Đường dẫn truy cập

Thủ Tướng Israel ra điều trần trước ủy ban điều tra quốc gia


Thủ Tướng Israel Benjamin Netanyahu đã ra làm chứng trước một ủy ban điều tra để trả lời những câu chất vấn về cuộc tấn công gây chết chóc, nhắm vào một đoàn tàu cứu trợ cho Gaza xảy ra hồi cuối tháng Năm trong vùng lãnh hải quốc tế nằm về hướng Bắc Gaza.

Thủ Tướng Netanyahu đã ra làm chứng trước một ủy ban điều tra quốc gia, tại đây, ông lên tiếng bênh vực cuộc càn quét gây chết người nhắm vào đoàn tàu cứu trợ hồi tháng Năm.

Ông Netanyahu là nhân chứng đầu tiên trong cuộc điều tra để xem xét quyết định của chính phủ Israel cho điều động một nhóm biệt kích của lực lượng hải quân Israel đến chận 6 chiếc tàu cứu trợ. Các tàu này lúc ấy, đang tìm cách phá vỡ lệnh của Israel phong tỏa dải Gaza.

Trong cuộc càn quét, nhóm biệt kích Israel đã gặp sức đối kháng bạo động, kết quả là 9 nhà hoạt động tích cực thân Palestine bị giết chết.

Israel thành lập ủy ban điều tra trong một nỗ lực nhằm xoa dịu sự phẫn nộ của cộng đồng quốc tế về sự cố này.

Tuy nhiên, bất chấp những tố cáo cho rằng Israel đã sử dụng sức mạnh quá tay, ông Netanyahu ca ngợi các binh sĩ nước ông về điều mà ông gọi là “sự can đảm phi thường” của họ. Phát ngôn viên của nhà lãnh đạo Israel nói:

“Phải khẳng định cho rõ ràng ở đây. Tất cả những gì chúng tôi được biết cho thấy, trước hết, là hành động can thiệp của chúng tôi hoàn toàn hợp pháp. Các binh sĩ của hải quân Israel đã hành động để tự vệ.”

Thủ Tướng Netanyahu tố cáo Thổ nhĩ kỳ, nước bảo trợ không chính thức cho đoàn tàu cứu trợ, là đã làm ngơ trước các nỗ lực ngoại giao của Israel nhằm tránh một cuộc đụng độ ngoài biển cả.

Ông nói theo các dấu hiệu bề ngoài, Thổ nhĩ kỳ không có ý định kiềm chế nhóm người hoạt động tích cực, mà theo lời ông, đã tấn công du kích quân Israel bằng gậy và dao.

Phát ngôn viên Regev cho rằng đây là một hành động khiêu khích, không hơn không kém:

“Bạo động là do nhóm hoạt động cực đoan người Thổ nhĩ kỳ gây ra trước, họ đến đây với chủ ý khiêu khích một cuộc chạm trán. Và cuộc chạm trán đã xảy ra. Chính họ khởi sự các cuộc bạo động, họ phải chịu trách nhiệm về những hành vi bạo động đã xảy ra.”

Kể từ sau sự cố này, các quan hệ nồng ấm giữa Israel và Thổ nhĩ kỳ trước đây đã trở nên lạnh nhạt. Thổ nhĩ kỳ đã về phe các quốc gia Hồi giáo khác để đòi Israel chấm dứt lệnh phong tỏa dải Gaza.

Trước áp lực của quốc tế, Israel đã nới lỏng lệnh phong tỏa trên bộ. Tuy nhiên, Thủ Tướng Netanyahu tuyên bố lệnh phong tỏa đường biển vẫn được thi hành để ngăn chận vũ khí được chuyển đến tay của Hamas, nhóm đấu tranh bạo động Palestine đang cầm quyền tại dải Gaza.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG