Đường dẫn truy cập

Mặt trời không bao giờ có thực và ký ức Sài Gòn


Triết gia Phạm Công Thiện và hình bìa quyển sách tìm thấy ở Thư viện (Wichita-Kansas)
Triết gia Phạm Công Thiện và hình bìa quyển sách tìm thấy ở Thư viện (Wichita-Kansas)

Hôm nay, trong lúc ghé qua một chi nhánh Thư Viện (Mỹ) gần nhà để tìm vài quyển sách cần thiết cho công việc, tôi tình cờ phát giác ra một điều: cái thư viện nhỏ xíu bằng lỗ mũi này cũng có một kệ dành cho những quyển sách bằng tiếng nước ngoài (tức không phải tiếng Anh – đến khổ, sinh sống ở hải ngọai, viết cái gì về “nước ngoài” cũng phải ghi phụ chú).

Ở một góc khá khiêm tốn của những kệ sách đầy ụ (đó là lí do mãi đến hôm nay tôi mới biết đến), tôi thấy một ngăn là sách tiếng Pháp, một ngăn là tiếng Tây ban Nha, và một ngăn nữa – ít sách hơn – là tiếng Việt. Ngồi bệt xuống đất (vì ngăn sách tiếng Việt ở dưới cùng), tôi lật từng quyển sách. Sách chưởng Kim Dung, Gia Cát Thanh Vân, sách dậy học tiếng Anh, sách văn học in ở trong nước, sách cũ miền Nam do nhà xuất bản Xuân Thu “copy” lại từ hồi những năm 80s ở Cali v.v.. Bỗng một quyển sách nhỏ đập vào mắt tôi: Mặt trời không bao giờ có thực của Phạm Công Thiện, sách do Trần Thi xuất bản năm 1987 tại California, USA. Thế là tôi ngồi dựa lưng vào một góc tường (kín đáo), lần giở từng trang sách.

Cái tên Phạm Công Thiện chẳng xa lạ gì với một tầng lớp sinh viên học sinh thành thị miền Nam cỡ tuổi tôi. Dạo ấy, cùng với những món văn chương thời thượng là Jean-Paul Sartre, Albert Camus v..v.., những tạp chí văn học kiểu Văn Học, Văn, Trình bày, Khởi Hành, Bách Khoa, Vấn Đề, thì những quyển sách của Phạm Công Thiện là những thứ không thể thiếu của những cậu, những cô (Cậu chiếm đa số, còn Cô chỉ là ăn theo) áo sơ mi xanh nhạt bỏ trong quần, mắt hấp háy đôi gọng kiếng cận thị. Quyển sách bán chạy nhất của Phạm Công Thiện là quyển: Ý Thức mới trong Văn nghệ và Triết học, do nhà An Tiêm của thầy Thanh Tuệ xuất bản, đã tái bản tới lần thứ 4. Quyển sách dầy cộm, cầm vừa đầy một bàn tay, được nhìn thấy bất cứ chỗ nào có ly cà phê đen (đắng nghét), có gói thuốc Bastos xanh (khét nghẹt), có nhạc Trịnh công Sơn liên tục rỉ rả (đến phát ngán) và tất nhiên, những khuôn mặt tuổi trẻ trầm tư về thân phận con người, về cuộc chiến dai dẳng, về tuổi trẻ đi hoang, về tình yêu chưa hề được nếm...Ngần ấy những ưu tư đè nặng lồng ngực lép kẹp vì thiếu dinh dưỡng nên chàng nào cũng muốn “buồn nôn”.

Thế nên, thuở ấy, cùng với những thứ thời thượng khác, đọc Phạm Công Thiện cũng là một thứ thời thượng. Giở những trang sách của Phạm Công Thiện, (tôi) đọc mà không hiểu ông ta viết gì, nhưng trong những câu chuyện cà phê đàm bên quán cóc, (tôi) vẫn say sưa nói về những điều “không hiểu” ấy trong sách của vị Triết Gia thần đồng lỗi lạc (1). Thuở ấy, ai không từng biết đến cái tên Phạm Công Thiện, ai không từng đọc (cái tên) sách Phạm Công Thiện, kẻ ấy chính thị là tên lạc hậu, là người không-trí-thức.

Thuở ấy, hầu như đi đâu cũng nghe được những câu thơ “chấn động mặt trời” của Phạm Công Thiện, kiểu:

tôi giao cấu mặt trời sinh ra mặt trăng
tôi thủ dâm thượng đế sinh ra loài người
cho quê
hương nằm ở nhà thương điên của trí nhớ
mặt trời có thai!
mặt trời có thai!
sinh cho tôi một đứa con trai mù mắt

(Trích: Ngày Sanh của Rắn – Phạm Công Thiện . Ấn bản điện tử. Nguồn: Tiền Vệ)

Ai cũng thuộc thơ PCT (nhưng chỉ thuộc mấy câu đại lọai như vậy thôi, vì giá trị “chấn động mặt trời” chăng, chứ nếu bảo rằng hiểu, thì, như tôi, hiểu . . . chết liền (tại chỗ).

Thuở ấy, PCT viết: Phùng Phật sát Phật. Phùng Miller sát Miller (Henry Miller, nhà văn Mỹ, được PCT nhắc tới rất nhiều trong những tác phẩm của mình [2]). (Chúng) tôi cũng “thời thượng” đặt bút: Phùng Phạm (Công Thiện). Sát Phạm (Công Thiện). Phạm Công Thiện đã gặp Miller ở California, nhưng, tất nhiên, ông không giết Miller. Hãy nghe ông kể: “Năm 1965, tôi được gặp Henry Miller tại Pacific Palisades ở California. Trời đất đã sắp đặt cho tôi gặp Henry Miller tại Huê kỳ để được ông “điểm đạo”. Chứ không phải để “sát”. Hiện nay, tôi được biết Phạm Công Thiện cũng ở Mỹ. Dù ở Mỹ cũng đã lâu, cũng đã từng đi đây đi đó, nhưng tôi chưa bao giờ gặp ông, để tôi có thể “sát Phạm Công Thiện”. Thực ra, cái ý nghĩa “sát” trong câu “Phùng Phật Sát Phật” , như chính PCT giải thích: “giết Phật ở đây không có nghĩa là giết Phật, mà có nghĩa là giết ông “Phật” mà ta đã chấp trong trí ta. Tôi cũng muốn mượn cái nghĩa “sát” ấy để “sát Phạm (Công Thiện)” vì đã hơn 40 năm qua đi, sống gần hết một đời, đã cay đắng kinh qua cái thân phận buồn thảm của con người, đã đi vào chiến tranh và ra khỏi chiến tranh, đã đi vào thù hận và ra khỏi thù hận (tôi hy vọng như vậy), đã nếm được vị ngọt (và đắng) của tình yêu, vậy mà cứ mỗi lần đọc cái tên Phạm Công Thiện là cả một ký ức của Sài Gòn năm xưa cứ đội mồ sống dậy. Vì thế, tôi muốn – một lần và mãi mãi – gặp Phạm Công Thiện để thanh toán cho xong “cái quá khứ đã chấp trong trí tôi.

Như hôm nay, ngồi thu lu trong góc khuất một thư viện tỉnh lẻ, lần giở từng trang viết Phạm Công Thiện của một thời (3), như lần giở từng trang đời của một thế hệ. Ngày xưa, chưa bao giờ tôi đọc xong một quyển sách nào của PCT, dù lúc nào cũng cầm một quyển trên tay. Có lẽ vì tôi chưa đủ “nội lực” để hiểu. Vì thế, những trang sách mù mờ dang dở nối tiếp nhau làm chứng cho những dang dở của cuộc đời. Ngày nay, tôi cũng có đủ những quyển sách của PCT trong tay (dù dưới hình thức e-book), chỉ cần một cái nhấp chuột, là quyển sách (điện tử) lại nằm gọn trong tầm mắt. Và tôi cũng chưa bao giờ đọc xong bất cứ tác phẩm nào của ông. Tại tôi vẫn chưa đủ nội lực? (có lẽ vậy) hay mỗi khi mở sách PCT là những trang sách mù mờ của quá khứ cứ đè trĩu tâm tư, nhắc nhở tôi những dang dở mà chắc là tôi sẽ không bao giờ hoàn tất. [T.Vấn]

(1)Hãy nghe chính vị triết gia nói về mình trong lần tái bản thứ tư của quyển YTMTVNVTH: “Tôi thực sự bắt đầu viết quyển Ý thức mới trong văn nghệ và triết học vào năm 1960 (thực sự khởi từ năm 1959), nghĩa là lúc tôi được mười tám và mười chín tuổi. Bây giờ tôi gần 30 tuổi. Bao nhiêu nước chảy trôi phăng qua cầu trong mười năm trời. Bây giờ nhìn lại chặng đường xưa, tôi không ngờ lúc 18 – 19 tuổi tôi lại thông minh dễ thương như vậy, rồi nhớ lại lúc 13-14 tuổi cho đến lúc 16 tuổi, tôi đã xuất bản một quyển, sách về ngôn ngữ học và đã viết trên 20 quyển sách về văn học quốc tế và ngôn ngữ học (trong đó có một quyển mà Nguyễn Hiến Lê đề tựa giới thiệu và ngạc nhiên không ngờ tôi mới 16 tuổi), sau này khi tôi được 18 tuổi thì tôi đốt sạch hết tất 20 quyển ấy!” (Ấn bản điện t . Nguồn: Talawas )

(2)Một đọan trích trong YTMTVNVTH , Phạm Công Thiện viết về Henry Miller: “ . . .Hãy đốt hết. Chỉ chừa lại những quyển sách của Henry Miller. Đốt hết và chỉ chừa Henry Miller. Hãy đọc Henry Miller đi. Mở rộng đôi mắt ra mà đọc. Mở rộng trái tim ra mà đọc. Khi đọc xong rồi thì đốt luôn Henry Miller. Đốt hết. Không chừa gì cả, đốt luôn cả trái tim lạnh lẽo của ta. Đốt luôn cả cuộc đời chật hẹp của ta… Cả thế giới sẽ ngùn ngụt lửa khói. Tất cả thư viện đều bốc cháy đỏ rực, tất cả những quyển sách của nhân loại sẽ thành tro bụi. Hỡi loài người, hãy cười ngất lên, hãy thức tỉnh, hãy đứng dậy, hãy dang hai tay lên trời, ngọn lửa thiêng của thế giới sẽ lan tràn khắp nơi. Khi tất cả những quyển sách của trần gian đã biến thành tro bụi; lúc bấy giờ, hỡi loài người, ta hãy đứng im lặng, trang trọng ngắm nhìn mây trắng bay về ngút trời xanh và lắng tai nghe tiếng chim kêu vang ca trái đất: Triêu Dương của Mùa Xuân Vĩnh Cửu bắt đầu ngự trên trần gian; một đoá hoa trắng bừng nở rung rinh trên đống tro tàn điên loạn… Khi viết chương này, tôi chưa từng gặp Henry Miller. Năm 1965, tôi được gặp Henry Miller tại Pacific Palisades ở California. Trời đất đã sắp đặt cho tôi gặp Henry Miller tại Huê kỳ để được ông “điểm đạo”. Sau khi được điểm đạo thì tôi lên sống tại Nữu Ước, sống từ địa ngục này đến địa ngục khác, rồi lại lang thang lê lết ở Paris từ quán cà phê này đến quán cà phê khác, để rồi một ngày hạ dạo đó được gặp mặt Krishnamurti tại Paris dưới bóng những cây marronnier xanh đậm, trộn lẫn với tóc trắng của mây và màu xám của những đường phố lót gạch. (Ấn bản điện tử . Nguồn: Talawas )

(3)Quyển “Mặt trời không bao giờ có thực” mà tôi đang cầm trên tay (Trần Thi xuất bản năm 1987 tại California, USA), có những chi tiết khá thú vị, khiến tôi không thể không nói đến.

Thứ nhất, ngay trên trang đầu tiên, một độc gỉa nào đó – trước tôi – đã dùng bút chì ghi hàng chữ: “tất cả triết gia đều là những kẻ bị ung thư tinh thần- 12-10-94”. Kẻ viết những dòng này, dường như cũng mang một tâm trạng nào đó đầy những uẩn khúc.

Thứ hai, nhiều phần trong tác phẩm được minh họa bởi những bức vẽ của một người tên Trần Thị Loan, những bức vẽ mà ông nhận xét rằng: “Những bức tranh vẽ thơ mộng trong Mặt trời không bao giờ có thực do Trần Thị Loan thực hiện một cách linh động man mác để đánh dấu một ngày và một đêm nào đó đã đi vào chiêm bao vạn đại.” ( Sđd- không có số trang ). Quả thật, xem những bức vẽ và đọc lời nhận xét của ông, tôi cứ như người đi lạc vào sương mù. Tôi không thấy lối ra.

XS
SM
MD
LG