Đường dẫn truy cập

Lại chuyện sách điện tử


Viết xong bài về sự biến mất của bộ Từ điển Bách khoa Toàn thư Britannica trên ấn bản giấy, tự dưng đâm ra nghĩ ngợi bâng quơ về số phận của sách.

Thật ra, ai cũng biết, từ mấy năm nay, sách đang dần dần biến thể. Hình thức sách mới, bằng điện tử (ebook), đang dần dần ăn mòn vị thế tuyệt đối của sách truyền thống trên giấy in. Nó chưa thay thế hẳn. Sách in trên giấy vẫn còn nhiều, trong các tiệm sách cũng như trong thư viện và tủ sách cá nhân. Trên các phương tiện công cộng, từ xe lửa đến xe buýt và máy bay, hình ảnh những người cắm cúi vào các cuốn sách mở rộng trước mắt vẫn còn nhiều. Nhưng các con số thống kê do các hiệp hội xuất bản và phát hành cung cấp tiết lộ một xu hướng thay đổi đang diễn ra mạnh mẽ ở khắp nơi: số sách in trên giấy càng ngày càng giảm và số sách điện tử bán được càng ngày càng tăng. Mức giảm thì tiệm tiến, khoảng trên dưới 10% mỗi năm; nhưng mức tăng thì khủng khiếp: cả 1000% trong vòng ba năm. Đó là mức tăng ở Anh. Ở Mỹ, tỉ lệ này có lẽ còn cao hơn nữa.

Nhiều người tiên đoán: Có lẽ chỉ năm mười năm nữa, sách điện tử sẽ lấn át hẳn sách in trên giấy. Có thể lắm. Hiện nay chiến thắng của hình thức điện tử trên hình thức in cổ truyền đã thấy rõ trên các tạp chí. Theo chỗ tôi biết, hiện nay phần lớn các thư viện đại học đều hạn chế việc mua các ấn bản trên giấy. Thế vào đó, họ mua các ấn bản điện tử. Hình thức mới này tiết kiệm được nhiều thứ: nó không chiếm một không gian nào cả, do đó, không cần mở rộng diện tích thư viện; nó cũng không cần thêm nhân viên phục vụ; và cuối cùng, như là hệ quả của hai điều trên, nó không cần phải tăng thêm ngân sách. Mà sinh viên, giáo sư cũng như giới nghiên cứu lại hài lòng: Họ có một danh sách gần như vô tận các tạp chí trên thế giới để chọn lựa trên internet; việc tìm kiếm dễ dàng và nhanh chóng hơn; và việc đọc cũng tiện lợi hơn, có thể được tiến hành bất cứ lúc nào và hầu như bất cứ ở đâu, chỉ cần một điều kiện duy nhất: được nối mạng.

Một ngày nào đó, sách in trên giấy sẽ biến mất, hoặc nếu không mất hẳn thì cũng chỉ còn tồn tại một cách hẩm hiu trong một góc khuất nào đó trong nhà hoặc trong tiệm. Biết vậy, nhưng không thể không ngậm ngùi. Chúng ta đã quá quen với những cuốn sách cụ thể để có thể mân mê trên tay. Nhưng dù ngậm ngùi đến mấy, chúng ta cũng không thể chống lại cả xu hướng phát triển của lịch sử. Trận chiến ở đây không phải xảy ra trên bình diện xã hội. Mà là chính ngay trong tâm hồn từng người. Cuộc chiến chống lại một thói quen cũ.

Không dễ gì chiến thắng được thói quen. Nhưng không dễ không phải là không thể. Xin lấy kinh nghiệm của riêng tôi làm ví dụ: thói quen ấy cứ càng ngày càng bị ăn khuyết dần. Trước hết là trong lãnh vực báo chí. Tôi vẫn đọc báo hàng ngày nhưng từ nhiều năm nay, hầu như chỉ đọc trên internet. Báo in, tôi chỉ đọc trong các quán cà phê vào những ngày cuối tuần. Nhưng cũng chỉ đọc một cách hờ hững. Lý do chính là tôi đã đọc chúng trên internet vào mỗi sáng sớm khi mới thức dậy rồi.

Với các tạp chí chuyên ngành cũng vậy. Trước, tôi đặt mua dài hạn hai ba tờ tạp chí tiếng Anh, và, mỗi tháng vài ba lần, hay lên lảng vảng ở khu vực tạp chí trong thư viện đại học, mân mê tờ này tờ nọ. Sau, cả hai thói quen ấy đều dần dần biến mất. Tôi chỉ đọc tạp chí trên mạng. Thuộc lãnh vực khoa học xã hội và nhân văn, có các trung tâm phát hành tạp chí trên mạng lớn, như Academic Search Premier, Humanities International Complete, Project Muse và Sage Premier. Mỗi trung tâm chứa đựng bài vở của mấy trăm tạp chí chuyên ngành khác nhau trên thế giới. Tổng cộng số lượng tạp chí trên các trung tâm phát hành mạng ấy có lẽ lớn hơn bất cứ một thư viện nào trên thế giới.

Tuy nhiên, riêng với sách, tôi vẫn còn lưu luyến sách in theo lối truyền thống. Cách đây một hai năm, tôi tưởng đã có thể thay đổi được thói quen này một cách nhanh chóng. Tôi mua một cái Kindle của Amazon để đọc sách điện tử. Khi đặt mua, có chút nôn nao. Nhưng khi nhận được, cầm trên tay, lại thấy hờ hững hẳn. Tôi táy máy bật bật mở mở được vài ba ngày rồi bỏ. Sau đó, tôi lại mua một cái Ipad, nghĩ là nó đẹp hơn Kindle, mình có thể sẽ bị quyến rũ và dần dần tập được một thói quen mới. Cũng không. Chỉ vài ba ngày sau, cái Ipad bị vất vào góc nhà.

Có lẽ nhiều người cũng vậy. Một số đồng nghiệp của tôi cũng mua Kindle và/hoặc Ipad rồi lại bỏ. Và quay về với những cuốn sách in trên giấy quen thuộc. Với người Việt Nam, hình thức sách điện tử vẫn còn khá xa lạ. Tủ sách điện tử đầu tiên ở hải ngoại, do nhà văn Phùng Nguyễn ở Mỹ chủ trương và điều hành từ hơn một năm nay không có dấu hiệu gì khả quan cả. Đến nay, số lượng đầu sách được ấn hành là khoảng 30 cuốn. Tôi hỏi nhà văn Phùng Nguyễn: “Bán được bao nhiêu rồi?” Anh đáp: Khoảng 40 cuốn. Và nói thêm: Có thêm khoảng 60 cuốn được biếu không cho độc giả trong nước. Tổng cộng, như vậy, vừa bán vừa cho, trong một năm: 100 cuốn.

Con số ấy, ai cũng thấy, quá ít. Xin lưu ý: Sách trên “kesach.org” phần lớn thuộc loại khá chọn lọc, trong đó, có nhiều cuốn nổi tiếng và được xem là những thành tựu trong văn học hải ngoại. Giải thích thế nào về số người đọc ít ỏi ấy? Tôi nghĩ họ không từ chối sách. Họ chỉ từ chối một hình thức mới của sách: bằng điện tử.

Nhưng từ chối đến bao giờ?

Tôi không tin là lâu lắm.

Bản thân tôi, tôi đã từng thua cuộc trong hai lãnh vực: báo và tạp chí. Bây giờ tôi vẫn còn mê mua sách và đọc loại sách in trên giấy. Nhưng không có gì chắc một vài năm nữa, tôi sẽ không thay đổi.

Chúng ta đang sống trong một thời đại mọi sự đều thay đổi như vũ bão. Một thói quen đọc sách có sá gì chứ?

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG