Đường dẫn truy cập

Văn hóa thù hận


Người dân thắp nến cầu nguyện cho các sĩ quan cảnh sát bị bắn chết tại Baton Rouge, ngày 18/7/2016.
Người dân thắp nến cầu nguyện cho các sĩ quan cảnh sát bị bắn chết tại Baton Rouge, ngày 18/7/2016.

Cuộc biểu tình ôn hoà của khoảng 1000 người dân Mỹ nhằm phản đối việc cảnh sát bắn chết hai người da đen (một ở Minnesota và một ở Louisiana) tại thành phố Dallas thuộc tiểu bang Texas tuần qua đã kết thúc một cách đẫm máu với cái chết của năm cảnh sát viên, những người đang giữ trật tự cho cuộc biểu tình. Thủ phạm là Micah Johnson, một thanh niên da đen 25 tuổi, từng đi lính tại Afghanistan. Johnson tuyên bố muốn giết những người da trắng, đặc biệt các cảnh sát viên da trắng để trả thù cho những người da đen bị cảnh sát bắn chết.

Đó không phải là lần đầu tiên cảnh sát Mỹ bị bắn với lý do thù ghét chủng tộc. Chỉ mới đây thôi, tháng 12 năm 2014, có hai cảnh sát viên tại New York bị bắn chết bởi một thanh niên da đen cũng với lý do thù hận chủng tộc tương tự. Tuy nhiên, trong lịch sử, chưa bao giờ có số cảnh sát viên bị bắn chết một lúc nhiều như lần này.

Phản ứng lại vụ tàn sát, hầu hết các chính trị gia đều kêu gọi mọi người đoàn kết và thương yêu nhau. Nhưng hầu như không ai có thể phủ nhận được một sự thật: nước Mỹ càng ngày càng chia rẽ, không những về kinh tế, tôn giáo, ý thức hệ và văn hoá mà còn về chủng tộc. Đằng sau vụ bắn giết cảnh sát viên da trắng là nỗi căm thù ngùn ngụt về màu da.

Suy nghĩ cho kỹ, sự căm thù về màu da ấy không phải chỉ có ở Micah Johnson. Ngay cả ứng cử viên tổng thống thuộc đảng Cộng Hoà, Donald Trump, cũng nhiều lần đưa ra những tuyên bố sặc mùi phân biệt chủng tộc. Ông đòi dựng hàng rào dọc theo biên giới Mỹ-Mexico đế ngăn chận di dân. Ông đòi trục xuất cả mười mấy triệu di dân bất hợp pháp ra khỏi nước Mỹ. Ông chủ trương cấm người Hồi giáo, đặc biệt từ những quốc gia Hồi giáo bị xem là có truyền thống khủng bố, nhập cảnh vào nước Mỹ. Theo tiên đoán của giới bình luận chính trị, cho dù Donald Trump thắng cử vào tháng 11 tới, tất cả những chính sách ấy đều không thể thực hiện được. Tuy nhiên, hai điều quan trọng nhất là: Một, xuất phát điểm của những chính sách ấy là sự thù ghét đối với Hồi giáo và di dân; và hai, những chính sách ấy, sau khi được công bố, làm thổi bùng lên ngọn lửa thù ghét Hồi giáo và di dân ở nhiều người trong cả nước.

Một hiện tượng tương tự cũng vừa xảy ra tại Úc. Trong cuộc bầu cử Quốc Hội liên bang vừa được tổ chức vào đầu tháng 7, đảng Một Quốc Gia (One Nation) của Pauline Hanson chiếm được đến mấy ghế trong Thượng Viện. Một trong những chủ trương chính của đảng này cũng là chống lại người Hồi giáo và những người di dân, đặc biệt di dân từ châu Á. Hanson cho rằng những người châu Á, nhất là người Trung Quốc, đang tràn ngập nước Úc và biến Úc thành một quốc gia bị Á châu hoá. Bà cũng cho rằng những người Hồi giáo bướng bỉnh không chịu hội nhập vào xã hội Úc và không chịu đồng hoá với văn hoá Úc, cứ khăng khăng bảo vệ nền văn hoá riêng của họ, thứ văn hoá thù nghịch với Úc và trực tiếp đe doạ đến Úc. Điều đáng nói không phải là các quan điểm kỳ thị tôn giáo và chủng tộc của Pauline Hanson mà là số phiếu cử tri Úc dành cho bà và cho đảng của bà. Số phiếu ấy cho thấy đằng sau xã hội có vẻ yên bình của Úc đang xuất hiện những làn sóng thù ghét đối với di dân và Hồi giáo.

Nghĩ cho cùng, việc 52% dân Anh bỏ phiếu chọn tách ra khỏi khối Liên Hiệp Âu Châu cũng xuất phát từ thứ văn hoá thù ghét di dân như vậy. Về phương diện chính trị cũng như kinh tế, hầu như ai cũng biết việc tham gia vào khối Liên Hiệp Âu Châu là một giải pháp tối ưu cho Anh. Tuy nhiên, điều nhiều người dân không thể chịu đựng nổi là sự tràn ngập của những người di dân từ các quốc gia khác trong khối đã và đang đổ dồn vào Anh. Không để ý đến sự kiện có rất nhiều người Anh sang sống và làm việc tại các quốc gia Âu châu, họ chỉ thấy sự hiện diện của các di dân từ các nước khác tại Anh như một sự đe doạ đến công ăn việc làm và sự an ninh của họ. Sau cuộc trưng cầu dân ý, làn sóng thù ghét người ngoại quốc càng dâng cao tại Anh. Những sự xâm phạm, bằng lời nói hay hành động, mang tính chất kỳ thị chủng tộc càng lúc càng phổ biến.

Hiện tượng thù ghét di dân, trong đó có những người Hồi giáo, lan rộng ở nhiều quốc gia Tây phương, nơi các đảng cực hữu càng lúc càng mạnh. Tâm điểm của các đảng ấy là chống di dân và chống lại chủ nghĩa đa văn hoá. Họ không muốn người khác cạnh tranh hay giành giật công ăn việc làm của họ, hơn nữa, họ cũng không muốn người khác làm loãng nhạt tính chất đặc thù và được cho là độc đáo trong nền văn hoá truyền thống của họ. Nói chung, người ta thù ghét sự đa dạng.

Dĩ nhiên, biểu hiện cao độ của thứ văn hoá thù ghét ấy là ở các tổ chức Hồi giáo cực đoan. Họ thù ghét tất cả những người ngoại đạo, thậm chí cả những người đồng đạo nhưng khác quan điểm với họ. Họ thù ghét tất cả những gì khác họ. Họ thù ghét văn hoá Tây phương và người Tây phương nói chung. Họ có tham vọng xây dựng những nhà nước dựa trên điều luật Hồi giáo và muốn Hồi giáo hoá cả thế giới.

Có thể nói văn hoá thù hận hiện nay đang lan tràn khắp nơi trên thế giới. Cách đây mấy thập niên, trước sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản tại Liên Xô và Đông Âu cũng như trước xu thế toàn cầu hoá càng lúc càng tăng tốc, nhiều người lạc quan cho rằng thế giới, một lúc nào đó, biến thành một cái làng, làng-toàn-cầu, nơi mọi người gần gũi và sống với nhau một cách hoà bình. Nhưng càng ngày người ta càng thấy xu thế toàn cầu hoá có thể dẫn đến những phản ứng ngược: việc tái phối trí lực lượng lao động trên phạm vi thế giới cũng như việc di dân dễ dàng, một mặt, tạo cơ hội cho nhiều người có công ăn việc làm; mặt khác, lại trở thành một sự đe doạ đối với một số người khác. Đối diện với sự đe doạ ấy, người ta đâm ra thù ghét tất cả những gì đến từ những nơi khác.

Điều đáng nói là nhiều chính trị gia tìm mọi cách để khai thác sự thù ghét ấy để lấy phiếu trong các cuộc bầu cử. Nếu nhờ mị dân, họ thắng, cảm giác thù ghét ấy sẽ dễ dàng trở thành một thái độ kỳ thị chủng tộc. Đó mới là một tai hoạ cho nhân loại.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG