Đường dẫn truy cập

Không có tương lai ở Thổ Nhĩ Kỳ, người tị nạn muốn đi Châu Âu


Đám đông người nhập cư, chủ yếu là từ Syria, chờ đợi tại một trạm xe buýt ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Người tị nạn cho biết họ được cứu trợ ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng không tìm được công ăn việc làm. Một số người nói họ đã cố gắng nhiều tháng ròng để có được một công việc đàng hoàng nhưng thất bại.
Đám đông người nhập cư, chủ yếu là từ Syria, chờ đợi tại một trạm xe buýt ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Người tị nạn cho biết họ được cứu trợ ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng không tìm được công ăn việc làm. Một số người nói họ đã cố gắng nhiều tháng ròng để có được một công việc đàng hoàng nhưng thất bại.

Thổ Nhĩ Kỳ đang chứa chấp gần 2 triệu người tị nạn, chủ yếu là người Syria. Chính phủ nước này cung cấp các trại cứu trợ, nhưng người tị nạn nói họ không chỉ cần thức ăn và nước uống, họ muốn có một tương lai bao gồm một cuộc sống đàng hoàng. Cho nên, họ hướng về Châu Âu. Thông tín viên VOA, Ayesha Tanzeem, tường trình từ tỉnh biên giới Edirne của Thổ Nhĩ Kỳ.

Đây là một ngôi mộ biểu tượng, một thông điệp rõ ràng tới Châu Âu rằng: Hãy mở đường biên giới. Đừng bắt chúng tôi phải thực hiện những chuyến hải hành hiểm trở đã cướp đi mạng sống của nhiều người.

Hàng trăm di dân cắm trại ngoài trời tại tỉnh biên giới Edirne của Thổ Nhĩ Kỳ, chờ đợi cơ hội đi vào Hy Lạp hay Bulgaria bằng đường bộ. Trong số này có các gia đình, các đứa trẻ sơ sinh, thậm chí có một số người ngồi xe lăn.

Nhiều người đã ở Thổ Nhĩ Kỳ chờ cho cuộc chiến tại Syria kết thúc, nhưng nay hy vọng của họ đang phai nhạt.

Ông Mohammad Ibrahim phát biểu:

‘Có thể là 20, 30, hay 10 năm không chừng, nhưng cuộc chiến không chấm dứt, có lẽ là mãi mãi.’

Những người tị nạn này đang trở nên tuyệt vọng. Người đàn ông này cho biết ông đã cố vượt biển 4 lần để tới Hy Lạp.

Thống đốc của Edirne đã nỗ lực thuyết phục họ trở về Istanbul, hứa hẹn sẽ gửi họ sang Châu Âu nếu châu lục này tiếp nhận, nhưng họ đả đảo ông.

Người tị nạn cho biết họ được cứu trợ ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng không tìm được công ăn việc làm. Một số người nói họ đã cố gắng nhiều tháng ròng để có được một công việc đàng hoàng nhưng thất bại.

Ông Jalal Karmasiah là một người trong số đó, ông nói:

"Trong số chúng tôi có những kỹ sư, bác sĩ nhưng không tìm được việc làm, thậm chí không thể có được một căn nhà nhỏ cho gia đình được an toàn."

Sau 9 tháng, tất cả những gì mà người đàn ông này có thể dành dụm được là 55 Euro để đi xe buýt tới Châu Âu.

Một số di dân than phiền về việc bị các doanh nghiệp địa phương bóc lột. Họ nói họ làm việc nhiều giờ nhưng chỉ được mức lương phân nửa so với dân địa phương. Đa số cho hay họ không thể kiếm đủ tiền để tiếp tục cuộc hành trình.

Những người khác bị ngược đãi bởi nhóm Nhà nước Hồi giáo hay chính phủ của Tổng thống Syria, Bashar al-ssad, và giờ đây họ muốn có một cuộc sống tốt hơn.

Bà Umm E Osama, một di dân người Syria nói:

"Tôi muốn ra đi vì con cái, tôi muốn chúng có tương lai."

Trong số họ có những người trẻ mong muốn được tiếp tục mơ ước của mình. Một thanh niên đưa ra mảnh bằng kỹ sư công nghệ phần mềm. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, anh buộc phải làm việc cho một nhà hàng 16 tiếng mỗi ngày với một mức lương thấp.

Những người cắm trại ở sân vận động này quả quyết rằng bất kể phải mất bao lâu nữa mới mở cửa đường biên giới, họ sẽ không đi đâu hết.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG