Đường dẫn truy cập

Lúa ơi!


Ruộng lúa ở huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, Việt Nam. Hình minh họa. (Ảnh: Lê Văn Tài, độc giả của đài VOA)
Ruộng lúa ở huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, Việt Nam. Hình minh họa. (Ảnh: Lê Văn Tài, độc giả của đài VOA)

Sinh ra sau năm 1975, tôi lớn lên và trưởng thành gắn bó và chứng kiến với bao đổi thay thăng trầm của dân tộc, của làng quê Việt Nam. Tuổi thơ chân đất, da khét nắng, cưỡi trên lưng trâu từ năm lên 6. Tôi cũng như bao đứa trẻ trong làng, 6 tuổi đã bắt đầu đi vào cuộc sống… Cha tôi nghiêm túc giao cho nhiệm vụ: một buổi đi học, một buổi chăn trâu, làm sao đó làm, trâu phải ăn no, không để trâu ăn lúa người ta. Một đứa trẻ vừa mới lớn lên, chưa kịp chơi đùa, chưa kịp thỏa lòng bởi sự cưng chiều, nâng niu của cha mẹ đã bắt đầu nhận vụ nhiệm lao động của gia đình. Ở cái tuổi hồn nhiên, tôi chỉ ngoan ngoãn vâng lời (chẳng biết thoái thác như trẻ con bây giờ đâu).

Lần đầu ra đồng chăn trâu thích thật. Một không gian thoáng đãng, tự do nô đùa với bọn trẻ trong làng. Đồ chơi của chúng tôi là bùn, là đất, là nước, là dế mèn, cá rô thia, bóng làm bằng rơm… Chơi đùa chưa thỏa thì đã trưa rồi, chúng tôi giục nhau lùa trâu về, ăn cơm đi học. Ngoảnh lại nhìn, chẳng biết trâu mình ở đâu trong bầy. Mấy đứa lớn cười rồi phỉnh: “Trâu mày đi lạc rồi. Về ba mày đánh cho coi”. Thế là khóc, khóc trong sự hả hê trêu chọc của bọn chúng. Mẹ kịp đến đúng lúc. Mẹ cũng cười rồi xoa đầu tôi, vỗ về.

Trẻ con hiếu động, đêm về mệt, ngủ như chết. Tội nghiệp, sáng tinh mơ cha đã kêu dậy ăn cơm đặng còn dắt trâu ra đồng chăn. Đang còn ngái ngủ, chưa chịu dậy ngay thì cha cầm roi dọa đánh. Mẹ can thiệp cha, rằng “để nó ngủ thêm chút nữa”. Cuộc sống cứ thế ngày ngày trôi qua, không ít lần thấm thía đòn roi của cha vì ngủ nướng, vì ham chơi để trâu ăn lúa người ta, vì bẻ trộm ngô để nướng ăn ngoài đồng… Cha đã rèn cho thói quen dậy sớm, thói quen nghe lời, chịu khó, thói quen không được cãi lại người lớn. Mẹ cũng vài lần khóc khi thấy tôi bị cha đánh. Mẹ xoa dầu những lằn roi, dỗ dành, hứa ngoan sẽ mua cho đôi dép, cây bút máy. Mẹ còn nói: Bác Hồ nói “tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”.

Lên lớp 2, cha giao thêm nhiệm vụ, đi chăn trâu gánh thêm đôi trạc (quang gánh) để nhặt phân trâu bò về bón ruộng. Mấy đứa trẻ khác cũng như tôi thôi, cũng tìm nhặt phân. Trẻ con bây giờ đâu có biết rằng, chúng tôi ngày ấy quý phân trâu bò lắm, gặp bãi phân trâu bò thì rất mừng, bọn trẻ giành nhau, có khi giận nhau vì bãi phân trâu!

Trâu bò nhiều, cỏ lên không kịp. Ít cỏ, phân trâu bò cũng ít dần. Những buổi không có phân trâu bò để nhặt, bọn trẻ chúng tôi xúm tát nước bắt cá, bắt cua đồng, mò tôm, sò, ốc. Mùa hè thì té nước nhau, ra sông tắm thỏa thích. Mùa đông giá rét thì đốt lá sưởi, đào trộm khoai người ta nướng ăn. Khoai nướng chẳng bao giờ được chín mềm mà lựt sựt, bẻ chia mỗi đứa một miếng, nóng hổi, vừa xuýt xoa thổi, vừa ăn, nhưng mà sao thấy ngon đáo để. Ngon vì vui nhưng cơ bản là vì đói.

Chưa bao giờ cha hài lòng về tôi. Cha thường phàn nàn vì tôi ham chơi, vì tôi chăn trâu đói, vì tôi không nhặt được nhiều phân trâu bò. Tôi sợ và ghét cha. Hồi ấy tôi không hiểu sao cha ghét mình thế. Lớn lên, biết đọc sách, đầu óc mở mang dần mới hiểu, mới thấy thương cha mẹ, thương mình, thương cho quê hương mình dưới thời bao cấp. Dưới thời bao cấp, nhiều đứa trẻ nông thôn như tôi dường như không có tuổi thơ …

Cha nghiêm khắc với con là vì sợ đói, đói cả nhà. Cha chất phác, lam lũ chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Với cha, chỉ có lao động mới khỏi đói nghèo. Hoàn cảnh và môi trường sống không cho cha nghĩ rộng hơn, nghĩ đến chính sách của nhà cầm quyền. Chính sách nó là thứ vô hình nhưng có thể cứu người hoặc giết người.

Sự khốc liệt của đói nghèo không kém gì sự khốc liệt của chiến tranh. Miền Trung cát trắng, cây lúa ngọn khoai cũng oằn mình lớn lên như con người miền của mảnh đất ấy. Cái xứ chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã ngập này dưới thời bao cấp càng điêu đứng, khốn khổ, điêu linh hơn nơi nào hết. Trẻ con kể từ khi biết cầm đôi đũa là phải biết lao động, phải biết chăn trâu cắt cỏ, nhặt phân, mót lúa, hái rau, kiếm củi... Ăn thì khoai, sắn thay cơm. Người ta nói rằng, không phải cơm độn khoai, sắn mà khoai, sắn độn cơm!

Năm 1988, nghĩa là 13 năm sau ngày “giải phóng”, Bộ Chính trị mới cho ra đời Nghị quyết 10 (gọi tắt là khoán 10) “cởi trói” cho nông nghiệp, giao đất lâu dài cho nông dân sản xuất. Từ đây người nông dân mới được thoát cảnh sản xuất tập thể, làm công điểm, cảnh tuốt lúa (hợp tác xã) cố ý quăng ra một mớ lúa chưa tuốt sạch để cuối ngày mót lại vài nắm thóc.

Thoát những cảnh đó, đồng lúa lại xanh tốt, nông dân Việt Nam mới có bát cơm trắng thay cho sắn, ngô, khoai. Lịch sử ngợi ca, tự hào đây là một cuộc cách mạng trong nông nghiệp. Lũ học trò học thuộc như những con vẹt. Đứa trẻ năm xưa may mắn thoát khỏi lũy tre làng, không theo nghiệp cầm cuốc bảy đời của gia đình, biết dùng Internet, mới biết rằng điều đó không có gì đáng tự hào, chẳng qua là một cuộc sửa sai. Một ông giáo già nói đùa một câu chơi chữ mà tôi không bao giờ quên được khi nghĩ đến chữ “sai”: “sai đâu sửa đấy, sửa đâu sai đấy, đấy sửa đâu sai, đấy sai đâu sửa?”. Luẩn quẩn và bế tắc.

Lại tiếp tục về câu chuyện về hạt lúa với vài số liệu hơi khô khan để xem hạt lúa Việt Nam có tương lai sẽ ra sao.

Loại bỏ mô hình kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, với bản chất cần cù của hơn 80 triệu nông dân, từ năm 1989, Việt Nam lần đầu tiên trở thành nước xuất khẩu gạo và từ đó đến nay, xuất khẩu gạo liên tục tăng mạnh. Từ năm 2003, Quốc hội Việt Nam có nghị quyết miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho nông dân, làm cho nông dân càng phấn khởi sản xuất. Năm 2011, Việt Nam xếp thứ 2 sau Thái Lan và vượt xa nước thứ 3 là Ấn Độ về xuất khẩu gạo. Từ năm 2003, Quốc hội Việt Nam có nghị quyết miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho nông dân. Năm 2012 Việt Nam đứng thứ 2 sau Ấn Độ (thậm chí có thời điểm trong năm Việt Nam đã vươn lên vị trí số 1), đã trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Giá như cứ thế, nông dân Việt Nam sẽ thoát nghèo bền vững. Đằng này sự thực diễn ra không như mơ ước. Chính sách đô thị hóa không hợp lý đã thu hẹp diện tích trồng lúa gần 370.000 ha trong 10 năm (2000-2010). Không phải đất hoang hóa, bạc màu mà vô số “bờ xôi ruộng mật” đã bị xóa sổ để lập các khu công nghiệp và đô thị. Cứ ven đường quốc lộ, tỉnh lộ, trục đường chính là nhà nước lấp ruộng đất, lấp không thương tiếc. Lấp cho khu công nghiệp đã đành, thôi thì cái giá của công nghiệp hóa đất nước. Nhưng còn có chuyện lấp để phân lô, để bán hoặc cho thuê đất kiếm lời, quan chức theo đó mà trục lợi. Ở Việt Nam, đất là tài sản toàn dân, nhà nước đại diện nhân dân quản lý nên nhà nước có quyền thu ruộng đất, dời nhà dân bất kể lúc nào, đền bù với giá rẻ mạt. Nông dân mất đất, mất kế sinh nhai, bị lùa vào các khu dân cư quy hoạch. Họ trở thành người nửa tỉnh nửa quê, nhận được ít tiền đền bù rồi xây nhà, sắm xe, chẳng bao lâu hết sạch. Con cháu cố chen vào các khu công nghiệp làm thuê, sống qua ngày. Vậy từ chỗ làm chủ ruộng đất, một bộ phận nông dân trở thành làm thuê, thành giai cấp vô sản thực sự.

Ngành nông nghiệp dự tính giai đoạn 2011- 2020 sẽ mất thêm khoảng 300.000 ha đất nữa do phải chuyển cho các nhu cầu sử dụng khác và do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Như vậy diện tích trồng lúa mất đi 670.000 ha (từ 4,5 triệu ha xuống còn 3,8 triệu ha) tức trung bình mỗi năm mất khoảng 32.000 ha, tương ứng sản lượng lúa giảm 320.000 tấn, trong khi nhu cầu trong nước tăng thêm 200.000 tấn/năm do tăng dân số. Dự báo nếu năng suất vẫn duy trì như hiện tại thì sản lượng lúa năm 2020 sẽ giảm khoảng 30% so với hiện nay (từ 45 triệu tấn xuống còn 30 triệu tấn). Đến lúc đó, đảm bảo an ninh lương thực sẽ trở thành vấn đề không đơn giản chứ chưa nói đến xuất khẩu.

Đó là chưa kể từ năm nay về sau, đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất cả nước, lâm vào nguy cơ hạn hán và nhiễm mặn, bị lệ thuộc nguồn nước, do Trung Quốc xây đập thủy điện chặn đầu nguồn sông Mê Kông.

Quay lại câu chuyện riêng của tôi. Hôm nay trở về thăm làng, thấy quán nhậu, quán cà phê mọc lên như nấm. “Mất đất thì phải kinh doanh thôi chứ ế khách lắm”, một bác nông dân phân trần.

Nhìn ra cánh đồng của thời “trẻ trâu” năm nào, nay đang bị sang lấp nham nhở, chẳng bao lâu nữa sẽ có một con đường xuyên qua và những lô đất hai bên đường sắp hình thành, những người lắm tiền kinh doanh bất động sản sẽ xúm vào đấu giá.

Đột nhiên có một làn gió mạnh bay qua, làm nhấp nhô những sóng lúa đang chín vàng ở những thửa ruộng còn sót lại. Xa xa một đám bụi mịt mù bay bay theo làn gió.

Tùy bút của Thạch Kiều

* Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

XS
SM
MD
LG