Đường dẫn truy cập

LHQ: Nhà sáng lập WikiLeaks bị cầm giữ tùy tiện


Một người biểu tình cầm biểu ngữ đòi trả tự do cho ông Julian Assange tại sứ quán Ecuador ở Lodon hôm 4/2/2016.
Một người biểu tình cầm biểu ngữ đòi trả tự do cho ông Julian Assange tại sứ quán Ecuador ở Lodon hôm 4/2/2016.

Julian Assange, người sáng lập Wikileaks, nói rằng phán quyết của một ủy ban Liên Hiệp Quốc rằng ông đã bị giam giữ tùy tiện là một “sự xác chứng.” Ông ta nói như vậy hôm thứ Sáu tại đại sứ quán Ecuador ở London, nơi ông đang sống để tránh bị dẫn độ.

Phát biểu qua video từ trong đại sứ quán, Assange nói rằng việc ông bị giam giữ một cách sai trái “giờ là vấn đề luật pháp đã được minh định.”

Ủy ban của Liên Hiệp Quốc phán quyết rằng ông Assange đã bị giam giữ tùy tiện kể từ năm 2012.

Assange muốn rời khỏi đại sứ quán của Ecuador ở London nơi ông ta đã nương náu trong gần bốn năm, nhưng đối mặt với việc bị cảnh sát Anh bắt giữ. Thụy Điển truy nã ông ta để điều tra tội hiếp dâm, một cáo buộc mà ông ta phủ nhận.

Các quan chức của Anh bác bỏ phán quyết của Liên Hiệp Quốc và nói rằng họ sẽ bắt Assange nếu ông ta rời đại sứ quán.

Nhóm Công tác Liên Hiệp Quốc về Giam giữ Tùy tiện, một ủy ban gồm các chuyên gia độc lập, ra một tuyên bố vào sáng thứ Sáu nói rằng “một số hình thức tước bỏ quyền tự do mà Julian Assange phải gánh chịu cấu thành một dạng giam giữ tùy tiện.” Ủy ban cũng kêu gọi bồi thường cho ông Assange về khoảng thời gian ông đã bị mất.

Thụy Điển nói họ vẫn có kế hoạch tiếp tục cuộc điều tra nhắm vào ông ta. Anh và Thụy Điển hôm thứ Sáu nói rằng ông Assange đã tự mình nương náu trong đại sứ quán và vẫn chưa bị giam giữ.

Ngoại trưởng Anh Philip Hammond bác bỏ phán quyết của ủy ban Liên Hiệp Quốc, nói rằng phán quyết “thật sự là nực cười”.

Trước đó, Assange nói ông ta dự định rời đại sứ quán Ecuador hôm thứ Sáu. Những người ủng hộ ông ta nói rằng ông ta sẽ họp báo ở Câu lạc bộ Frontline, một câu lạc bộ báo chí ở London. Thay vào đó, ông ta phát biểu từ đại sứ quán Ecuador nơi hàng trăm phóng viên theo dõi trên đường phố. Sau đó Assange xuất hiện trên ban-công tòa đại sứ và đọc một tuyên bố trước người ủng hộ, gọi phán quyết là “chiến thắng lịch sử.”

Assange, công dân Úc, nói ông ta muốn được trả lại hộ chiếu và muốn mọi nỗ lực bắt giữ ông chấm dứt.

Rò rỉ hồ sơ mật

Cựu tin tặc máy tính này đã khiến Mỹ tức giận khi ông ta công bố hàng trăm ngàn hồ sơ mật của chính phủ Mỹ.

Ông ta bị cho là có dính líu tới một số vụ phạm tội, kể cả một vụ hiếp dâm năm 2010. Thời hạn hiệu lực đã không còn đối với những cáo buộc khác, nhưng vụ hiếp dâm vẫn còn thời hiệu, và các quan chức Thụy Điển nói một phán quyết của Liên Hiệp Quốc sẽ không có tác động đến cuộc điều tra của họ.

Những người ủng hộ ông ta nói người phụ nữ trong vụ hiếp dâm nói rằng cảnh sát Thụy Điển đã ép cung cô ta buộc tội Assange.

Trong số những hồ sơ mật mà website của ông ta công bố là hàng trăm ngàn trang tài liệu nêu chi tiết về các hoạt động quân sự của Mỹ ở Afghanistan và Iraq. Nó cũng công bố một video ghi cảnh một máy bay trực thăng vũ trang của Mỹ tấn công ở Baghdad năm 2007 làm chết 12 người, kể cả 2 nhân viên của hãng thống tấn Reuters.

Những tài liệu bị rò rỉ bao gồm hàng ngàn bức điện tín ngoại giao của Mỹ từ các đại sứ quán khắp thế giới có từ nhiều thập niên trước. Những bức điện tín đó nói về những nhà lãnh đạo khác trên thế giới, những tiết lộ đã làm bẽ mặt nhiều quan chức Mỹ.

Ở Mỹ, một đại bồi thẩm đoàn vẫn đang điều tra vụ rò rỉ tin mật.

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest hôm thứ Năm nói Anh và Thụy Điển sẽ phải giải quyết việc của ông Assange.

“Tôi không rõ tuyên bố của Liên Hiệp Quốc chính xác là sẽ có tác động gì đối với trường hợp này,” ông Earnest nói.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG