Đường dẫn truy cập

Không xuất hiện ở Moscow, Snowden vẫn có tác động lớn trên thế giới


Những người biểu tình ủng hộ Edward Snowden bên ngoài tòa Lãnh sự Mỹ ở Hồng Kông, 13/6/2013
Những người biểu tình ủng hộ Edward Snowden bên ngoài tòa Lãnh sự Mỹ ở Hồng Kông, 13/6/2013
Edward Snowden, người Mỹ nổi tiếng nhất ở Moscow, sắp đánh dấu sáu tháng ở Nga. Cho đến nay, ông ta đã không có cuộc gặp trực diện nào với các ký giả và không có cuộc gặp gỡ nào với công chúng.

Ba cuộc gặp gỡ của ông ta với người ngoài là những sự kiện được tổ chức cẩn thận với các khách thăm có cảm tình. Hai bức hình mờ được công bố dường như cho thấy nhân viên tình báo Mỹ tiết lộ bí mật đang bị truy nã ở bên ngoài một siêu thị và trên một cây cầu ở Moscow.

Luật sư của ông ta là Anatoly Kucherena nói ông Snowden đã bắt đầu một công việc vào ngày 1 tháng 11, nhưng không cho biết ở đâu. Kucherena là một thành viên trong ban kiểm tra của FSB, là cơ quan tình báo nội địa chính của Nga.

Andrei Soldatov, một chuyên gia về các cơ quan tình báo Nga, tin rằng FSB đã kiểm soát cuộc sống mới của Snowden một cách kín đáo, nhưng nghiêm nhặt.

Soldatov cùng với Irina Borogan là đồng tác giả cuốn “The New Nobility” (“Thành phần trưởng giả mới”), nói về lịch sử cơ quan an ninh mới của Nga.

Snowden được cho tỵ nạn ở Moscow hồi tháng 8 với điều kiện ông ta không gây cản trở bang giao giữa Moscow và Washington. Snowden không họp báo ở Moscow.

Ông ta nói ông ta đã giao tất cả các hồ sơ điện toán đánh cắp được cho các ký giả có thiện cảm trước khi bay đến Moscow vào ngày 23 tháng 6.

Trò chơi thông minh

Nhưng Soldatov nhận xét rằng luồng liên tục các câu chuyện gián điệp thúc đẩy xa hơn các mục tiêu chính sách đối ngoại của điện Kremli.

Ông này nói, “Ðây là một trò chơi rất thông minh.”

Những tiết lộ về việc Hoa Kỳ do thám đã gây ra một hố chia rẽ giữa Washington và châu Âu, nơi phía Pháp và Ðức bực bội về các chương trình do thám sâu rộng của Mỹ. Các tiết lộ khác về do thám đã khuấy động bang giao với Mexico và Brazil, hai cường quốc ở châu Mỹ Latinh.

Giám đốc Trung tâm Carnegie ở Moscow Dmitri Trenin nói các nhà lãnh đạo thế giới hoặc là ngây thơ về mức độ do thám đang diễn tiến, hoặc đang giả vờ phản đối. Hồi thập niên 1980, ông Trenin làm việc cho lực lượng quân đội Xô Viết ở Ðông Ðức, theo dõi sát các đối tác Mỹ.

Ông Trenin nói: “Thực ra, trên thế giới này, anh do thám các đối thủ, nhưng anh cũng thu thập tin tức tình báo về các đồng minh của mình. Ðây là một trong các luật cổ xưa nhất của trò chơi. Hoa Kỳ đã ở Ðức từ năm 1945, và sau 1945, chính phủ Hoa Kỳ đã muốn biết chính xác chính phủ Ðức suy nghĩ gì.

Ông Trenin và những người khác cho rằng mọi người đã quên - hoặc không biết – về mức độ thu thập tin tức tình báo.

Ðề cập đến quân đội Nga và các đồng minh thương mại, ông nói: “Tôi sẽ rất tức giận với chính phủ Nga nếu chính phủ Nga không thu thập thông tin về tất cả các nước có liên hệ đến Nga.”

Kiểm soát toàn diện

Ông Soldatov lo ngại rằng chiến dịch minh bạch của ông Snowden sẽ có phản tác dụng.

Ông nói những tiết lộ đã khiến các nước độc tài như Nga và Trung Quốc mạnh tay hơn. Họ tìm cách chấm dứt sự lưu chuyển tự do thông tin trên mạng toàn cầu, và xây dựng các bức tường “kiểm soát toàn diện.”

Bàn về Snowden và các đối tác ký giả của ông ta, Soldatov nói: “Họ thực sự tin rằng tất cả mọi người phải chống lại sự xấu xa to lớn hơn này, bởi vì các cơ quan của Mỹ, có thể vươn tới khắp hoàn cầu, họ tiếp cận được với các dịch vụ, và với dịch vụ của các công ty mà tất cả mọi người trên hành tinh tìm cách sử dụng – các dịch vụ toàn cầu như email, Facebook và Twitter.”

Thực vậy, nước đón tiếp Snowden là Nga đang chuyển nhanh theo hướng đối nghịch, theo hướng chính phủ theo dõi nhiều hơn. Tháng này, Nga đang chuẩn bị một bộ luật dành cho FSB truy cập tự động vào nội dung của tất cả các email, tin nhắn nhanh và các cú điện thoại ở Nga.

VOA Express

XS
SM
MD
LG