Đường dẫn truy cập

Mời quân đội Miến Điện quan sát tập trận là một bước mới giao tiếp với nước này


Đại diện quân đội Miến Điện tham dự một phiên họp thường kỳ của quốc hội ở Naypyitaw, Miến Điện, 18/10/2012
Đại diện quân đội Miến Điện tham dự một phiên họp thường kỳ của quốc hội ở Naypyitaw, Miến Điện, 18/10/2012
Miến Điện có thể được mời quan sát lần đầu tiên cuộc tập trận đa phương lớn nhất ở vùng châu Á-Thái Bình Dương. Thông tín viên Danielle Berstein tường trình từ Bangkok là lời mời này nằm trong khuôn khổ đáp ứng của quốc tế đối với những cải cách chính trị của chính phủ Miến Điện.

Ngũ Giác Đài nói ủng hộ kế hoạch của Thái Lan mời Miến Điện quan sát cuộc tập trận chung Hổ Mang Vàng lần đầu tiên. Trên 10.000 binh sĩ thuộc Hoa Kỳ và một vài quốc gia Đông Nam Á tham dự cuộc tập trận mỗi năm tại Thái Lan, cuộc tập trận đa phương lớn nhất trong vùng.

Ông John Blaxland là một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng thuộc Trường đại học Quốc gia Australia. Ông nói giao dịch về mặt quân sự là trọng yếu để tiến đến một quốc gia dân chủ, định hướng thị trường tại Miến Điện, vì quân đội là một định chế nòng cốt trong nước. Ông nói lời mời được xem như là một sự khen ngợi đối với quân đội, từ lâu cô lập đối với các nước láng giềng, và tham dự vào những cuộc tập trận này, ngay cả chỉ với tư cách quan sát viên, cũng quan trọng cho việc ổn định trong vùng.

Ông Blaxland nói: “Nhà cầm quyền tại Miến Điện rõ ràng muốn đa dạng hóa mối quan hệ an ninh chiến lược. Họ đã có một mối quan hệ rất chặt chẽ với Trung Quốc trong những năm gần đây, Ấn Độ đã đưa ra lời đề nghị là Miến Điện nằm trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á ASEAN nên việc mở ra cơ hội tham dự Hổ Mang Vàng là một bước rất quan trọng. Do đó việc Miến Điện có tư cách quan sát viên không những là một bước tiến khổng lồ nhưng cũng là một bước rất tích cực đối với Miến Điện để thoát ra ngoài vỏ bọc cô lập.”

Hoa Kỳ mới đây đã gỡ bỏ những trừng phạt kinh tế và có những bước khác để giao tiếp với Miến Điện, bao gồm việc thăm viếng trong tuần này của các phái đoàn quân sự và nhân quyền.

Hoa Kỳ và Miến Điện đã có những liên hệ quân sự trong những năm 1980 và gồm có trao đổi huấn luyện và mua bán vũ khí và trang bị. Tuy nhiên sau khi chính phủ quân sự đàn áp phong trào dân chủ do sinh viên lãnh đạo trong năm 1988, hầu hết những giao tiếp quân sự giữa hai quốc gia tập trung vào những biện pháp chống ma túy hay thu hồi những hài cốt của các quân nhân tử trận trong Thế chiến Thứ hai.

Ông Tin Maung Maung Than, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, nhìn việc giao tiếp quân sự như là một sự nới rộng giao tiếp dân sự, và một nỗ lực để cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc.

“Hoa Kỳ luôn luôn có những giao tiếp quân sự tại Đông Nam Á với giả định là việc này cũng nằm trong tiến trình dân chủ hóa, vấn đề nhân quyền. Quân đội có thể là một trong những bên đẩy mạnh hay cản trở tiến trình cải cách. Về phía Miến Điện là tiếp tục mở ngỏ cho các giải pháp, giao tiếp với mọi bên trong cộng đồng quốc tế, với điều kiện là không làm mất lòng Trung Quốc.”

Tuy nhiên những tổ chức nhân quyền quốc tế dè dặt đối với việc giao tiếp với quân đội quá sớm. Ông Mathew Smith, một nhà nghiên cứu về Miến Điện của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch, nói quân đội tiếp tục vi phạm nhân quyền, đặc biệt tại những khu vực biên giới nơi những dân quân sắc tộc đang hoạt động. Ông nói thật ngây thơ nếu tin là quân đội có thể trở nên chuyên nghiệp hóa qua những giao tiếp này.

Ông Smith nói: “Một trong những lãnh vực chính yếu cần phải chú trọng đến là qui trách nhiệm đối với những vi phạm nhân quyền đã xảy ra và gia tăng những cuộc giao tiếp giữa quân đội Miến Điện và bất cứ những đội quân nào khác không nhất thiết làm thay đổi việc này. Nếu chúng ta thấy có một số hoạt động về việc qui trách nhiệm cho những vi phạm nhân quyền được ghi nhận đầy đủ, điều này sẽ là một chỉ dấu có những thay đổi tích cực và cải cách tích cực bên trong quân đội nhưng chúng ta chưa thấy việc này xảy ra.”

Chính phủ Miến Điện, trong hai thập niên được xem như một trong những chính phủ áp chế nhất trên thế giới, đã bắt đầu một loạt các cải cách chính trị cách đây hai năm, gồm cả cho phép bà Aung San Suu Kyi, một khuôn mặt đối lập hàng đầu, được bầu vào Quốc hội. Những thay đổi khác bao gồm việc trả tự do cho một số tù nhân chính trị và dần dần mở cửa nền kinh tế cho đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên Quốc hội do quân đội chế ngự và vẫn là một lực lượng đáng kể trong nước. Quân đội cũng tiếp tục chiến đấu với một số phiến quân sắc tộc thiểu số trong nước.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG