Đường dẫn truy cập

Người Mỹ có quan điểm 'tích cực' hơn về Trung Quốc


Dù nhiều vấn đề gai góc như thương mại, Bắc Triều Tiên và Biển Đông sẽ là trọng tâm thảo luận trong cuộc hội kiến sắp sửa diễn ra giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, một cuộc khảo sát mới cho thấy người dân Mỹ đang có quan điểm bớt tiêu cực hơn về Trung Quốc.

Trung tâm Nghiên cứu Pew hôm 4/4 công bố kết quả khảo sát cho thấy 44 phần trăm người dân Mỹ được khảo sát trong năm nay có quan điểm tích cực về Trung Quốc, tăng lên từ mức 37 phần trăm vào năm ngoái. Quan điểm tiêu cực về Trung Quốc sụt xuống mức 47 phần trăm từ mức 55 phần trăm hồi năm ngoái.

“Tỉ lệ tích cực tăng lên đối với Trung Quốc có thể một phần là bởi vì những mối lo ngại về những mối nguy kinh tế đến từ Trung Quốc đang suy giảm,” Pew nói trong bản báo cáo về cuộc khảo sát.

Ví dụ, từ năm 2012 đến năm 2017 mối lo ngại về khối lượng nợ của Mỹ do Trung Quốc nắm giữ giảm từ 80 xuống 60 phần trăm, về công ăn việc làm ở Mỹ rơi vào tay Trung Quốc giảm từ 71 xuống 53 phần trăm, và về thâm hụt mậu dịch của Mỹ với Trung Quốc giảm từ 60 xuống 44 phần trăm. Song lo ngại về những vụ tấn tấn công mạng tăng từ 50 lên 55 phần trăm.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy nếu nhỡ mà một đồng minh châu Á của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc Philippines vướng vào xung đột vũ trang với Trung Quốc thì đa số người Mỹ (58 phần trăm) sẽ ủng hộ việc sử dụng vũ lực với Bắc Kinh. Quan điểm này được những người thuộc mọi tư tưởng chính trị khác nhau tán đồng.

Chủ tịch Trung Quốc không giành được thiện cảm của phần lớn những người được khảo sát: 60 phần trăm nói rằng họ không tin tưởng mấy hoặc không hề tin tưởng là ông Tập sẽ làm điều đúng đắn trong những vấn đề toàn cầu. Chỉ có 31 phần trăm nói rằng rất tin tưởng hoặc ít nhất phần nào tin tưởng vào nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Ông Lê Khắc Lý, một người Mỹ gốc Việt sinh sống tại thành phố Garden Grove ở bang California, chưa bao giờ có cái nhìn tích cực về Trung Quốc. Lịch sử đối đầu hàng ngàn năm qua giữa Trung Quốc và Việt Nam đã định hình quan điểm cứng rắn của ông về cường quốc kinh tế lớn thứ hai của thế giới.

“Nói chung người Trung Hoa không phải là bạn chí thiết lâu đời của dân tộc Việt Nam,” ông Lý nói. “Trung Hoa luôn luôn là nước dòm ngó những nước láng giềng để lấy về làm chư hầu cho họ, từ trước đến này từ thời quân chủ hay là thời sau này của Cộng sản.”

Vị cựu đại tá quân đội Việt Nam Cộng hòa này tỏ ra ngờ vực hơn nữa khi ông nói về Trung Quốc, hay Trung Hoa Cộng sản theo cách gọi của ông. Ông xem những hành động quyết đoán của Trung Quốc nhằm củng cố những tuyên bố chủ quyền của họ ở Biển Đông là một phần trong “tham vọng bành trướng lãnh thổ” của nước này.

“Cái việc bành trướng lãnh thổ qua những việc xây đắp những căn cứ quân sự trên mấy hòn đảo mà không thuộc Trung Hoa Cộng sản như Hoàng Sa Trường Sa của chúng ta là một mối nguy hại chung cho cả thế giới nói chung và nói riêng cho Việt Nam,” ông Lý bày tỏ lo ngại.

Nhìn chung, người Mỹ lớn tuổi có khuynh hướng nhìn thấy nhiều thách thức nghiêm trọng trong mối quan hệ Mỹ-Trung hơn là những người trẻ tuổi, trong khi những người trẻ tuổi lại có cách nhìn nhận tích cực hơn về Trung Quốc trong hầu hết các vấn đề mà Pew khảo sát.

Samuel Thien Lam, 35 tuổi, một luật sư chuyên trách về luật tài sản trí tuệ ở thành phố San Francisco, bang California, có quan điểm dung hòa về Trung Quốc và chủ nghĩa cộng sản. Cũng như nhiều người Mỹ gốc Việt thuộc thế hệ thứ hai sinh trưởng tại Mỹ, thế giới quan của anh được định hình bởi những kinh nghiệm rất khác biệt so với những gì mà cha mẹ anh từng trải qua.

Có cha từng là quân nhân trong quân đội Việt Nam Cộng hòa, anh Samuel cho biết anh lớn lên với nỗi lo ngại chung chung về chủ nghĩa cộng sản và các chế độ cộng sản, nhưng anh nói điều đó cũng tiến triển theo thời gian trong gia đình anh. “Mặc dù tôi vẫn còn ít nhiều những lo ngại đó nhưng nó không sâu sắc như là thế hệ của cha mẹ tôi,” anh chia sẻ.

Anh xem mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ có tính “biện chứng” và có tác động qua lại thay vì áp đặt lên nhau, và vấn đề nghiêm trọng nhất với Trung Quốc là “những lo ngại về những giá trị và chuẩn mực văn hóa chung, cụ thể là liên quan tới nhân quyền.”

4:58 “Tôi sẽ không gọi đó là mối đe dọa từ Trung Quốc nhưng tôi nghĩ đó là một tập hợp những thách thức mà nếu Mỹ và Trung Quốc muốn hợp tác với nhau thì họ họ phải tìm cách giải quyết hoặc thỏa hiệp,” anh Samuel nói thêm.

Cuộc khảo sát 1.505 người ở Mỹ được Pew thực hiện từ tháng 2 tới tháng 3 và được công bố vài ngày trước cuộc họp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo tại khu dinh thự Mar-a-Lago của ông Trump tại thành phố Palm Beach, bang Florida vào ngày thứ Năm và thứ Sáu.

Trong một dòng tin đăng trên Twitter vào tuần trước, ông Trump cảnh báo cuộc gặp gỡ với ông Tập “sẽ rất khó khăn” vì Mỹ “không thể nào chịu thâm hụt mậu dịch nặng và mất mát việc làm ồ ạt được nữa.”

Khảo sát: Người Mỹ có quan điểm tích cực hơn về Trung Quốc
please wait

No media source currently available

0:00 0:02:16 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG