Đường dẫn truy cập

Nhật Bản sẽ phóng thích viên thuyền trưởng trong vụ đụng tàu


Cảnh sát Trung Quốc canh gác trước sứ quán Nhật Bản ở Bắc Kinh
Cảnh sát Trung Quốc canh gác trước sứ quán Nhật Bản ở Bắc Kinh

Các công tố viên Nhật Bản cho hay họ sẽ phóng thích viên thuyền trưởng của chiếc tàu đánh cá đã bị giữ kể từ khi chiếc thuyền của ông đụng phải các tàu tuần của Nhật Bản trong vùng biển có tranh chấp. Sự cố này đã khiến Trung Quốc phẫn nổ, và trả đũa bằng cách hủy bỏ các cuộc họp với các giới chức Nhật Bản, và theo lời giới thương gia, đã đình chỉ việc gửi các hàng xuất khẩu cấp thiết. Từ Bắc Kinh, thông tín viên VOA Stephanie Ho gửi về bài tường thuật sau đây.

An ninh rõ ràng đã được tăng cường trước sứ quán Nhật Bản ở Bắc Kinh ngày hôm nay, mặc dù không có mấy dấu hiệu về những cuộc biểu tình lẻ tẻ đã xảy ra trong mấy tuần vừa qua.

Ngay sau khi các công tố viên Nhật cho hay họ sẽ trả tự do cho viên thuyền trưởng Trung Quốc bị bắt giữ, Trung Quốc nói sẽ gửi một chuyến bay thuê bao để đưa ông ta về nước.

Giới hữu trách Nhật Bản đã bắt giữ viên thuyền trưởng này hồi đầu tháng sau khi chiếc tàu đánh cá của ông ta đụng phải các tàu tuần tra của Nhật Bản gần nhóm đảo mà cả Tokyo lẫn Bắc Kinh đều nhận chủ quyền.

Trung Quốc gọi vụ bắt giữ này là bất hợp pháp, và đã hủy bỏ các cuộc họp ngoại giao và các vụ trao đổi học sinh. Có tin trong tuần này Bắc Kinh còn đình chỉ cả các chuyến hàng gửi qua Nhật Bản những lại khoáng sản đất hiếm cần thiết cho việc chế tạo điện tử và linh kiện xe hơi.

Các giới chức Nhật Bản cho biết họ đã quyết định trả tự do cho viên thuyền trưởng để tránh làm xấu thêm bang giao với Trung Quốc.

Giáo sư môn quan hệ quốc tế của trường Đại học Thanh Hoa Lưu Khương Vĩnh nói ông nghĩ rằng thời điểm Nhật Bản quyết định phóng thích viên thuyền trưởng Trung Quốc là tốt đẹp.

Giáo sư Lưu nói rằng nếu Nhật Bản theo đuổi biện pháp pháp lý đối với viên thuyền trưởng thì điều đó sẽ làm cho quan hệ giữa hai nước xấu thêm và sẽ gây phương hại cho các cơ hội kinh tế.

Trung Quốc đã là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản từ năm 2009.

Vụ tranh chấp về nhóm đảo lâu nay đã gây xích mích giữa hai nước. Lòng biển quanh nhóm đảo không có người ở mà Trung Quốc gọi là Điếu ngư và Nhật Bản gọi là Senkaku được cho là giầu tài nguyên khí đốt thiên nhiên và các tài nguyên khác.

Vụ tranh chấp cũng nêu bật tính chất mong manh của các quan hệ vẫn còn rắc rối vì những vụ tranh chấp về lối hành xử của Nhật Bản trước và sau Thế chiến thứ hai.

Bà Therese Leung, một giảng viên tại Viện Quốc tế vụ của Singapore, nói bà nghĩ rằng cách đáp ứng của Trung Quốc trong vụ này là quá đáng.

Bà Leung nói: “Điều nhất thiết không nên làm là tỏ ra thiếu chín chắn, không biết điều và không sẵn sàng. Và tôi cho rằng lối đáp ứng của Trung Quốc đối với Nhật Bản là thiếu chín chắn và không biết điều.”

Từng làm việc tại Quốc hội Hoa Kỳ và chính phủ tại Washingon nhiều năm, bà Leung nói Hoa Kỳ đã theo dõi sát vụ tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản.

Các nước ở đông nam châu Á cũng theo dõi sát các diễn biến.

Bà Dewi Fortuna Anwar thuộc Viện Dân chủ và Nhân quyền của Trung tâm Habibie ở Jakarta, nói và lấy làm quan ngại.

Bà Anwar cho biết: “Tôi nghĩ rằng lập luận ngày càng hiếu chiến của Bắc Kinh đe dọa Nhật Bản gửi đi một thông tin không đáng hoan nghênh cho phần còn lại trong khu vực. Chúng ta không biết liệu đây có phản ánh bản chất trịch thượng nói chung của Trung Quốc, sự tự tin ngày càng tăng, và những thứ khác nữa hay không, nhưng nó thực sự không làm cho Trung Quốc mang một hình ảnh tốt đẹp trong vùng Á châu mở rộng.”

Các quốc gia Đông nam Á cũng có các tranh chấp về lãnh thổ với Trung Quốc – về dẫy đảo Trường Sa và Hoàng Sa trong vùng biển Nam Trung Quốc. Các hòn đảo không có người ở này cũng được cho là nằm trên những trữ lượng giàu có về khí đốt.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG