Đường dẫn truy cập

Iraq yêu cầu trọng tài quốc tế phân xử vụ bán dầu trong vùng Kurdistan


Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu, (trái), và Ngoại trưởng Iraq Hoshyar Zebari nói chuyện tại một cuộc họp báo chung
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu, (trái), và Ngoại trưởng Iraq Hoshyar Zebari nói chuyện tại một cuộc họp báo chung
Baghdad đã yêu cầu phân xử pháp lý trong vụ tranh chấp bán dầu của vùng Kurdistan thuộc Iraq với Thổ Nhĩ Kỳ. Động thái này được đưa ra sau khi tàu chở dầu siêu trọng đầu tiên của vùng Kurdistan thuộc Iraq khởi hành ở Thổ Nhĩ Kỳ, bất chấp cảnh báo và đe dọa từ Baghdad không được xúc tiến bán dầu. Các nhà phân tích nói rằng động thái này lại làm tăng mối nguy trong cuộc chơi bên miệng hố chính trị kéo dài, trong khi Baghdad tìm cách ngăn những bước đi của Kurdistan hướng tới việc tự túc.

Sau nhiều tháng đình trệ và đối mặt với cảnh báo quốc tế, Ankara đã bán một triệu thùng dầu đi qua đường ống dẫn từ khu bán tự trị Kurdistan lân cận thuộc Iraq.

Vụ bán dầu cho một bên mua không nêu danh tính được thực hiện mà không có sự đồng ý của chính quyền trung ương ở Baghdad. Baghdad đã nhiều lần cảnh báo Ankara rằng bất kỳ thương vụ nào như vậy sẽ là bất hợp pháp.

Chuyên gia quan hệ quốc tế Soli Ozel của Đại học Kadir Has ở Istanbul nói thương vụ này sẽ làm quan hệ song phương thêm căng thẳng.

"Quan hệ hai nước vốn dĩ đã bị tổn hại. Những cuộc hội kiến rất hứa hẹn giữa ông Maliki và ông Erdogan, hay những chuyến thăm viếng qua lại, chưa hề thực sự diễn ra. Quan hệ xấu cứ vậy mà tiếp diễn. Nhưng rõ ràng là không có hành động thách thức nhỏ nhặt nào về phía Thổ Nhĩ Kỳ và điều này có thể làm thay đổi bản chất tình hình."

Khi Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Taner Yildiz loan báo thương vụ bán dầu, ông nói đây là thương vụ đầu tiên trong nhiều thương vụ. Ankara ủng hộ tuyên bố của chính quyền khu vực Kurdistan thuộc Iraq rằng họ có quyền hợp hiến bán trữ lượng dầu mới tìm thấy một cách độc lập.

Ankara đã nói doanh thu từ bất kỳ thương vụ bán dầu nào như vậy cũng sẽ được phân chia giữa chính quyền khu vực Kurdistan và Baghdad, phù hợp với Hiến pháp Iraq. Nhưng ngày thứ Sáu, Bộ Dầu lửa Iraq đã đệ đơn lên Phòng Thương mại Quốc tế ở Paris yêu cầu trọng tài quốc tế phân xử.

Các nhà phân tích nói rằng chính quyền khu vực Kurdistan đang cần tiền gấp sau khi Baghdad quyết định cắt giảm ngân sách để trừng phạt họ về việc lắp đường ống dẫn dầu đến Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng ông Sinan Ulgen thuộc Viện Carnegie ở Brussels nói vụ tranh chấp xét cho cùng là về quyền lực hơn tiền bạc.

"Cán cân quyền lực giữa chính quyền trung ương và chính quyền khu vực Kurdistan sẽ bị ảnh hưởng vì vụ việc này. Chính quyền khu vực Kurdistan sẽ có thể xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt của mình mà không cần Baghdad bật đèn xanh mỗi lần. Điều đó sẽ tăng cường an ninh kinh tế của họ và sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực."

Quan ngại về sự toàn vẹn lãnh thổ của Iraq đã khiến Washington lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ Baghdad và chỉ trích Ankara về vụ bán dầu. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói Mỹ không ủng hộ bất kỳ hoạt động xuất khẩu nào mà không được phép của chính phủ liên bang Iraq, và cảnh báo Mỹ lo ngại về tác động của những thương vụ như vậy.

Nhưng chuyên gia quan hệ quốc tế Ozel nói Ankara đang phô diễn sức mạnh ngoại giao trong khu vực nhằm đạt được mục tiêu chiến lược quan trọng.

"Ankara muốn làm theo ý mình và muốn chứng tỏ họ có thể làm theo ý mình. Đó là điểm thứ nhất. Thứ hai là trở thành trung tâm dầu mỏ và khí đốt rất quan trọng đối với Ankara, và nếu họ không thể làm một cách hợp pháp, tôi nghĩ họ muốn làm theo kiểu việc đã rồi."

Nhưng nhà phân tích Ulgen nói rằng Baghdad sẽ không dễ gì từ bỏ mà không tranh đấu.

"Baghdad cũng sợ rằng những khu vực khác ở Iraq, chẳng hạn như Basra, sẽ nối gót và do đó họ không muốn tạo tiền lệ mà theo thời gian sẽ làm suy yếu sự kiểm soát trung ương đối với phần còn lại của lãnh thổ Iraq."

Đến giờ Thổ Nhĩ Kỳ đã hứa sẽ khoan bán dầu của chính quyền khu vực Kurdistan cho đến khi đạt được thoả thuận với Baghdad.

Các nhà quan sát cho rằng động thái của Ankara được canh đúng lúc Thủ tướng Iraq Nuri Al Maliki đang chật vật thành lập chính phủ mới. Với việc bất kỳ vụ tranh chấp pháp lý nào về vụ bán dầu dự đoán sẽ kéo dài vài tháng nếu không phải vài năm, các nhà phân tích nói cả chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và chính quyền khu vực Kurdistan có phần chắc sẽ trông đợi rằng, tới lúc đó tình hình trên thực địa sẽ đánh bật bất kỳ thách thức pháp lý kéo dài nào.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG