Đường dẫn truy cập

Liên hội Sinh viên Việt Nam Mid-Atlantic


Các bạn sinh viên tại 1 buổi gây quỹ từ thiện của Liên hội Sinh viên Việt Nam Mid-Atlantic
Các bạn sinh viên tại 1 buổi gây quỹ từ thiện của Liên hội Sinh viên Việt Nam Mid-Atlantic

Trong dịp mừng Tết Trung Thu năm 2011 tổ chức tại Trung tâm Thương mại Eden ngày thứ Bảy 17 tháng 9 vừa qua, các tình nguyện viên Liên hội Sinh viên Việt Nam Mid-Atlantic đã tổ chức các trò chơi để giúp vui cho các em thiếu nhi thuộc Washington D.C và vùng phụ cận. Trong chuyên mục Sinh hoạt Cộng đồng tuần này, Hà Vũ mời quý vị theo dõi một số hoạt động của Liên hội Sinh viên Việt Nam Mid-Atlantic từ khi được thành lập cho đến nay.

Vào năm 2006, Liên hội Sinh viên Việt Nam Bắc Mỹ (uNAVSA) tiếp xúc với các sinh viên trường đại học Virginia Commonwealth University (VCU) để thành lập một Liên hội Sinh Viên Việt Nam vùng Mid Atlantic gồm các bang Delaware, Maryland, New Jersey, New York, Pensylvania, Washington D.C, Virginia và West Virginia. Đến ngày 14 tháng 10 năm 2006, 7 trường đại học chính trong vùng Washington D.C, Virginia và Maryland: George Mason, George Washington, James Madison, trường đại học Maryland-College Park, trường đại học Virginia, trường đại học Virginia Commonwealth, Viện Bách Khoa và Đại học bang Virginia mở một hội nghị thượng đỉnh. Đại diện của Liên hội Sinh viên Việt Nam Bắc Mỹ gồm chủ tịch Tôn Thất Hải, Phó chủ tịch Ngoại vụ Nguyễn Thành Minh và thủ quỹ Aileen Phạm đã đến tham dự hội nghị và trình bày một số vấn đề như lãnh đạo chỉ huy, xây dựng liên minh, quản trị dự án và một số vấn đề khác nữa. Sau hội nghị thượng đỉnh này, đại diện 7 trường đại học đã nhiều lần gặp nhau và soạn thảo hiến chương của Liên hội Sinh viên Việt Nam Mid-Atlantic. Kết quả vào ngày 21 tháng 7 năm 2007, 7 trường đại học trong vùng Washington D.C đã phê chuẩn hiến chương và Liên hội Sinh viên Việt Nam Mid-Atlantic được chính thức thành lập.

Anh Dương Tuấn, hiện là Phó chủ tịch Ngoại vụ của Liên hội Sinh viên Việt Nam Mid-Atlantic cho biết anh học hỏi được nhiều điều khi gia nhập liên hội.

Anh Tuấn nói việc gia nhập Liên hội Sinh viên Việt Nam Mid-Atlantic giúp anh hiểu được thêm nhiều về văn hóa Việt Nam, giúp anh năng động hơn trong việc thúc đẩy người khác hiểu được nguồn gốc và truyền thống. Những hoạt động trong hội cũng giúp anh biết rõ cha mẹ anh từ đâu đến, những khó khăn khổ nhọc cha mẹ anh phải trải qua sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt và nuôi dạy anh và các em cho đến ngày hôm nay. Liên hội cũng giúp anh thấy được tầm quan trọng trong việc giúp đỡ cộng đồng cũng như giúp những người kém may mắn tại Việt Nam.

Mỗi tháng các bạn họp 1 lần để thảo luận về các biến cố quan trọng, những chuyện đang xảy ra tại Việt Nam
Mỗi tháng các bạn họp 1 lần để thảo luận về các biến cố quan trọng, những chuyện đang xảy ra tại Việt Nam
Anh Nguyễn Tín, thủ quỹ của Liên hội cho biết hàng tháng các anh chị em sinh viên trong liên hội họp mặt một lần tại một trường đại học thành viên của liên hội để thảo luận các vấn đề anh chị em sinh viên quan tâm:

“Mỗi tháng tụi em họp một lần để thảo luận về các biến cố quan trọng, thảo luận về những chuyện đang xảy ra tại Việt Nam. Thêm nữa tụi em thảo luận về việc tham dự và hỗ trợ những chương trình do các trường đại học tổ chức.”

Tuy nhiên hoạt động nổi bật nhất hàng năm của liên hội được nhiều người biết đến vẫn là những buổi gây quỹ giúp các hội từ thiện. Do sáng kiến của Liên hội Sinh viên Việt Nam Bắc Mỹ (uNAVSA) một Dự án Từ thiện Tập thể (Collective Philanthropy Project - viết tắt là CPP) được thành lập. Mỗi năm uNAVSA chọn một hội từ thiện để giúp đỡ và các thành viên của uNAVSA tổ chức gây quỹ để giúp cho hội từ thiện đã được chọn.

Trong năm 2007, năm đầu tiên sau khi thành lập, bằng các hoạt động gây quỹ trong năm, liên hội đã tặng 7.000 đô la cho Calyst Foundation, một tổ chức từ thiện do bà Caroline Nguyễn Ticarro-Parker sáng lập vào năm 1999 chú trọng vào việc giúp đỡ các trẻ em vô gia cư và nghèo khổ tại Việt Nam.

Vào năm 2008, Liên hội cũng đã gây quỹ được 7.700 đô la để giúp cho hội VOICE, một tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý và xã hội cho người tị nạn Việt Nam tại nước ngoài.

Trong năm 2009, Liên hội cũng đã tặng 5.500 đô la cho hội VietHope, một tổ chức chuyên xây trường học và cấp học bổng cho học sinh tại Việt Nam.

Anh Dương Tuấn nói thêm về hoạt động giúp các hội từ thiện này.

“Năm rồi hội từ thiện được chọn là tổ chức Rồng Xanh. Mình gây quỹ được 11.000 đô la, mình đưa hết số tiền này cho uNAVSA. uNAVSA chuyển số tiền này cho tổ chức Rồng Xanh. Năm tới hội từ thiện được chọn là Tổ chức Trẻ em Việt Nam chuyên giúp những trẻ em dị tật bẩm sinh vì hóa chất khai quang màu da cam trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam.”

Ngoài việc tổ chức gây quỹ giúp các hội Từ thiện, Liên hội Sinh viên Việt Nam Mid-Atlantic cũng tích cực tham gia vào các lễ hội truyền thống Việt Nam như Tết Trung Thu hay Tết Nguyên Đán.

Em Trâm Anh, thuộc Liên Hội trong dịp Tết Trung Thu vừa qua cũng cùng với các anh chị em tình nguyện đến trung tâm thương mại Eden để tổ chức các trò vui cho trẻ em nói lên cảm nghĩ của em:

“Ngày lễ Trung Thu bữa nay cho mấy đứa nhỏ chơi trong lễ hội ở Eden ở đây. Ngày Tết Trung Thu, những ngày lễ của Việt Nam rất là quan trọng để mình lớn lên, mình hiểu biết văn hóa của người Việt Nam là gì.”

Anh Tuấn cho biết thêm là Liên Hội cũng đã đóng góp vào dự án “Bảo tồn lịch sử của người Mỹ gốc Việt” của Tổ chức Vietnamese American Heritage Foundation.

Anh Tuấn nói là Tổ chức Vietnamese American Heritage Foundation thu thập câu chuyện của những người Việt Nam sau chiến tranh Việt Nam. Tổ chức này có những người tình nguyện trên khắp nước Mỹ, những sinh viên nói tiếng Việt rất rành tiếp xúc với cộng đồng Việt Nam, nói chuyện với khoảng 500 người tị nạn Việt Nam để ghi nhận câu chuyện của họ.

Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích chủ tịch Nghị hội người Việt tại Mỹ, đã nhiều lần thuyết trình trong các kỳ đại hội của Liên hội Sinh viên Việt Nam Mid-Atlantic cũng như Liên hội Sinh viên Việt Nam Bắc Mỹ có nhận xét về Liên Hội:

“Hội đó là một cách để giữ các em về phía mình. Cá nhân chúng tôi cố gắng dẫn các em vào các sinh hoat cộng đồng như là tham gia vào các dịp lễ tết như tết Trung thu để các em cảm thấy thoải mái trong cộng đồng mình. Đa phần các em nói tiếng Anh nhưng cộng đồng Việt Nam phải làm sao giữ cho các em trong vai trò lãnh đạo những hội đó.”

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG