Đường dẫn truy cập

Lực lượng Mỹ, Hàn Quốc được đặt trong tình trạng báo động cao


Binh sĩ Hàn Quốc trên xe pháo di động tại trường đào tạo ở Paju, Hàn Quốc, ngày 7/1/2016.
Binh sĩ Hàn Quốc trên xe pháo di động tại trường đào tạo ở Paju, Hàn Quốc, ngày 7/1/2016.

Các lực lượng quân sự của Mỹ và Nam Triều Tiên trên bán đảo Triều Tiên đã được đặt trong tình trạng báo động cao sau khi Bắc Triều Tiên tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư vào ngày 6 tháng 1. Từ Seoul, thông tín viên Brian Padden của đài chúng tôi gởi về bài tường thuật.

Có tin cho biết Không quân Mỹ đã điều động máy bay thu thập dữ liệu khí quyển từ Căn cứ Không quân Kadena ở Okinawa để thu thập những phân tử bức xạ do vụ nổ ở Bắc Triều Tiên gây ra để xác định xem phải chăng đây là kết quả của một vụ nổ bom nhiệt hạch như Bình Nhưỡng tuyên bố.

Washington và Seoul không tin chương trình phát triển hạt nhân của Bình Nhưỡng đã tiến bộ đủ để sản xuất một quả bom nhiệt hạch, có cường độ lớn hơn nhiều so với ba quả bom nguyên tử mà họ đã thử nghiệm trước đây.

Bộ trưởng Quốc phòng Nam Triều Tiên Han Min Koo và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter hôm 7 tháng 1 đã bàn tới những biện pháp ứng phó mà liên minh Mỹ-Hàn đang xem xét, ngoài việc thực hiện những cuộc thao dượt chung. Ông Han Min Koo phát biểu như sau:

"Cả hai vị bộ trưởng đã đồng ý với nhau là Bắc Triều Tiên phải trả một cái giá cho hành vi khiêu khích của họ."

Kho vũ khí hạt nhân không ngừng gia tăng của Bắc Triều Tiên

Người ta tin Bắc Triều Tiên có đủ plutonium để chế từ 8 đến 12 quả bom hạt nhân. Nhiều nhà phân tích an ninh cho rằng số bom như vậy là quá đủ để ngăn chận một cuộc xâm lăng mà Bình Nhưỡng nghĩ là Hoa Kỳ hay Nam Triều Tiên có thể thực hiện.

Bộ trưởng Quốc phòng Nam Triều Tiên Han Min Koo và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter hôm 7/1 đã bàn tới những biện pháp ứng phó mà liên minh Mỹ-Hàn đang xem xét, ngoài việc thực hiện những cuộc thao dượt chung. (Ảnh tư liệu)
Bộ trưởng Quốc phòng Nam Triều Tiên Han Min Koo và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter hôm 7/1 đã bàn tới những biện pháp ứng phó mà liên minh Mỹ-Hàn đang xem xét, ngoài việc thực hiện những cuộc thao dượt chung. (Ảnh tư liệu)

Ngay cả trong trường hợp vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư này không mạnh như một quả bom hydro, điều đó vẫn cho thấy chương trình phát triển hạt nhân của Bắc Triều Tiên trong vài năm qua đã chuyển đổi từ một vị thế phòng vệ sang một vị thế có tính chất tấn công nhiều hơn.

Có tin cho biết Bình Nhưỡng năm ngoái đã khởi động lại một nhà máy tinh chế uranium để sản xuất thêm nhiên liệu dùng để chế bom hạt nhân.

Theo ước tính của Viện Khoa học và An ninh Quốc tế ở Washington, kho vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên có thể tăng tới mức từ 20 đến 100 quả bom vào năm 2020.

Vụ thử nghiệm hạt nhân tuần này diễn ra sau khi có tin nói rằng Bắc Triều Tiên đầu tháng này đã thất bại trong một vụ thử nghiệm phi đạn đạn đạo bắn từ tàu ngầm. Nếu chương trình này thành công, Bình Nhưỡng sẽ có khả năng tấn công bất kỳ nơi nào trên thế giới, kể cả Hoa Kỳ.

Năm ngoái, giới hữu trách quân sự Mỹ cho biết họ tin rằng Bắc Triều Tiên có khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn vào phi đạn tầm xa KN-08, tuy Bắc Triều Tiên chưa chứng tỏ khả năng này.

Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục phát triển kỹ thuật phi đạn tầm xa. Các chuyên gia tin rằng Bình Nhưỡng có 1.000 phi đạn kiểu Sô viết có thể bắn tới các mục tiêu ở Nam Triều Tiên và Nhật Bản.

Ông Robert Kelly, một nhà phân tích Bắc Triều Tiên của Đại học Quốc gia Pusan, cho biết như sau:

"Những vũ khí này không còn chỉ để trả đũa hay để phòng vệ. Những vũ khí này có thể nói là loại vũ khí phá vỡ xã hội. Nếu quí vị thả một quả bom nhiệt hạch xuống Seoul hay vài quả xuống những thành phố lớn của Nam Triều Tiên, quí vị không chỉ giết chết rất nhiều người, mà quí vị còn đe dọa tới khả năng tiếp tục hoạt động như một quốc gia của Nam Triều Tiên."

Các lựa chọn về quân sự

Về mặt quân sự, Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên phải tìm cách cân bằng giữa việc hành động để ngăn chận và răn đe với việc khích động một cuộc xung đột rộng lớn hơn.

Sau khi Bắc Triều Tiên thử nghiệm một cơ cụ hạt nhân vào năm 2013, Washington đã phái hai chiếc oanh tạc cơ tàng hình B-2 có khả năng mang bom hạt nhân bay tới Nam Triều Tiên để biểu dương sức mạnh.

Các giới chức quốc phòng Nam Triều Tiên cũng đã nhấn mạnh tới kế hoạch của họ để tăng cường khả năng phòng chống phi đạn tầm ngắn.

Một số nhà lập pháp Nam Triều Tiên đang hô hào cho việc tự phát triển vũ khí hạt nhân để ứng phó với mối đe dọa mỗi ngày một lớn của Bắc Triều Tiên.

Dân biểu Won Yoo Chul, thuộc đảng Saenuri đương quyền, phát biểu như sau:

"Để chống lại sức mạnh hạt nhân của Bắc Triều Tiên, tôi nghĩ rằng chúng ta đã tới lúc phải có sức mạnh hạt nhân hoà bình để tự vệ. Không ai có thể bảo vệ cho an ninh của chúng ta."

Bộ trưởng quốc phòng Nam Triều Tiên đã nhanh chóng bác bỏ những đề nghị về việc bố trí vũ khí hạt nhân ở Nam Triều Tiên.

Ảnh tư liệu binh sĩ Mỹ đứng gác ở Panmunjom trong khu phi quân sự ngăn cách hai miền Triều Tiên ở Paju.
Ảnh tư liệu binh sĩ Mỹ đứng gác ở Panmunjom trong khu phi quân sự ngăn cách hai miền Triều Tiên ở Paju.

Cũng có một số người lập lại đề nghị là Nam Triều Tiên nên thiết lập hệ thống THAAD, tức hệ thống phòng thủ phi đạn từ trên cao.

Giáo sư Robert Kelly nhận định: "Tôi nghĩ rằng Nam Triều Tiên nên bắt đầu nghiêm túc xét tới việc thiết lập THAAD. Tôi muốn thấy Hoa Kỳ, Nam Triều Tiên và Nhật Bản thật sự bắt đầu những nỗ lực nghiêm túc về phòng thủ phi đạn khu vực. Nếu chúng ta đi theo con đường này và hoạt động ngoại giao không mang lại hiệu quả, tôi e rằng chúng ta sẽ thấy nhiều người bắt đầu đòi tiến hành những vụ không kích."

Có tin cho biết Bắc Kinh phản đối việc bố trí hệ thống THAAD trong khu vực vì nó có thể được dùng để ngăn cản phi đạn của Trung Quốc.

Các giới chức ở Seoul hôm 7 tháng 1 nói rằng Bình Nhưỡng nhắm tới hai mục tiêu khi tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân: về mặt đối ngoại, họ muốn ép cộng đồng quốc tế thừa nhận nước họ là một cường quốc hạt nhân; và về mặt đối nội, đây là một hành động chứng tỏ sức mạnh của nhà lãnh đạo trẻ tuổi để củng cố quyền lực trước một hội nghị quan trọng của đảng đương quyền trong năm nay.

Tại cuộc họp báo hôm 7/1, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nam Triều Tiên, ông Cho June Hyuck, cho biết: "Về mặt nội bộ, chúng tôi cho rằng Bắc Triều Tiên đang tìm cách lợi dụng vụ thử nghiệm này để chứng tỏ thành tích của ông Kim Jong Un trước Đại hội Đảng lần thứ 7.

Vụ thử nghiệm của Bắc Triều Tiên đã gặp phải sự chỉ trích trên khắp thế giới, ngay cả từ Trung Quốc -- là đồng minh chủ yếu và nước cung cấp những sự hỗ trợ quan trọng về kinh tế.

Các nhà quan sát cho rằng Liên Hiệp Quốc có phần chắc sẽ gia tăng các biện pháp chế tài kinh tế và ngoại giao đối với chế độ Kim Jong Liên Hiệp Quốc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG