạch Ốc nói rằng tất cả các nhà lãnh đạo Iraq nên tôn trọng tiến trình chuyển tiếp chính trị trong hòa bình.

"Đã có một vị tổng thống mới, có một vị chủ tịch mới của quốc hội và một liên minh của người Hồi giáo Shia thuộc nhiều khối chính trị đã đề cử Tiến sĩ Abadi làm ứng viên cho chức vụ thủ tướng, và giờ đây tổng thống đã yêu cầu ông ấy thành lập chính phủ. Vì vậy, theo quan điểm của chúng tôi, ông ấy rõ ràng là người được chỉ định giữ chức thủ tướng ở Iraq. Tiến trình này cần được thực hiện để ông ấy thành lập một chính phủ và đệ nạp danh sách thành phần nội các cho Quốc hội, nhưng đây là một tiến trình mà mọi người Iraq cần phải tôn trọng, và thật tình mà nói, bất kỳ mưu toan nào nhằm phá hoại tiến trình đó, những mưu toan sử dụng bạo lực thay vì làm việc một cách hòa bình thông qua tiến trình chính trị sẽ bị bác bỏ không những bởi Hoa Kỳ, mà còn bởi chính người Iraq và cộng đồng quốc tế."

Ông Rhodes cho biết có một cơ hội vô cùng to lớn với một vị thủ tướng mới để thành lập một chính phủ đoàn kết mà mọi phe phái ở Iraq có thể ủng hộ và chính phủ đó sẽ tập trung nỗ lực vào việc chiến đấu chống lại mối đe dọa của nhóm Nhà nước Hồi giáo.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG