Đường dẫn truy cập

Có thể dung hòa trong kế hoạch di dời binh sỹ Mỹ khỏi Okinawa


Máy bay quân sự và máy bay trực thăng tại căn cứ Futenma ở Ginowan, Okinawa, Nhật Bản, 17/12/2009 (hình lưu trữ)
Máy bay quân sự và máy bay trực thăng tại căn cứ Futenma ở Ginowan, Okinawa, Nhật Bản, 17/12/2009 (hình lưu trữ)

Các giới chức Nhật và Hoa Kỳ đang thảo luận về một dung hòa có thể đạt được về kế hoạch đã bị đình đốn từ rất lâu, di dời hàng ngàn Thủy quân Lục chiến Mỹ ra khỏi đảo Okinawa ở miền nam nước Nhật. Vụ di dời được coi là một phần thiết yếu của việc điểu chỉnh lại các lực lượng Mỹ trong khu vực Thái Bình Dương vào một lúc mà Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh quân sự.

Các giới chức Nhật cho biết Washington và Tokyo đang tìm cách tách vấn đề đóng cửa các căn cứ tại Okinawa ra khỏi vấn đề chuyển các Thủy quân Lục chiến ra khỏi đảo Okinawa ở phía nam nước Nhật.

Người ta hy vọng là làm như vậy sẽ khai thông được bế tắc trong các cuộc thảo luận. Vấn đề này vẫn được các giới chức của cả hai nước duyệt xét từ nhiều năm nay mà chưa tìm được một giải pháp.

Lên tiếng tại quốc hội hôm thứ Ba Thủ tướng Nhật nói hiện còn quá sớm chưa thể thảo luận về những chi tiết cụ thể của một thỏa ước mới.

Thủ tướng Noda cho biết chính phủ ông muốn giải quyết vấn đề này nhanh chừng nào tốt chừng nấy và muốn linh động trong những giải pháp.

Theo các giới chức tại cuộc họp, những giải pháp được đem ra thảo luận ở đây gồm: di dời gần 5 ngàn Thủy quân Lục chiến, tức là thấp xa dưới mức 8 ngàn như kế hoạch lúc đầu, từ căn cứ Futenma ở Okinawa đến đảo Guam, một lãnh địa của Hoa Kỳ trong Thái Bình Dương. Giới lãnh đạo chính trị tại đây cho biết số thủy quân lục chiến còn lại sẽ được chuyển đến một căn cứ không quân có sẵn của thủy quân lục chiến tại Iwakuni, trong nội địa của Nhật, cũng như những nơi khác trong khu vực Thái Bình Dương, trên căn bản luân phiên.

Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài George Little nói ông không thể xác nhận về bất cứ một thỏa thuận mới nào đạt được từ loạt thảo luận mới nhất, khởi sự hôm thứ Hai, với các giới chức Nhật tại bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Ông nói: "Từ nhiều năm nay chúng tôi đã thảo luận với những người tương nhiệm bên phía Nhật Bản để bàn về kế hoạch di dời và việc có thể dọn tới Guam. Điều căn bản là chúng tôi vẫn cam kết với kế họach phác họa và vẫn tiếp tục các cuộc thương thuyết với Nhật.”

Nhiều cư dân trên đảo Okinawa chống đối sự hiện diện của các Thủy quân lục chiến tại đây.

Chung quanh căn cứ không quân tại Futenma là một khu vực đông nghẹt dân cư. Năm 1996 cả Hoa Kỳ lẫn Nhật Bản đều đồng ý sẽ đóng cửa cơ sở này. Nhưng những kế hoạch xây một căn cứ thay thế cho thủy quân lục chiến tại một nơi thưa thớt cư dân hơn ở gần bờ biển của Okinawa đã gặp chống đối mạnh của các nhà bảo vệ môi trường và những tổ chức khác.

Những tin đồn về một dung hòa có thể đạt được bằng cách tách vấn đề di dời binh sỹ thủy quân lục chiến ra khỏi chuyện đóng cửa căn cứ đang gây ra tranh cãi tại Nhật.

Những tổ chức chống đối căn cứ Mỹ trên đảo Okinawa, nơi tiếp nhận nhiều nhất sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ tại Nhật, lo ngại rằng tách rời 2 vấn đề có nghĩa là sẽ còn chậm trễ nữa trong việc đóng cửa căn cứ Futenma.

Và tại Iwakuni, Thị trưởng Yoshihiko Fukuda cho biết người dân trong cộng đồng của ông không muốn nhận thêm các Thủy quân lục chiến Mỹ. Những kế hoạch hiện đang được xúc tiến để chuyển các máy bay phản lực chiến đấu được các hàng không mẫu hạm sử dụng đến căn cứ không quân tại đây.

Thị trưởng Yoshihiko Fukuda nói Iwakuni muốn giải quyết vấn đề, lập trường của thành phố là không chịu thêm gánh nặng liên quan đến những hoạt động quân sự nữa.

Tỉnh trưởng tỉnh Yamaguchi, nơi thành phố Iwakuni tọa lạc, cũng lên tiếng chống đối. Ông Sekinari Nii nói nếu như chính phủ trung ương thúc đẩy chuyện di dời thì lúc đó ông có thể rút lại lời cam kết đưa ra hồi tháng Chạp năm ngoái, chấp thuận việc bán đất để xây nơi cư trú cho các gia đình binh sỹ Mỹ.

Các giới chức Mỹ-Nhật đang hy vọng đạt được thỏa thuận về một kế họach được sửa đổi lại toàn bộ đúng vào dịp Thủ tướng Noda đến thăm Washington, theo dự trù sẽ diễn ra trong vài tháng nữa.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG