Đường dẫn truy cập

Bắc Triều Tiên: Không cần đàm phán thêm về quân sự với miền Nam


Ðại tá Moon Sang-gyun dẫn đầu phái đoàn Nam Triều Tiên trả lời các phóng viên sau khi rời khỏi các cuộc họp quân sự với miền Bắc, ngày 8/2/2011
Ðại tá Moon Sang-gyun dẫn đầu phái đoàn Nam Triều Tiên trả lời các phóng viên sau khi rời khỏi các cuộc họp quân sự với miền Bắc, ngày 8/2/2011

Quân đội Bắc Triều Tiên nói họ sẽ không cần mở thêm các cuộc đàm phán với các cấp sĩ quan Nam Triều Tiên. Phát biểu được đưa ra một ngày sau khi các cuộc thảo luận sơ khởi giữa hai bên sụp đổ. Từ Seoul, thông tín viên VOA Steve Herman gửi về bài tường thuật sau đây.

Bình Nhưỡng đổ lỗi cho miền Nam về việc các cuộc đàm phán quân sự sụp đổ. Quân đội Bắc Triều Tiên hôm nay nói rằng các cấp đại tá của miền Nam đã rời khỏi cuộc họp ở Bản Môn Điếm bởi vì họ bác bỏ việc đối thoại và không muốn thấy bang giao được cải thiện.

Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên nói chính phái đoàn miền Bắc đã bỏ họp mà không đưa ra lời bình luận sau một cuộc trao đổi gay gắt hồi hôm qua.

Tuyên bố của Bắc Triều Tiên tương đối hòa dịu hơn so với các nhận định đã từng đưa ra sau những gián đoạn tương tự trong khi thương nghị. Tuyên bố đó còn nói thêm rằng quân đội và nhân dân của Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ “năn nỉ” để xin hòa bình.

Ông Park Kie-duck là một nhà khảo cứu kỳ cựu tại Viện Sejong, một tổ chức nghiên cứu chính sách ở Seoul.

Ông Park nói ông tin rằng Bình Nhưỡng muốn để ngỏ cánh cửa cho các cuộc đàm phán trong tương lai và không muốn bang giao tiếp tục bị gián đoạn.

Đại biểu dẫn đầu phái đoàn của miền Nam, đại tá Moob Sang-gyun, nói rằng cánh cửa vẫn mở rộng cho các cuộc đàm phán quân sự cấp cao nhưng Bình Nhưỡng phải chấp nhận điều kiện của Seoul là nhận lãnh trách nhiệm về hai sự cố gây chết người hồi năm ngoái.

Nam Triều Tiên cho rằng một ngư lôi của Bắc Triều Tiên đã đánh đắm một trong những tầu hải quân của họ trong Hoàng Hải hồi tháng 3 năm ngoái.

Phía Bắc Triều Tiên không chịu nhận là có dính líu đến vụ việc này. 7 tháng sau, Bắc Triều Tiên lại pháo kích vào một hòn đảo của Nam Triều Tiên cũng trong vùng hải phận đó, nhưng chưa chịu xin lỗi, theo như yêu cầu của Seoul.

Chuyên gia phân tích Park của Viện Sejong nói rằng có phần chắc Bình Nhưỡng sẽ là tiếp xúc trước để đề nghị một cuộc họp cấp đại tá khác.

Ông Park nói đó là bởi Trung Quốc, nước bảo trợ và ủng hộ cho Bắc Triều Tiên, muốn tổ chức các cuộc đàm phán liên Triều. Thêm nữa, theo ông Park, Seoul đã khẳng định rõ sẽ không tiếp tục các cuộc đàm phán nếu Bình Nhưỡng không chịu thay đổi thái độ và chứng tỏ sự thành thực.

Các giới chức Nam Triều Tiên cho biết họ cũng muốn đạt được tiến bộ trong cuộc đối thoại quân sự trước khi cho phép mở các cuộc đàm phán giữa các hội chữ thập đỏ về việc tiếp tục các cuộc xum họp gia đình ngang qua biên giới được canh phòng cẩn mật.

Hoa Kỳ, Nam Triều Tiên và Nhật Bản cũng đã tỏ ý cho biết các cuộc đàm phán đa quốc về các chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên sẽ không thể được tiến hành cho đến khi nào có tiến bộ trong các cuộc thảo luận giữa Bình Nhưỡng và Seoul.

Các cuộc đàm phán hạt nhân cũng có sự tham gia của Trung Quốc và Nga, là những nước đã đề nghị mở vòng đàm phán mới. Bắc Triều Tiên đã rút ra khỏi tiến trình đàm phán vào năm 2009 và đã đuổi các thanh sát viên hạt nhân của Liên Hiệp Quốc.

Quan ngại đã gia tăng về việc Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân sau khi năm ngoái Bắc Triều Tiên công bố một chương trình tinh chế uranium mở rộng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG