Đường dẫn truy cập

Lực lượng đặc biệt Australia cố vấn cho Iraq trong cuộc chiến chống IS


Chiến đấu cơ Super Hornet thực hiện các phi vụ chiến đấu ở miền bắc Iraq.
Chiến đấu cơ Super Hornet thực hiện các phi vụ chiến đấu ở miền bắc Iraq.

Australia sắp phái 200 binh sĩ thuộc lực lượng đặc biệt tới Iraq để cố vấn và giúp đỡ lực lượng an ninh ở đây trong cuộc chiến chống các phiến quân Nhà nước Hồi giáo. Các chiến đấu cơ của Australia tham gia liên minh do Hoa Kỳ dẫn đầu ở Trung Đông và đã bắt đầu thực hiện những vụ không kích nhắm vào các mục tiêu của phiến quân Hồi giáo ở Iraq. Từ Sydney, thông tín viên Phil Mercer của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Các giới chức của Australia và Iraq đã mất nhiều tuần lễ để đạt được thỏa thuận về một khuôn khổ pháp lý để Australia bố trí binh sĩ thuộc lực lượng đặc biệt tại Iraq.

Khoảng 200 binh sĩ biệt kích đã trú đóng ở một căn cứ quân sự Mỹ tại Liên hiệp các Tiểu Vương quốc Ả rập trong tháng vừa qua trong lúc chờ đợi kết quả của cuộc điều đình. Các binh sĩ này sẽ hoạt động trong tư cách cố vấn và giúp cho các lực lượng Iraq chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo, những người đã chiếm một phần đất rộng lớn ở Syria và Iraq trong vài tháng qua.

Các chiến đấu cơ Super Hornet của Australia đã thực hiện những phi vụ chiến đấu hầu như mỗi ngày ở miền bắc Iraq, nhưng thỏa thuận giữa Canberra và Baghdad không cho phép binh sĩ Australia tham gia cuộc chiến đấu trên bộ.

Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cho biết các binh sĩ của lực lượng đặc biệt này sẽ giúp người dân Iraq chống lại mối đe dọa của những phần tử Hồi giáo Sunni cực đoan.

"Tôi đã đúc kết một thỏa thuận về một khuôn khổ pháp lý để lực lượng đặc biệt của chúng tôi được bố trí ở đây nhằm cố vấn và trợ giúp chính phủ Iraq trong việc xây dựng năng lực của lực lượng an ninh Iraq. Giờ đây quân đội của chúng tôi sẽ xác định xem khi nào lực lượng đặc biệt của chúng tôi sẽ tới Iraq."

Một cuộc thăm dò ý kiến công chúng mới đây cho thấy hầu hết dân chúng Australia ủng hộ việc Canberra phái binh sĩ và chiến đấu cơ tới Iraq để ngăn chận đà tiến của nhóm Nhà nước Hồi giáo.

Cuộc thăm dò cũng cho thấy người Australia tin rằng sự can thiệp quân sự này sẽ làm cho nước họ kém an toàn hơn. Bà Christine Milne, lãnh tụ Đảng Xanh, cũng nghĩ như vậy. Bà cho rằng sự dính líu của Australia trong cuộc xung đột ở Iraq sẽ làm cho Australia trở thành mục tiêu tấn công của các phần tử Hồi giáo cực đoan.

Tháng trước, Australia đã nhận một sự đe dọa trực tiếp từ các phần tử hiếu chiến Nhà nước Hồi giáo trong một đoạn phim video tuyên truyền. Video này hối thúc người Hồi giáo thực hiện những vụ tấn công nhắm vào thường dân của một số quốc gia, trong đó có Australia, Canada và Pháp.

Hồi gần đây Australia đã nâng mức cảnh báo khủng bố từ trung bình lên mức cao vì lo ngại về việc xảy ra những vụ tấn công của những người bị cực đoan hóa bởi ý thức hệ cực đoan trên mạng hoặc những công dân trở về nước từ những cuộc xung đột ở vùng Trung Đông.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG