Đường dẫn truy cập

Quan ngại sức khỏe Trần Thị Thúy và Đinh Nguyên Kha


Bà Nguyễn Thị Kim Liên, con trai út Đinh Nguyên Kha (bên trái) và con trai lớn Đinh Nhật Uy.
Bà Nguyễn Thị Kim Liên, con trai út Đinh Nguyên Kha (bên trái) và con trai lớn Đinh Nhật Uy.

Ngày 22/2, tổ chức Ân xá Quốc tế ra thông cáo cho rằng ở Việt Nam liên tục xảy ra việc hạn chế quyền tự do ngôn luận và tổ chức hội họp hòa bình, "Các tù nhân lương tâm bị tra tấn, bị ngược đãi, và bị xét xử không công bằng."

Trước đó, tổ chức Ân Xá Quốc Tế kêu gọi tăng áp lực đòi chính quyền Việt Nam nhanh chóng chữa bệnh cho tù nhân lương tâm Trần Thị Thúy và Đinh Nguyên Kha.

Hôm 20 tháng 2, Tổ chức Ân Xá Quốc Tế ra thông cáo kêu gọi hành động khẩn cấp đối với trường hợp tù nhân lương tâm Đinh Nguyên Kha đang bị ngược đãi ở trại giam Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Bà Nguyễn Thị Kim Liên, mẹ của thanh niên đang chịu án 4 năm tù với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 bộ luật hình sự, nói với VOA rằng con trai của bà cần được khám chữa và điều trị thích hợp. Ngay cả khi việc anh Kha yêu cầu trại giam trả kết quả xét nghiệm cũng bị từ chối:

“Như đã nói với Tổ chức Ân Xá Quốc tế, cháu Kha không được đưa đi khám sức khỏe ở bệnh viện, mà họ chỉ đưa cháu đi khám ở trạm y tế của trại tù. Tôi có đưa hình ảnh trại tù Xuyên Mộc trị bệnh cho tù nhân lương tâm nó tệ hại như thế nào. Họ xét nghiệm HIV, họ nói con không bị HIV nhưng con đòi giấy xét nghiệm đó thì họ không đưa.”

Theo bà Liên, cách đây ba tháng, Kha được giải phẫu bỏ khối u lành có kích thước bằng trái chanh trong dạ dày. Tuy nhiên, dù anh Kha và gia đình nhiều lần yêu cầu được đưa đi trị bệnh, quản lý trại giam vẫn từ chối không cho anh được điều trị hậu phẫu.

Khi đến thăm Kha và ngày mùng 6 Tết, bà Liên được Kha nhắn lại như sau:

“Lúc tranh đấu cho anh Đặng Xuân Diệu, con bị cùm chân, ghẻ lở không!. Con rất là sợ. Con muốn lên tiếng để nói với các tổ chức nước ngoài biết vì nhiều người bị như vậy nhưng không dám lên tiếng. Con muốn mẹ lên tiếng cho con và cho những người khác, là trại giam phải đưa 20 tù nhân lương tâm ở trại giam Xuyên Mộc đi xét nghiệm và khám bệnh tổng quát tại bệnh viện.”

Tổ chức Ân Xá Quốc Tế cho rằng việc khước từ điều trị có thể được xem là tra tấn hoặc một hình thức đối xử tàn ác, vô nhân đạo nhằm trừng phạt tù nhân.

Anh Đinh Nguyên Kha bị bắt giữ hồi tháng 10 năm 2012 vì phát truyền đơn chỉ trích phản ứng của nhà Việt Nam trước những hành động bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Anh Kha bị truy tố tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 bộ luật hình sự, và bị tòa án tỉnh Long An tuyên 8 năm tù giam kèm theo ba năm quản chế. Cũng trong vụ án này, một người bạn của Kha là cô Nguyễn Phương Uyên cũng tuyên phạt 6 năm tù giam. Sau đó trong phiên sơ thẩm, Kha bị tuyên án 4 năm tù còn Uyên bị tuyên án 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo và 52 tháng thử thách.

Tương tự như trường hợp của Đinh Nguyên Kha, tổ chức Ân xá Quốc tế hôm 17/2 ra thông báo kêu gọi Việt Nam cung cấp dịch vụ y tế khẩn cấp cho bà Trần Thị Thúy, một Phật tử Hòa Hảo tại tỉnh Đồng Tháp đang bị giam ở trại An Phước, tỉnh Bình Dương.

Gia đình bà cho tổ chức Ân Xá Quốc tế biết bệnh của bà ngày càng trầm trọng, khối bướu trong tử cung tiếp tục lớn ra, và vì quá đau cho nên bà không thể tự mình đi đứng được. Bà Thúy còn bị nổi mụt nhọt khắp người, phình to ra chảy máu và mủ. Mặc dầu có nguy cơ bị nhiễm trùng vì bà ngủ dưới sàn phòng giam, quản lý trại giam không cung cấp đủ vật dụng y tế thiết yếu cho bà, kể cả không cho phép nhận các băng thuốc dán mà gia đình mang đến.

Gia đình bà đã liên tục yêu cầu nhà phía trại giam cho phép gia đình chi trả tiền điều trị bệnh cho bà Thúy, nhưng phía trại giam vẫn từ chối. Theo lời gia đình, bà Thúy nói là bà không biết sống chết ra sao nếu không được chữa trị đàng hoàng trong khi điều kiện nhà tù thì lắm khắc nghiệt.

Bà Thúy bị kết án 8 năm tù với tội danh “lật đổ chính quyền” theo Điều 79 Bộ Luật Hình Sự. Bà Thúy bị bắt giữ hồi tháng 8, 2010 cùng với 6 người khác.

Theo cáo trạng, bà Thúy và 6 nhà hoạt động khác bị xét xử vì cáo buộc tham gia các hoạt động có liên quan với Việt Tân, một tổ chức có trụ sở ở hải ngoại tranh đấu ôn hòa cho dân chủ tại Việt Nam. Bà đã bác bỏ những cáo buộc này.

Vào tháng 9, 2011, Ủy ban Điều tra về Bắt giữ Tùy tiện của LHQ đưa ra phán quyết số 46/2011 khẳng định việc bắt giữ bà Trần Thị Thúy và 6 nhà hoạt động khác là tùy tiện và yêu cầu trả tự do cho họ.

Tổ chức Ân Xá Quốc Tế kêu gọi mọi người trên thế giới tiếp tay áp lực đòi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho bà Trần Thị Thúy và anh Đinh Nguyên Kha ngay lập tức và vô điều kiện. Vì họ là những tù nhân lương tâm, bị giam giữ chỉ vì đã sử dụng quyền tự do diễn đạt của mình.

Ân Xá Quốc Tế cũng kêu gọi mọi người trên thế giới lên tiếng áp lực nhà cầm quyền CSVN nhanh chóng cung cấp cho họ sự chăm sóc y khoa thích hợp, bao gồm việc đưa họ vào bệnh viện để điều trị nếu cần.

Chính quyền Việt Nam thường xuyên cho rằng “các thông tin mà Tổ chức Ân xá quốc tế đưa ra là sai sự thật. Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người phù hợp với Hiến pháp Việt Nam và các chuẩn mực quốc tế.”

Việt Nam cho rằng “là thành viên của 7 Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người, trong đó có Công ước chống tra tấn, Việt Nam luôn thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, cam kết, nghĩa vụ của quốc gia thành viên.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG