Đường dẫn truy cập

Một kiểu cách mạng mới


Một kiểu cách mạng mới
Một kiểu cách mạng mới

Cuộc cách mạng lật đổ Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali ở Tunisia và Tổng thống Hosni Mubarak ở Ai Cập trong mấy ngày đầu tháng 2 khiến cả thế giới sửng sốt. Sửng sốt, trước hết, vì sự bất ngờ; sau đó, vì tốc độ nhanh chóng ngoài sức tưởng tượng; và cuối cùng, vì những đặc điểm mới mẻ và có phần lạ lùng của chúng.

Báo chí Mỹ tiết lộ là từ tháng 8 năm ngoái, Tổng thống Barack Obama đã ra lệnh cho các cố vấn an ninh soạn thảo một bản báo cáo mật về khả năng nổi dậy của dân chúng ở các quốc gia thuộc khối Ả Rập. Điều này có nghĩa là lúc ấy, ông và các quan chức cao cấp trong Tòa Bạch ốc đã nhận thức được sự bất mãn của dân chúng đã lên cao, có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Vậy mà, khi các cuộc biểu tình tại Ai Cập nổ ra, giới tình báo Mỹ vẫn không hề biết trước, và chính phủ Mỹ vẫn thấy ngỡ ngàng và lúng túng, khiến nhiều người, nhất là những người trong đảng Cộng Hòa, cho là Tổng thống thiếu hẳn thông tin và cũng thiếu cả những dự đoán cần thiết để có thể đưa ra những quyết định nhanh nhạy và phù hợp với các diễn biến mới. Riêng chính phủ Pháp, dù có quan hệ lâu đời và mật thiết với Tunisia, cũng thấy bất ngờ trước các chuyển biến ở quốc gia cựu thuộc địa ấy.

Không những bất ngờ, các cuộc xuống đường của dân chúng tại Tunisia và Ai Cập còn diễn ra với một tốc độ rất đáng kinh ngạc. Nhanh. Cực nhanh. Từ lúc khởi sự cho đến lúc kết thúc, cuộc cách mạng ở cả Tunisia lẫn Ai Cập chỉ mất có mấy tuần.

Nhưng điều khiến nhiều người, nhất là giới chính trị gia và trí thức sửng sốt nhất chính là những đặc điểm của các cuộc cách mạng mới vào đầu năm 2011 này.

Trước, trong thế kỷ 20 vừa qua, có vô số cuộc cách mạng ở khắp nơi trên thế giới. Có thế nói thế kỷ 20 là thế kỷ cách mạng, từ cách mạng cộng sản đến các cuộc cách mạng giành độc lập của các quốc gia thuộc địa của phương Tây. Riêng tại Việt Nam đảng Cộng sản thường tự hào là họ tiến hành đến cả ba cuộc cách mạng, có khi cùng lúc: cách mạng giải phóng dân tộc, cách mạng thống nhất đất nước và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đó là chưa kể các cuộc cách mạng gọi là cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học kỹ thuật và cách mạng văn hóa, v.v...

Tất cả các cuộc cách mạng trong thế kỷ 20 đều có một số đặc điểm giống nhau: một, gắn liền với một đảng chính trị; hai, đảng ấy gắn liền với một ý thức hệ nhất định; và ba, đảng ấy có một tổ chức chặt chẽ, được rèn luyện và đã gặp nhiều thử thách, hơn nữa, còn đặt dưới sự lãnh đạo của một cá nhân dược xem là có tài kiệt xuất.

Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nửa đầu thế kỷ 20 như thế. Các cuộc cách mạng phản- xã hội chủ nghĩa vào hai thập niên cuối của thế kỷ 20 cũng như thế. Cũng gắn liền với các tổ chức chống cộng và tranh đấu cho tự do dân chủ. Cũng được đặt trên nền tảng một ý thức hệ phi-vô sản nào đó. Cũng có những gương mặt lãnh tụ sáng chói từng vào tù ra khám và được đông đảo dân chúng cũng như thế giới ủng hộ. Nếu trước đây, trong các cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, có những gương mặt đầy hào quang như Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Fidel Castro, Tito, v.v... thì gần đây, trong các cuộc cách mạng giải-vô sản hóa, tức cách mạng đánh dấu sự cáo chung của chế độ xã hội chủ nghĩa, cũng nổi bật lên những tên tuổi lớn, có sức quyến rũ đặc biệt đối với quần chúng, chẳng hạn, trường hợp của Vaclav Havel, người sau này lên làm Tổng thống của Czechoslovakia; hay trường hợp của Lech Walesa, người đồng sáng lập phong trào Đoàn Kết, giải Nobel hòa bình năm 1983, sau trở thành Tổng thống đầu tiên của Ba Lan thời hậu-cộng sản.

So với các cuộc cách mạng trong quá khứ, các cuộc cách mạng gần đây ở Tunisia cũng như ở Ai Cập và nhiều cuộc cách mạng khác đang manh nha ở một số quốc gia Ả Rập như Yemen, Bahrain, Libya và Iran có những đặc điểm khác hẳn.

Nét khác biệt đầu tiên là: chúng thực sự là cuộc cách mạng của quần chúng. Xưa nay, nói đến cách mạng, bao giờ người ta cũng nhấn mạnh đến yếu tố quần chúng. Nhưng trong hầu hết mọi trường hợp, quần chúng bị/được kích động, xúi giục, dẫn dắt, điều khiển, quay cuồng phía trước hoặc phía sau một tổ chức, thường là một đảng chính trị nào đó, vốn đóng vai trò đầu não, lãnh đạo. Còn các cuộc cách mạng vừa diễn ra ở Tunisia và Ai Cập? Trước và sau quần chúng, không có tổ chức chính trị nào cả. Một số người đóng vai trò cổ động chỉ giữ chức năng điều hợp, vậy thôi. Chứ không phải là những nhà lãnh đạo. Đó là những cuộc nổi dậy của dân chúng, hoàn toàn có tính chất tự phát. Mở đầu cuộc cách mạng ở Tunisia không phải là một buổi ra mắt chính trị với những tuyên ngôn, tuyên cáo, thề nguyền, quyết tâm thư ồn ào. Mà chỉ là cái chết của một thanh niên 27 tuổi nghèo khó tên Mohamed Bouazizi. Bán hàng ngoài đường, bị cảnh sát sách nhiễu và nhục mạ, anh tự thiêu để phản đối vào ngày 17 tháng 12 năm 2011. Chính ngọn lửa thiêu cháy anh cũng sẽ thiêu cháy cả chế độ độc tài của Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali, khiến nhà độc tài này phải từ bỏ quyền hành từng nắm giữ trong cả 23 năm và chạy trốn vào ngày 14 tháng 1, đúng 10 ngày sau khi Mohamed Bouazizi chết vì các vết bỏng quá nặng.

Nét khác biệt thứ hai là: cuộc nổi dậy tự phát của quần chúng, các cuộc cách mạng ở Tunisia và Ai Cập không gắn liền với một ý thức hệ với những cương lĩnh hay guồng máy tổ chức nào cả. Chúng chủ yếu chỉ gắn liền với những mạng truyền thông xã hội, từ facebook đến twitter, điện thoại di động, v.v... Trước hết là facebook. Với nhiều nhà nghiên cứu chính trị, dấu mốc xa xôi khởi đầu cuộc cách mạng ở Ai Cập vừa qua là việc một phụ nữ trẻ mở trang facebook để ủng hộ cuộc đình công của các thợ dệt vào tháng 4 năm 2008. Người phụ nữ ấy bị bắt và chỉ được thả ra sau đó trước áp lực của dư luận quốc tế. Chính việc làm ấy đã giúp người dân Ai Cập, đặc biệt giới trẻ, nhận thức được sức mạnh của kỹ thuật truyền thông hiện đại. Và họ đã sử dụng facebook như một thứ vũ khí hữu hiệu trong việc tập hợp lực lượng trong cuộc nổi dậy vừa qua. Đóng vai trò có khi còn quan trọng hơn facebook là điện thoại di động. Theo các bình luận gia trên thế giới, chính cái máy chụp hình gắn trong các chiếc điện thoại di động được sáng chế từ đầu thập niên 1990 đã trở thành một vũ khí chống độc tài quan trọng. Nó cho phép mọi người, bất cứ là ai, cũng có thể chụp được những bức ảnh ấn tượng nhất rồi đăng tải trên các mạng xã hội như facebook hoặc twitter, hoặc gửi cho bạn bè hoặc giới truyền thông, từ đó, lan rộng khắp thế giới. Trong cuộc biểu tình tại Iran vào tháng 6, 2009, bức ảnh về cái chết của Neda làm chấn động thế giới đã được chụp và truyền bá rộng rãi bằng cách ấy. Trong hai cuộc nổi dậy tại Tunisia và Ai Cập vừa rồi, cũng chính những bức ảnh tương tự đã là những mồi lửa làm thiêu rụi nền chuyên chế kéo dài cả mấy chục năm một cách nhanh chóng ngoài sức tưởng tượng của mọi người.

Cuối cùng, là một cuộc nổi dậy tự phát của quần chúng chung quanh các phương tiện truyền thông hiện đại, các cuộc cách mạng mới mẻ mở đầu thập niên thứ hai của thế kỷ 21 này không hề có lãnh tụ! Hình ảnh nổi bật nhất trong cuộc nổi dậy ở Tunisia là hình ảnh anh thanh niên tự thiêu Mohamed Bouazizi 27 tuổi; còn ở Ai Cập là anh thanh niên tên Wael Ghonim, 30 tuổi, giám đốc điều hành về tiếp thị của công ty Google ở Dubai.

Những đặc điểm vừa kể - theo nhiều nhà nghiên cứu - sẽ là những đặc điểm chung của các cuộc cách mạng thế kỷ 21. Theo tôi, chúng cũng giúp giải đáp nhiều thắc mắc từng dày vò những người Việt Nam hay ưu tư đến tự do, dân chủ và tiền đồ của đất nước lâu nay liên quan đến một số vấn đề "cổ điển" như lãnh tụ và tổ chức.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG