Đường dẫn truy cập

Fortify Rights: Miến Điện có thể đang phạm 'tội ác chống nhân loại'


Nạn kỳ thị và bạo động khiến hàng vạn người thiểu số Rohingya phải rời khỏi Miến Điện trong những năm gần đây.
Nạn kỳ thị và bạo động khiến hàng vạn người thiểu số Rohingya phải rời khỏi Miến Điện trong những năm gần đây.
Một tổ chức nhân quyền cho rằng giới hữu trách Miến Điện đang phạm tội ác chống nhân loại qua việc thực thi những chính sách kỳ thị người Rohingya theo đạo Hồi. Nạn kỳ thị và bạo động đã khiến cho hàng vạn người thuộc sắc dân thiểu số này phải rời khỏi Miến Điện trong vài năm gần đây. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết qua bài tường thuật của thông tín viên William Gallo của đài VOA.

Tổ chức nhân quyền Fortify Rights cho biết một loạt các văn kiện của chính phủ bị rò rỉ hồi gần đây cho thấy những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng chống lại người Rohingya đã xảy ra tại tiểu bang Rakhine ở miền bắc, trong đó có những hạn chế đối với các quyền tự do đi lại, hôn nhân và sinh sản.

Ông Matthew Smith, giám đốc tổ chức Fortify Rights, cho đài VOA biết rằng những văn kiện bị rò rỉ và một cuộc duyệt xét các hồ sơ của chính quyền cho thấy chính phủ đóng một vai trò chủ động trong việc lập kế hoạch và thực thi những chính sách kỳ thị.

"Trên cơ bản thì những điều mà chúng tôi muốn nói là chúng tôi có đủ bằng chứng để tố cáo nhà nước và chính quyền trung ương can tội bách hại. Họ đã phạm tội ác chống nhân loại. Người Rohingya bị bách hại chỉ vì họ là người Rohingya. Chúng tôi đã lập hồ sơ để chứng tỏ những vụ vi phạm này xảy ra trên diện rộng và có hệ thống, và chúng tôi cũng chứng tỏ một mức độ kiến thức mà Tòa án Hình sự Quốc tế đòi hỏi về những yếu tố cấu thành tội ác chống nhân loại."

Chính phủ Miến Điện chưa bình luận về những tố cáo mới nhất này. Những cáo giác về sự đối xử sai trái đối với người Rohingya không phải là mới. Liên hiệp quốc cho biết người Rohingya nằm trong số những sắc dân thiểu số bị đàn áp nhiều nhất trên thế giới. Hầu hết những người này không được cấp quốc tịch Miến Điện, tuy họ đã sinh sống ở đó từ nhiều đời. Đa số người Miến Điện xem người Rohingya là những di dân bất hợp pháp người Bangladesh.

Tổ chức Fortify Rights nói rằng những chính sách này “rõ ràng là được thiết kế để làm cho người Rohingya không thể sống nổi và phải rời khỏi Miến Điện.” Trong bản phúc trình công bố ngày hôm nay, tổ chức này mô tả những sự hạn chế trong sinh hoạt hàng ngày của người Rohingya.

Fortify Rights nói rằng họ có được một mệnh lệnh của chính quyền khu vực dùng làm cơ sở cho chính sách mà trên thực tế là không cho các cặp vợ chồng người Rohingya ở các thị trấn Maungdaw và Buthidaung được sinh hơn hai đứa con. Chính sách này phản ánh mối quan tâm của những người theo đạo Phật ở Miến Điện là lối sống của họ bị đe dọa bởi sinh suất quá cao và những lý tưởng tôn giáo “nguy hiểm” của người Rohingya.

Ông Matthew Smith nói rằng những mối lo ngại đó “hoàn toàn vô lý”. Ông nói thêm rằng những sự lo ngại này đã lan tràn một phần vì những tuyên bố của các giới chức cấp cao trong chính quyền.

"Trong những văn kiện mà chúng tôi phát giác, chúng tôi nhận thấy những quan điểm đó được chia sẻ với các giới chức chính phủ cấp cao từ thập niên 1990. Họ nói tới sự bùng nổ dân số của người Hồi giáo mà họ cần phải kiểm soát. Họ đưa ra những cáo giác đó mà không có chứng cớ thực nghiệm nào cả."

Nhiều người Hồi giáo đã bắt đầu chạy khỏi Miến Điện, đặc biệt là sau vụ bạo động giữa người Phật giáo và người Hồi giáo ở Rakhnie năm 2012 gây tử vong cho 250 người.

Quyền tự do đi lại ở trong nước của người Rohingya cũng bị hạn chế một cách nghiêm ngặt. Fortify Rights cho biết người Rohingya ở Rakhine không được đi từ quận này sang quận khác mà không có phép của chính quyền và rất ít khi được phép du hành ra khỏi tiểu bang. Những ai vi phạm có thể bị phạt vạ hoặc ngồi tù nhiều năm.

Trước đây chính phủ Miến Điện nói rằng chính sách đối với người Rohingya mà họ gọi là người “Bengal” phù hợp với luật pháp của Miến Điện.

Nhưng ông Smith nói rằng chính sách đó vi phạm luật pháp quốc tế và cộng đồng quốc tế nên ủng hộ cho việc tiến hành một cuộc điều tra độc lập về những sự vi phạm này.

"Cần phải gây áp lực để buộc giới hữu trách chấm dứt những vụ vi phạm này đối với khối dân người Rohingya. Nếu cộng đồng quốc tế tiếp tục có thái độ mềm mỏng đối với giới hữu trách Miến Điện thì những sự ngược đãi này sẽ tiếp tục."

Ông Smith nói rằng hiện giờ nỗ lực quốc tế để giải quyết vấn đề này vẫn còn quá ít.

Các chính phủ Tây phương, kể cả Hoa Kỳ, đã bắt đầu nới lỏng những biện pháp chế tài và chủ động giao tiếp trở lại với các nhà lãnh đạo Miến Điện từ năm 2011, khi quân đội trao quyền cho một chính phủ mà trên danh nghĩa là một chính phủ dân sự.

Từ đó tới nay, tân chính phủ đã thực hiện một loạt các biện pháp cải cách chính trị và kinh tế, nhưng nhiều người nói rằng việc này chưa mang lại lợi ích nào cho các sắc dân thiểu số ở Miến Điện.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG